Phát triển du lịch xanh: Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Những năm gần đây, du lịch xanh đang ngày càng tạo được sức hấp dẫn du khách trong hành trình tham quan, khám phá du lịch xứ Thanh. Đồng thời cũng góp phần đưa du lịch xứ Thanh xóa đi khái niệm điểm đến mùa vụ. Chính vì vậy, để du lịch xanh ngày càng phát triển, ngành du lịch của tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của những người làm du lịch, người dân trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống...
Hồ Cửa Đạt (Thường Xuân) - điểm đến xanh hấp dẫn du khách.
Thời gian qua, khu du lịch bản Mạ (Thường Xuân) là cái tên được khá nhiều du khách trong và ngoài nước tìm kiếm. Sở dĩ nơi đây đang tạo được sức hút du khách không chỉ cảnh quan thiên nhiên, môi trường xanh mát quanh năm, mà còn là sự đầu tư phát triển du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Là một trong những hộ tiên phong đi đầu làm du lịch tại bản Mạ, anh Vi Văn Ngọ, chủ homestay bản Mạ Ecolodge chia sẻ: "Khi mới bắt tay vào làm du lịch, qua tìm hiểu mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều nơi như Pù Luông (Bá Thước), Mộc Châu (Sơn La)... tôi nhận thấy xu hướng trải nghiệm du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên của du khách ngày càng tăng cao, khách du lịch ngày nay không chỉ đơn thuần là những người muốn khám phá vẻ đẹp của một địa điểm du lịch mà còn là những người có nhận thức sâu sắc về tác động của họ đối với môi trường. Bởi vậy, khi đầu tư phát triển du lịch tôi xác định là phải tôn trọng giá trị tự nhiên, giá trị lịch sử văn hóa của địa phương một cách tối đa và xây dựng các sản phẩm du lịch lấy thiên nhiên là điểm nhấn. Do đó, toàn bộ khu homestay của gia đình tôi đều được xây dựng theo hướng nhà sàn truyền thống, xung quanh khuôn viên trồng nhiều loại cây xanh, và các loại hoa. Ngoài ra, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường luôn được chú trọng, mọi khu vực đều có lắp đặt thùng rác, và có gắn biển tuyên truyền du khách vứt rác đúng nơi quy định, đồng thời khuyến khích du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch... Cùng với đó, tôi cũng tích cực phối hợp với các đội văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trong bản để biểu diễn phục vụ du khách. Từ đó, không chỉ tạo sức hấp dẫn du khách mà còn góp phần bảo tồn, quảng bá giá trị văn hóa của địa phương".
Cũng như anh Ngọ, hầu hết các hộ làm du lịch và người dân ở bản Mạ đều có sự đổi mới tư duy trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, gần gũi với môi trường. Đặc biệt là thay đổi thói quen sinh hoạt, không vứt rác bừa bãi, chú ý giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, việc duy trì, gìn giữ những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái như, nếp nhà sàn, phong tục tập quán, nghề dệt thổ cẩm, các món ăn ẩm thực... cũng được bà con đặc biệt quan tâm thực hiện. Từ đó, góp phần đưa hoạt động du lịch ngày càng trở nên có ý nghĩa hơn, tạo ra các giá trị thực chất hơn cho người trải nghiệm du lịch và cả người dân địa phương.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hữu Giáp, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: Với nguồn tài nguyên văn hóa, cảnh quan, môi trường khá phong phú, đa dạng nên huyện rất có lợi thế trong phát triển du lịch xanh. Đây cũng là hướng phát triển mang tính bền vững, nếu khai thác, triển khai hiệu quả không chỉ thu hút lượng lớn du khách mà còn tạo được dấu ấn về một điểm đến không chỉ đẹp mà còn xanh và sạch.
