(Baothanhhoa.vn) - Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị khóa XII đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đó là: Xây dựng Thanh Hóa thành trung tâm của vùng và cả nước về dịch vụ logistics. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá để phát huy các tiềm năng thế mạnh, xây dựng Thanh Hóa thành Trung tâm logistics hạng I; Cảng nước sâu Nghi Sơn hạng I A; nâng cấp Cảng Hàng không Thọ Xuân đạt tiêu chuẩn quốc tế...

Phát huy thế mạnh phát triển dịch vụ logistics

Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị khóa XII đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đó là: Xây dựng Thanh Hóa thành trung tâm của vùng và cả nước về dịch vụ logistics. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá để phát huy các tiềm năng thế mạnh, xây dựng Thanh Hóa thành Trung tâm logistics hạng I; Cảng nước sâu Nghi Sơn hạng I A; nâng cấp Cảng Hàng không Thọ Xuân đạt tiêu chuẩn quốc tế...

Phát huy thế mạnh phát triển dịch vụ logisticsCảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn có năng lực xếp dỡ và vận chuyển hàng hóa bằng container tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hiếu

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xác định phát triển cảng biển và dịch vụ logistics có mối quan hệ hữu cơ gắn kết, có cảng biển thì phải có dịch vụ logistics đi kèm để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả khai thác và ngược lại. Logistics không chỉ là dịch vụ đưa hàng hóa từ nơi “cung” đến nơi “cầu” mà còn có vai trò to lớn trong việc hỗ trợ phát triển cảng biển. Chính vì vậy, tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng chiến lược phát triển logistics dựa trên sự phát triển hệ thống cảng biển, mà trọng tâm là cụm cảng nước sâu Nghi Sơn.

Với lợi thế là địa phương hội tụ đủ 5 phương thức vận tải, gồm: đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và đường hàng không. Đặc biệt Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch là 1 trong 5 cảng biển trung tâm của cả nước. Ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37 của Quốc hội, Thanh Hóa đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để hướng đến trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc. Một trong những cơ chế chính sách đạt được hiệu quả trong thời gian vừa qua là ngày 13/7/2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn. Trong đó chú trọng tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến; bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến; các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua cảng cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet, khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700 nghìn đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet đối với doanh nghiệp không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa.

Từ Nghị quyết số 248 của HĐND tỉnh đã tạo sức hút lớn đối với các hãng tàu, đơn vị logistics cập cảng Nghi Sơn. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đã miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông, đơn giản các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian xuất nhập khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Phát huy thế mạnh phát triển dịch vụ logisticsXếp dỡ hàng hóa container tại Cảng Quốc tế Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hằng

Đồng chí Nguyễn Tiến Hiệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cho biết: Ngoài việc áp dụng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển dịch vụ logistics, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng thường xuyên gặp gỡ để lắng nghe, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp logistics nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại xuất khẩu tại khu vực cảng nước sâu Nghi Sơn. Qua quá trình hoạt động, cho đến nay, Cảng Nghi Sơn đã thu hút được 2 hãng tàu mở tuyến vận chuyển hàng hóa bằng container đi quốc tế.

Với những chính sách ưu đãi được triển khai, cộng với lợi thế cảng biển nước sâu Nghi Sơn được quy hoạch là cảng cửa ngõ kết hợp với bến cảng trung chuyển quốc tế, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 100 nghìn tấn. Để phát triển dịch vụ logistics gắn liền với Cảng Nghi Sơn, giai đoạn vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư hệ thống đường bộ trục dọc, trục ngang, đường kết nối từ Nghi Sơn đi các trung tâm kinh tế lớn trong tỉnh, ngoài tỉnh và Cảng Hàng không Thọ Xuân. Cùng với phát triển hạ tầng giao thông kết nối, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến việc phát triển hạ tầng các cảng biển, hiện Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch tổng cộng 51 bến và khu bến, bao gồm: 21 bến cảng tổng hợp, đã đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác kinh doanh 14/21 bến cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 DWT giảm tải; ở khu vực cảng chuyên dụng có 11/20 bến đã đi vào hoạt động cùng với các dự án, gồm: 5 bến của dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn; 1 bến của dự án Nhà máy Xi măng Nghi Sơn; 5 bến của các dự án thuộc Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn... Đối với khu cảng container có 10 bến cảng, trong đó 4 bến (gồm 3, 4, 5 và 6) và khu phát triển logistics của Công ty TNHH Long Sơn; 4 bến và khu hậu cần cảng của Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn, đến nay cơ bản hoàn thành, đưa vào hoạt động kinh doanh khai thác khu hậu cần cảng...

Với việc chuẩn bị tốt quy hoạch và hạ tầng trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao. Từng bước hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics hiện đại, chuyên nghiệp. Cộng với đó là những chủ trương, chính sách, mục tiêu và giải pháp đề ra một cách cụ thể và khả thi sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển trong thời gian tới, góp phần vào việc hiện thực hóa xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc.

Minh Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]