Phát triển du lịch xanh: Chuyện không dễ (Bài 2) - Áp lực với những cơ sở tiên phong “chuyển đổi xanh”
Sau một thời gian áp dụng các hoạt động “chuyển đổi xanh”, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã, đang vấp phải nhiều khó khăn, thách thức. Từ hạn chế do nhận thức chưa đầy đủ về du lịch xanh, bài toán về chi phí tới việc thiếu cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp tiên phong “chuyển đổi xanh” rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Các khu nghỉ dưỡng “xanh” tại Pù Luông có kiến trúc gần gũi với thiên nhiên, song cần nguồn vốn lớn để đầu tư, nâng cấp thường xuyên.
Loay hoay “chuyển đổi xanh”
Một trong những điểm đến xanh tiêu biểu của tỉnh phải kể đến đó là Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước). Tại đây, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đều chú trọng đầu tư cơ sở vật chất theo hướng thân thiện với môi trường, mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, khác biệt ở những không gian xanh. Đây cũng là khu du lịch mà có tới hơn 90% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chú trọng phát triển du lịch xanh gắn với chuyển đổi số.
Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden, Đỗ Đức Mạnh nhận định: "Du lịch xanh thực sự là một yêu cầu tất yếu để phát triển du lịch bền vững. Và thực tế, muốn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bền vững tại Pù Luông, không còn cách nào khác là phải xanh hóa điểm đến và tích cực chuyển đổi xanh trong mọi hoạt động”.
Anh Mạnh cũng cho biết, Pù Luông Eco Garden đặc biệt quan tâm phát triển không gian xanh gắn với chuyển đổi số. Từ hệ điều hành, quản lý tiết kiệm tối đa giấy tờ, nhân lực, cho tới các đồ dùng, vật dụng thân thiện với môi trường và chú trọng phát triển cả những trải nghiệm xanh. Nếu để ý, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy kiến trúc khu nghỉ dưỡng và những vật liệu xây dựng tại đây đều mang đến cho du khách cảm giác gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Tại các không gian sinh hoạt chung như khu vực ăn uống được thiết kế lấy gió trời tự nhiên, không sử dụng điều hòa và hạn chế tối đa các thiết bị điện, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Ngoài ra, tất cả các phòng lưu trú đều bố trí chai nước thủy tinh, dầu gội và sữa tắm được dùng trong các chai sành lớn để tránh lãng phí và hạn chế rác thải nhựa.
Tuy nhiên, đại diện các khu nghỉ dưỡng tại Pù Luông cho biết, với đặc thù thời tiết khí hậu, độ ẩm cao, các thiết kế từ chất liệu tự nhiên như tre, gỗ... không chỉ tốn kém chi phí đầu tư, mà rất dễ hư hỏng, cần thường xuyên cải tạo, sửa chữa, đầu tư mới. Bên cạnh đó, lộ trình chuyển đổi xanh tại đây cũng vấp phải nhiều khó khăn do vốn đầu tư lớn, thiếu cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi xanh gắn với tăng trưởng du lịch xanh. Trong khi đó, với trên 90 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, công suất đón khoảng 3.900 lượt khách/ngày/đêm, đa phần các kỳ nghỉ lễ trong năm lượng khách đều quá tải, tạo sức ép lên môi trường tự nhiên và tình trạng rác thải nhựa.
Theo tính toán, trung bình 1 phòng lưu trú sẽ sử dụng 3 chai nhựa nhỏ (dầu gội, dầu xả, sữa tắm)/ngày, kèm theo đó là mũ chụp tóc, dao cạo râu, bàn chải, kem đánh răng (loại dùng một lần)..., nếu một khu nghỉ dưỡng khoảng 25 phòng sẽ thải ra 75 chai nhựa nhỏ/ngày và một lượng rác thải nhựa do du khách mang theo. Đến nay, rất nhiều cơ sở lưu trú tại Pù Luông như: Pù Luông Casa Resort, Pù Luông Retreat, Pù Luông Bocbandi Retreat, Central Hill Pù Luông Resort... đã sử dụng các loại chai dầu gội, sữa tắm lớn, vật liệu tái sử dụng tại các phòng lưu trú. Song làm thế nào để chuyển đổi xanh một cách hoàn toàn là cả một bài toán khó mà chưa doanh nghiệp nào chắc chắn có thể làm được.