Trên thực tế, những năm gần đây, việc phát triển du lịch xanh cũng được huyện Thường Xuân quan tâm thực hiện. Hiện tại, huyện đã hình thành được một số “điểm đến xanh” thu hút khá đông du khách như: Khu du lịch bản Mạ, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Nông trại Golden Cow... Huyện đặc biệt coi trọng việc nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch và người dân trong việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm du lịch xanh. Đồng thời, tập trung tuyên truyền cho người dân địa phương nhất là nơi có khu, điểm du lịch không chỉ có ý thức mà cần phải hành động để tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ban quản lý các khu du lịch để xây dựng, ban hành các quy định về bảo vệ môi trường. Đầu tư xứng đáng cho quảng bá, xúc tiến du lịch xanh bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm xây dựng huyện trở thành một điểm đến thân thiện với du khách...
Tại huyện Như Thanh, ông Đinh Xuân Thắng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thì người làm du lịch cũng cần phải có tư duy đổi mới, hướng đến thị hiếu của du khách, sản phẩm cũng phải khác biệt. Do đó, huyện xác định du lịch xanh là một hướng đi rất phù hợp để phục hồi và “kích cầu” du lịch. Theo đó, huyện đã xây dựng được một số điểm du lịch xanh như: điểm du lịch cộng đồng tại thôn Cây Nghia (xã Xuân Thái), vườn hoa Thủy Sơn (thị trấn Bến Sung), vườn bưởi Hải Tân, thôn Vĩnh Lợi (xã Hải Long)... Tại các điểm du lịch, huyện cũng tăng cường quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm đặc trưng của địa phương như: các cây dược liệu chè vằng, lá lạc tiên, nấm lim... của Vườn Quốc gia Bến En; các sản phẩm nông nghiệp được công nhận OCOP như mộc nhĩ khô, nấm bào ngư xám, nấm linh chi đỏ (xã Yên Thọ), miến dong riềng (Yên Lạc), mật ong thiên nhiên (Phượng Nghi)... Giới thiệu và phục vụ những món ăn ẩm thực đặc sắc của huyện như cá mè sông mực, lợn mán, nem chua lợn mán... Để người dân nâng cao hiệu quả cũng như nhận thức về phát triển du lịch xanh của người dân, doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn, thời gian qua huyện đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch tích cực phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh, thân thiện gần gũi với môi trường...
Hiện nay, xu hướng của khách du lịch là ngày càng quan tâm đến các yếu tố tự nhiên, phong cảnh hay bản sắc văn hóa của điểm đến. Bởi vậy, vài năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã hình thành khá nhiều khu, điểm du lịch xanh như: Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân), Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), thác Voi, thác Mây (Thạch Thành), Nông trại Golden Cow, xã Lương Sơn (Thường Xuân), Nông trại dâu tây, xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy), Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước)... Tại các khu điểm du lịch này, ngoài việc tôn trọng yếu tố tự nhiên, văn hóa bản địa trong phát triển du lịch, thì đã xây dựng được “vòng tròn tuần hoàn” trong xử lý rác, nước thải, góp phần bảo vệ môi trường. Từ đó, tạo sức hấp dẫn và thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, để du lịch xanh phát triển ngày càng bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần hơn nữa sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, sự sáng tạo của địa phương, doanh nghiệp trong việc làm mới sản phẩm du lịch, và quan trọng hơn là nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng - yếu tố quyết định đến sự thành công trong phát triển du lịch.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2025-01-11 16:02:00
Phát huy giá trị di tích đền thờ Trần Hưng Đạo
-
2025-01-11 07:56:00
Du lịch nông thôn - hướng đi đầy triển vọng
-
2024-07-12 13:02:00
“Điểm đến xanh” - xu hướng được du khách lựa chọn
Điểm danh địa chỉ 5 Khách sạn, Homestay Vinhomes Ocean Park 1, 2, 3 giá rẻ
Sầm Sơn: Đến để yêu và nhớ
Phát triển du lịch bền vững từ cách tiếp cận thị trường nguồn
Du lịch biển Hải Tiến “khoác áo mới”
Nghị quyết về phát triển du lịch: Đánh thức tiềm năng du lịch huyện Vĩnh Lộc
Giá vé Công viên nước Sun World Sầm Sơn - VIETTOUR3MIEN
Liên hoan văn hóa ẩm thực xứ Thanh năm 2024 để lại ấn tượng trong lòng du khách
Tin vui từ du lịch
Gần 9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2024