(Baothanhhoa.vn) - Xác định hoạt động “tín dụng đen” là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp và các loại tội phạm, thời gian qua, lực lượng công an Thanh Hóa từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”, từng bước kiềm chế hiệu quả loại tội phạm này, góp phần làm trong sạch địa bàn.

Trấn áp tội phạm “Tín dụng đen”: Nhận diện và xử lý (Bài cuối): Mạnh tay và triệt để

Xác định hoạt động “tín dụng đen” là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp và các loại tội phạm, thời gian qua, lực lượng công an Thanh Hóa từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”, từng bước kiềm chế hiệu quả loại tội phạm này, góp phần làm trong sạch địa bàn.

Trấn áp tội phạm “Tín dụng đen”: Nhận diện và xử lý (Bài cuối): Mạnh tay và triệt để

Lực lượng công an tuyên truyền cho Nhân dân cảnh giác với hoạt động, thủ đoạn của hoạt động “tín dụng đen”.

Quyết liệt triệt xóa...

Thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa về phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với Công an huyện Thường Xuân xác lập chuyên án trinh sát mang bí số “1222T” để tiến hành đấu tranh đối với các ổ nhóm “tín dụng đen” hoạt động trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian trinh sát, lực lượng công an đã xác định được các đối tượng cầm đầu, thủ đoạn và hoạt động cho vay lãi nặng của một số nhóm đối tượng đăng ký tài khoản trên phần mềm Mecsash đứng tên các công ty, gồm: Công ty TNHH Tài chính Trường Nam, đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa; cơ sở cầm đồ Quang Hiển, đóng trên địa bàn huyện Hoằng Hóa; Công ty TNHH Tư vấn và Hỗ trợ tài chính An Phát, đóng trên địa bàn huyện Quan Hóa; Công ty TNHH Dịch vụ thương mại An Lộc Phát TH/Bá Thước 123, đóng trên địa bàn huyện Bá Thước.

Qua đấu tranh khai thác, lực lượng công an xác định các đối tượng cho vay lãi nặng hoạt động trên địa bàn TP Thanh Hóa và các huyện Hoằng Hóa, Quan Hóa, Bá Thước, bằng việc mua tài khoản qua phần mềm Mecash để quản lý hoạt động cho vay lãi nặng, với lãi suất tính theo tỷ lệ 10 ăn 8 (tương đương 109,5%/năm) đối với bốc “bát họ”, dạng vay trả góp, cắt lãi trước, thời hạn trả góp tiền gốc là 50 ngày. Và lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/ngày đối với hình thức cầm cố, tín chấp (tương đương 109,5%/năm đến 182,5%/năm), cắt lãi trước 10 ngày, số ngày vay không giới hạn, khi nào khách thanh toán đủ cả gốc lẫn lãi thì mới được xem là tất toán hợp đồng vay. Đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra đã tạm giữ hình sự đối với 7 đối tượng về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, tài khoản đứng tên Công ty TNHH Tài chính Trường Nam, tạm giữ đối tượng Nguyễn Thị Thùy Dung, trú tại phường Đông Hương (TP Thanh Hóa). Tài khoản đứng tên cơ sở cầm đồ Quang Hiển, tạm giữ đối tượng Lê Quang Hiển, trú tại xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa. Tài khoản đứng tên Công ty TNHH Tư vấn và Hỗ trợ tài chính An Phát, địa bàn huyện Quan Hóa, tạm giữ 2 đối tượng Nguyễn Thị Nga và Tống Văn Hòa cùng trú tại thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Tài khoản đứng tên Công ty TNHH Dịch vụ thương mại An Lộc Phát TH/Bá Thước 123, tạm giữ 3 đối tượng trên địa bàn huyện Bá Thước gồm Lương Thế Hoài và Đỗ Văn Đại, trú tại thị trấn Cành Nàng; Cao Văn Hưng, trú tại xã Điền Lư.

