Phát huy giá trị di sản - thêm sản phẩm “du lịch xanh”
Phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch nhằm mang đến cho du khách sản phẩm “du lịch xanh” đã, đang được nhiều địa phương trong cả nước quan tâm, triển khai có hiệu quả. Không nằm ngoài xu hướng phát triển, đến nay nhiều di sản văn hóa của tỉnh Thanh Hóa đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, mang đến những trải nghiệm “xanh” gắn liền với giá trị văn hóa lịch sử.
Khu Di tích lịch sử Lam Kinh - “Điểm đến xanh” hấp dẫn du khách.
Nằm trọn giữa không gian rộng lớn của gần 200ha rừng, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) giờ đây không chỉ là điểm đến để du khách ngược dòng về quá khứ - một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến, mà đây còn là điểm đến khiến du khách đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Với ý nghĩa và tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã được khôi phục, bảo tồn, khai thác và phát huy trở thành điểm du lịch văn hóa trọng điểm của tỉnh. Từ đó đem đến cho khu di tích một diện mạo uy nghi, cổ kính, với cảnh quan thiên nhiên xanh tươi, sạch đẹp, thân thiện. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng giúp Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Di tích Lam Kinh, 6 tháng đầu năm 2024, khu di tích đã đón khoảng 180 nghìn lượt khách, trong đó có 1.150 lượt khách quốc tế. Ông Nguyễn Xuân Toán, Trưởng Ban Quản lý Di tích Lam Kinh, cho biết: “Theo định hướng phát triển Khu Di tích lịch sử Lam Kinh trở thành điểm đến văn hóa, lịch sử, tâm linh hấp dẫn và trọng điểm du lịch của tỉnh, chính vì vậy điểm đến đã được quy hoạch tổ chức không gian du lịch phù hợp với Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, các quy định pháp lý được quy định tại Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch và các luật có liên quan. Cũng trong những năm qua, công tác bảo vệ, phục hồi rừng đặc dụng, đảm bảo vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh trong các khu lăng mộ, đường nội bộ... được ban quản lý chú trọng, mang đến cho du khách điểm du lịch văn hóa hấp dẫn. Cùng với đó, ban quản lý tạo điều kiện thuận lợi để khu vực dịch vụ quảng bá các sản phẩm OCOP và đặc sản của địa phương để du khách trải nghiệm; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để du khách cùng chung tay bảo vệ môi trường di tích xanh - sạch - đẹp”.
Còn tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), giờ đây không chỉ đơn thuần là hoạt động tham quan thành cổ mà còn có rất nhiều “không gian xanh”, “trải nghiệm xanh” hấp dẫn. Trong đó phải kể đến như: không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô; không gian trưng bày hiện vật ngoài trời; không gian trưng bày đá xây thành làm điểm check-in tại cổng phía Nam; trưng bày mô hình súng thần công và những cải cách triều Hồ; các chương trình giáo dục di sản cho học sinh;... Cùng với đó, nhiều tour du lịch kết nối di sản với các di tích khu vực phụ cận đã được đưa vào giới thiệu, phục vụ du khách như: Di sản Thành Nhà Hồ - đền thờ nàng Bình Khương - nhà cổ ông Phạm Ngọc Tùng - Cổng Nam - khu trưng bày đá xây thành; phòng trưng bày - đền thờ nàng Bình Khương - chùa Linh Giang - Chùa Giáng - Đàn tế Nam Giao...
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ Nguyễn Bá Linh cho biết: “Để mỗi điểm đến du lịch di sản thực sự là “điểm đến xanh”, trước hết phải “xanh” trong từng trải nghiệm. Theo đó, các hoạt động trải nghiệm tại Di sản Thành Nhà Hồ không chỉ hấp dẫn mà còn hạn chế tối đa tác động bất lợi như tiếng ồn, khói bụi đến khu di sản... Đặc biệt, việc triển khai các tour du lịch kết nối với vùng phụ cận hay phát triển các không gian văn hóa để du khách tham quan, trải nghiệm sẽ là hành động cụ thể nhằm thực hiện cam kết đối với UNESCO, đồng thời giúp hình ảnh di tích trở nên thân thiện hơn với du khách”.
Có thể nói, việc phát huy giá trị di sản gắn với du lịch tăng trưởng “xanh” đang ngày càng phổ biến nhờ tầm quan trọng của nó trong việc bảo vệ các giá trị tài nguyên nhân văn trong thời kỳ hội nhập. Với hơn 1.500 di tích, danh thắng và hàng trăm lễ hội truyền thống đặc sắc, Thanh Hóa đã, đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển “du lịch xanh”, đóng góp thêm cho sự đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch văn hóa. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững. Đây cũng là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2025-01-12 14:40:00
Đảm bảo an toàn tại các di tích trong mùa lễ hội đầu xuân
-
2025-01-11 16:02:00
Phát huy giá trị di tích đền thờ Trần Hưng Đạo
-
2024-07-22 15:21:00
Khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch năm 2024
Du lịch Bá Thước đổi mới để thu hút khách
Phát triển du lịch nông thôn gắn với đặc trưng vùng miền
Sông núi Lam Kinh nuôi tâm thức
Resorts International - Lựa chọn lý tưởng cho kỳ nghỉ đẳng cấp
Học người Nhật cách đối phó quá tải du lịch
Du lịch Thanh Hóa “kích cầu” những tháng cuối năm
Phát triển du lịch xanh: Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
“Điểm đến xanh” - xu hướng được du khách lựa chọn
Điểm danh địa chỉ 5 Khách sạn, Homestay Vinhomes Ocean Park 1, 2, 3 giá rẻ