Doanh nghiệp cần được “tiếp sức”
Một trong những lý do buộc doanh nghiệp phải “chuyển đổi xanh” đó là lối sống, cách hưởng thụ và tiêu dùng của du khách đã thay đổi. Xa hơn một chút là sự sống còn của doanh nghiệp trong tình hình mới. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tích cực tham gia chuyển đổi xanh cần có định hướng và cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm “tiếp sức” trên chặng đường dài. Cũng theo ông Đỗ Đức Mạnh, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden: “Bản thân một số doanh nghiệp đến nay chưa biết làm thế nào để chuyển đổi hoàn toàn sang du lịch xanh, thậm chí có thể bỏ cuộc do thiếu sự dẫn dắt, định hướng. Chính vì vậy, về phía các cơ quan quản lý du lịch, chính quyền địa phương bên cạnh chú trọng “quy hoạch xanh", cần nghiên cứu xây dựng lộ trình phát triển du lịch xanh, với mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể. Từ đó thôi thúc sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trước mắt là tập trung chuyển đổi xanh gắn với chuyển đổi số, giảm thiểu rác thải nhựa và du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên”.
Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Casa Resort giảm thiểu tối đa rác thải nhựa tại các phòng lưu trú.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lê Xuân Thảo cho rằng: Khó khăn vướng mắc nhất của quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch hiện nay là chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho từng lĩnh vực hoạt động như nhà hàng, khách sạn, lữ hành... Bởi vậy, doanh nghiệp sẽ chưa có căn cứ để đầu tư đúng hướng, cơ quan quản lý chưa có căn cứ đánh giá điểm đến đó xanh tới đâu, tăng trưởng xanh như thế nào, từ đó có sự định hướng cũng như điều chỉnh phù hợp với từng điểm đến, doanh nghiệp cụ thể. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay các doanh nghiệp xác định phải tự thân vận động trước. Về phía Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng sẽ tham vấn ý kiến của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, mời các chuyên gia để tổ chức các diễn đàn, hội thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn nữa.
“Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ nghiên cứu đề xuất với Hiệp hội Du lịch Việt Nam để lựa chọn một số cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh tham gia thí điểm “Khách sạn không rác thải nhựa”; đồng thời hướng dẫn quy trình chuyển đổi xanh tại các cơ sở lưu trú. Tiếp đến là chuyển đổi xanh tại các doanh nghiệp lữ hành, vận tải, nhà hàng, điểm đến... để du lịch xanh dần được mở rộng về quy mô. Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp du lịch có thêm động lực phát triển, là giải pháp giúp thúc đẩy tăng trưởng lượng khách có mức chi tiêu cao và hành động văn minh khi tham gia du lịch” - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lê Xuân Thảo nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Hoài Anh
Bài cuối: Du lịch xanh - Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất
{name} - {time}
-
2024-11-21 13:56:00
COP29: Hơn 50 quốc gia cam kết phát triển du lịch thân thiện với môi trường
-
2024-11-21 09:16:00
Top khách sạn, resort hàng đầu ở Cát Bà được yêu thích trên Traveloka
-
2024-10-29 11:00:00
Sun World Sầm Sơn: Thiên đường vui chơi đẳng cấp khiến giới trẻ “điên đảo”
“Cát Bà cần mở rộng không gian để thêm dư địa phát triển du lịch xanh”
Phát triển du lịch xanh: Chuyện không dễ (Bài 1) - Là lựa chọn hay yêu cầu tất yếu?
Xây dựng sản phẩm du lịch huyện Thạch Thành gắn liền với tiềm năng và giá trị văn hóa đặc trưng
Tham vấn Đề án Du lịch sinh thái và quảng bá, xúc tiến tại Vườn Quốc gia Bến En
Doanh nghiệp du lịch nỗ lực bứt tốc
Traveloka bật mí cách săn vé máy bay Vietnam Airlines giá rẻ đi Đà Nẵng
Resorts International Việt Nam Công ty Lữ hành Quốc tế và Nội địa – Mở rộng tầm nhìn du lịch toàn cầu
Nỗ lực cán đích các mục tiêu năm 2024 (Bài 4): Vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc gia
Lễ hội Mường Đeng - Nơi hội tụ sắc màu văn hóa đồng bào Thái