Cùng vào cuộc trấn áp tội phạm “tín dụng đen”, chỉ tính riêng từ ngày 13-12-2022 đến ngày 7-3-2023, Công an huyện Quảng Xương đã bắt, khởi tố 9 vụ, 15 bị can, tạm giam 3 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Điển hình, ngày 15-12-2022, Công an huyện đã điều tra, làm rõ và bắt giữ 4 đối tượng hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” gồm: Cao Như Long, sinh năm 1997; Lê Thiên Vũ, sinh năm 1991; Lê Văn Định, sinh năm 1990 và Ngô Anh Tùng, sinh năm 1992 đều ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương. Qua đấu tranh, các đối tượng khai từ tháng 12-2021 đến khi bị bắt đã tổ chức cho vay tiền thu lãi nặng của nhiều người dân trên địa bàn huyện Quảng Xương và TP Thanh Hóa với lãi suất từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/triệu/ngày (tương đương 500%/năm). Bằng thủ đoạn này, 4 đối tượng nói trên đã thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Thực hiện cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, từ ngày 5-1-2023 đến 17-1-2023, Công an huyện Triệu Sơn đã tổ chức khám xét đồng loạt 6 điểm gồm nhà ở và cơ sở cầm đồ của các đối tượng có biểu hiện cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Hiện, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Triệu Sơn đã khởi tố 4 vụ, 6 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong đó, ngày 17-1-2023, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Triệu Sơn đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối tượng Lê Xuân Thắng, sinh năm 1987, ở xã Dân Quyền (Triệu Sơn) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và gây rối trật tự công cộng. Quá trình khám xét đã phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của Lê Xuân Thắng. Tại trụ sở cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện, đối tượng Lê Xuân Thắng đã khai nhận toàn bộ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của mình. Qua kiểm tra xác minh ban đầu xác định, số tiền đối tượng Thắng cho vay từ 2018 đến nay gần 2 tỷ đồng với lãi suất 4 đến 5 nghìn/1 triệu/1 ngày, tương đương trên 180%/năm. Số người vay khoảng 100 người, Thủ đoạn của đối tượng là cho vay thông qua các hợp đồng tín chấp và thế chấp...

Trung tá Lê Văn Đức, đội trưởng đội hướng dẫn điều tra tội phạm về trật tự xã hội thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh, cho biết: Để giải quyết nạn “tín dụng đen”, ổn định đời sống xã hội, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng về phương thức, thủ đọan của hoạt động “tín dụng đen”, triển khai các biện pháp điều tra cơ bản; dựng được kết cấu, cấu trúc các loại hình cho vay, cá nhân vay nợ mất khả năng thanh toán, các đối tượng hình sự trong các băng nhóm đứng sau điều hành. Đồng thời, áp dụng đồng bộ các biện pháp trinh sát nội tuyến, ngoại tuyến, kỹ thuật, công nghệ; vận động quần chúng, nhất là vận động cá biệt đối với các đối tượng trong các băng nhóm tội phạm tham gia hoạt động “tín dụng đen” hoặc chính những người đi vay lãi nặng và những gia đình có con em vay nợ cung cấp các thông tin, tài liệu để lập án đấu tranh.

Bên cạnh việc chỉ đạo lực lượng công an tập trung các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, Công an Thanh Hóa đã chủ động báo cáo và tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước... tăng cường công tác quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ đối với công ty dịch vụ tài chính; đồng thời chỉ đạo công an cấp huyện tham mưu cho chủ tịch UBND cùng cấp thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra nhằm phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở này. Cùng với đó, triển khai các đợt cao điểm gắn với chỉ tiêu triệt phá, điều tra các chuyên án, vụ án liên quan đến “tín dụng đen”. Từ năm 2019 đến nay, Công an Thanh Hóa đã tiến hành khởi tố điều tra và xử lý đối với trên 100 vụ, gần 200 bị can có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; trong đó trên 30 vụ về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự...

Triệt đất sống “tín dụng đen”

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh cho biết: Tình hình hoạt động “tín dụng đen” dự báo tiếp tục có diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, khó thu thập các chứng cứ trong đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm. Các đối tượng tiếp tục lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và lòng tham của một bộ phận người dân để huy động vốn với lãi suất cao nhằm mục đích lừa đảo với số tiền lớn dưới các hình thức huy động tài chính, kinh doanh đa cấp, tham gia họ, hụi, vay trên ứng dụng app... Số đối tượng đi vay sử dụng tiền đi vay để đầu tư kinh doanh hoặc tham gia các tệ nạn xã hội tiếp tục tìm đến các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền còn tiềm ẩn lớn. Việc sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội có chiều hướng gia tăng, trong đó thủ đoạn sử dụng việc phát tán các hình ảnh, thông tín nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người đi vay trên môi trường mạng khiến việc đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Trấn áp tội phạm “Tín dụng đen”: Nhận diện và xử lý (Bài cuối): Mạnh tay và triệt đểCán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh giao ban bàn giao pháp??? đấu tranh với tội phạm "tín dụng đen".

