(Baothanhhoa.vn) - Trồng rừng gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững. Dẫu vậy, việc phát triển rừng gỗ lớn tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ từ nguồn vốn đến khoa học - kỹ thuật thâm canh rừng trồng cho các chủ rừng.

Phát triển rừng bền vững (Bài 2): Tiềm năng mở nhưng còn nhiều “rào cản”

Trồng rừng gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững. Dẫu vậy, việc phát triển rừng gỗ lớn tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ từ nguồn vốn đến khoa học - kỹ thuật thâm canh rừng trồng cho các chủ rừng.

Phát triển rừng bền vững (Bài 2): Tiềm năng mở nhưng còn nhiều “rào cản”Cần tăng cường, đẩy mạnh liên kết trong phát triển rừng trồng gỗ lớn (ảnh chụp Nhà máy Chế biến gỗ Như Xuân).

Xã Cán Khê (Như Thanh) có hơn 2.000ha đất rừng sản xuất nhưng hiện tại chỉ có khoảng 6ha đất được trồng theo mô hình rừng gỗ lớn. Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã lý giải, mặc dù việc trồng rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích và từng thu hút nhiều hộ dân đăng ký tham gia khi mới triển khai Đề án “Phát triển rừng trồng gỗ lớn, khoanh nuôi phục tráng rừng lim xanh huyện Như Thanh giai đoạn 2016-2021, định hướng đến năm 2030”. Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia mô hình, nhiều hộ dân đã không còn mặn mà, tự rút lui. Nguyên do là chu kỳ trồng rừng gỗ lớn kéo dài, chỉ phù hợp với những chủ rừng Nhà nước, các công ty lâm nghiệp hoặc hộ gia đình có tiềm lực tài chính và diện tích đất rừng trồng lớn.

Trong khi đó, diện tích rừng trồng trên địa bàn xã Cán Khê manh mún, nhỏ lẻ, trung bình từ 0,5 đến 3ha/hộ. Các hộ dân có đất rừng sản xuất đa phần là hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, khó có thể duy trì mô hình rừng trồng gỗ lớn kéo dài nhiều năm. Bên cạnh đó, người dân cũng gặp khó trong việc đáp ứng các tiêu chí để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định. Trường hợp gia đình chị Vi Thị Huyền, một trong những hộ trồng keo ở thôn Đông là một ví dụ. Điều kiện kinh tế khó khăn, áp lực về thu nhập, chi phí cho cuộc sống hàng ngày không cho phép gia đình chị chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Thậm chí, có những thời điểm gia đình phải thu hoạch keo non bán cho các thương lái để lấy nguồn trang trải cuộc sống.

Xã Thanh Hòa (Như Xuân) cũng chung tình trạng trên. Toàn xã có 360ha rừng trồng, với 291 hộ dân có đất rừng nhưng không có hộ nào tham gia trồng rừng gỗ lớn. Ông Lương Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Đa phần diện tích đất trồng rừng của các hộ dân trong xã đều manh mún, nhỏ lẻ. Bởi vậy, phần đa các hộ dân đều lựa chọn trồng rừng theo hướng thời vụ, với chu kỳ từ 5 đến 7 năm. Khi khai thác gỗ, đơn vị nào thu mua giá cao thì các hộ dân bán, không liên kết. Ví dụ, năm 2024, giá keo tăng cao, nhiều hộ dân để có tiền chi phí cho cuộc sống đã sẵn sàng thu hoạch keo từ 4 đến 5 năm thay vì đợi đến 7 năm.

Đây cũng là một trong những lý do khiến việc xây dựng chuỗi liên kết giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến tại huyện Như Xuân chưa phổ biến. Ông Lê Chí Liệu, quản lý Nhà máy Chế biến gỗ Như Xuân, cho biết: Nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2012. Đây là nhà máy hoạt động lĩnh vực chế biến lâm sản đầu tiên của huyện Như Xuân. Khi thành lập, doanh nghiệp đã được định hình gắn với vùng nguyên liệu liên kết tại địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, do sự cạnh tranh không lành mạnh đến từ một số cơ sở kinh doanh tự phát khiến cho vùng nguyên liệu của nhà máy bị thu hẹp, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân mang tư duy “ăn xổi”, đơn vị nào thu mua cao thì bán, sẵn sàng từ bỏ đơn vị thu mua truyền thống. Điều này là “rào cản” khiến việc liên kết giữa người dân với doanh nghiệp chế biến lâm sản chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi người dân thì lo doanh nghiệp thất hứa, không chia sẻ rủi ro, còn phía doanh nghiệp lại sợ người dân không tuân thủ hợp đồng, bán keo non hoặc bán gỗ ra ngoài, thay vì bán cho doanh nghiệp.

Mỗi năm Nhà máy Chế biến gỗ Như Xuân cần nguồn nguyên liệu đầu vào khoảng 50.000 tấn keo để chế biến dăm gỗ xuất khẩu sang thị trường các nước: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore... Để đáp ứng nguồn nguyên liệu này, ngoài huyện Như Xuân, nhà máy đang phải nhập từ nhiều nơi khác như huyện Thường Xuân hay huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).

Để đạt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh đảm bảo duy trì, phát triển ổn định vùng kinh doanh rừng gỗ lớn với quy mô 56.000ha và tiếp tục mở rộng phát triển mô hình rừng gỗ lớn, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và các huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu quy hoạch, tổ chức trồng, chăm sóc, khai thác đến chế biến. Trọng tâm là các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ rừng tham gia thực hiện trồng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, gắn với việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Đồng thời, chú trọng đến việc hình thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp, gỗ lớn và chú trọng xây dựng chuỗi liên kết bền vững giữa chủ rừng với doanh nghiệp chế biến. Ngoài ra, nguồn kinh phí thực hiện rừng trồng gỗ lớn không chỉ gói gọn trong phạm vi nguồn ngân sách Nhà nước mà cần được đa dạng hóa, bằng việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án có liên quan và nguồn huy động, tài trợ hợp pháp khác. Đó còn là cơ chế, chế tài ràng buộc đối với các hộ, cá nhân, tổ chức rừng khi tham gia dự án trồng rừng gỗ lớn; các doanh nghiệp chế biến tham gia liên kết đảm bảo việc thu mua đúng hợp đồng.

Chung tay phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thực hiện đổi mới tổ chức sản xuất, xây dựng, nhân rộng các mô hình HTX sản xuất lâm nghiệp; thúc đẩy chuỗi liên kết bền vững giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến. Đồng thời, đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ rừng, gắn chế biến với xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp. Đi liền với đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục nghiên cứu tuyển chọn các loài cây trồng lâm nghiệp thích hợp cho mỗi vùng sinh thái khác nhau, có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo sinh khối lớn; tăng cường chuyển giao công nghệ mới, tạo sản phẩm chủ lực đột phá về chế biến lâm sản, phát triển chế biến sâu.

Bài và ảnh: Đình Giang

Tin liên quan:
  • Phát triển rừng bền vững (Bài 2): Tiềm năng mở nhưng còn nhiều “rào cản”
    Phát triển rừng bền vững (Bài 1): Lợi ích “kép” từ rừng trồng gỗ lớn

    Trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần tăng cường sự đa dạng sinh học, giảm thiểu biến đổi khí hậu và ngăn chặn xói mòn đất. Nhận thức được tầm quan trọng này, nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai các mô hình và đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần hiện thực hóa ước mơ làm giàu từ rừng của nông dân.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]