Để đấu tranh triệt để với nạn “tín dụng đen”, Công an tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị tham gia hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh với “tín dụng đen”, vận động Nhân dân tích cực tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen". Cùng với đó, gắn công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật đến hoạt động “tín dụng đen” với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, phòng ngừa, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các đường dây tổ chức đánh bạc, tội phạm ma túy.

Ngoài ra, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo các nội dung nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý Nhà nước của các sở, ngành, đoàn thể của địa phương trong phòng, chống hoạt động “tín dụng đen”. Thực hiện chính sách an sinh xã hội, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, với dịch vụ nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của Nhân dân để góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng và hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự. Kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện về an ninh trật tự, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, các cơ sở kinh doanh chuyển đổi từ kinh doanh dịch vụ cầm đồ sang kinh doanh dịch vụ tài chính.

Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Tập trung rà soát, nắm tình hình về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, tham gia hụi, họ, biêu, phường có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tổ chức điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đảm bảo xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm. Lựa chọn một số vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án gây bức xúc trong dư luận, quần chúng Nhân dân để xác định án trọng điểm, tổ chức xét xử điểm nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết công tác đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; kiến nghị, đề xuất Chính phủ bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật, quy định, hướng dẫn của bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, phù hợp với tình hình thực tiễn công tác...

Để phòng ngừa và ngăn chặn “tín dụng đen”, thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân. Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thúc đẩy tài chính toàn diện, chuyển đổi số ngành ngân hàng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng an toàn, hiệu quả. Ngành ngân hàng cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kết hợp đẩy mạnh công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp Nhân dân.

Bên cạnh sự nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể nhằm phòng ngừa, đẩy lùi “tín dụng đen” thì mỗi người dân tự nâng cao ý thức trước sự cám dỗ của “tín dụng đen”; nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để không bị sa chân vào bẫy “tín dụng đen”.

Nhóm PV Phòng CT-XH

Tin liên quan:
  • Trấn áp tội phạm “Tín dụng đen”: Nhận diện và xử lý (Bài cuối): Mạnh tay và triệt để
    Trấn áp tội phạm “Tín dụng đen”: Nhận diện và xử lý (Bài 1): “Tín dụng đen” vẫn ...

    Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là lực lượng công an trong tỉnh, thời gian gần đây, hoạt động “tín dụng đen” đã và đang được trấn áp. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm.

  • Trấn áp tội phạm “Tín dụng đen”: Nhận diện và xử lý (Bài cuối): Mạnh tay và triệt để
    Trấn áp tội phạm “Tín dụng đen”: Nhận diện và xử lý (Bài 2): Những “con mồi” ...

    Không chỉ bó hẹp phạm vi hoạt động ở khu vực đô thị, mà “tín dụng đen” đã len lỏi, vươn “vòi bạch tuộc” về các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Núp dưới “vỏ bọc” công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ và bằng phương thức, thủ đoạn phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội zalo, fecebook đăng tin quảng cáo cho vay tiền của các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi đã giăng ra cạm bẫy khắp nơi chờ những con mồi. Cùng với sự mất ổn định về an ninh trật tự tại các địa phương, hệ lụy của “tín dụng đen” còn khiến nhiều người dân lâm vào cảnh phải bán nhà, đất đai, các tài sản có giá trị để trả nợ và thậm chí phải bỏ quê hương hòng trốn nợ.

  • Trấn áp tội phạm “Tín dụng đen”: Nhận diện và xử lý (Bài cuối): Mạnh tay và triệt để
    Triệt xóa 4 điểm hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn huyện Triệu Sơn

    Sau một thời gian theo dõi và lập án đấu tranh, Công an huyện Triệu Sơn đã phá chuyên án 601TD, tổ chức khám xét đồng loạt 4 điểm gồm nhà ở và cơ sở cầm đồ có biểu hiện hoạt động tội phạm “tín dụng đen” phức tạp trên địa bàn huyện .



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]