(Baothanhhoa.vn) - Nhằm đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu thuốc lá, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thành viên phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá

Nhằm đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu thuốc lá, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thành viên phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá.

Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc láLực lượng chức năng tịch thu và xử lý vi phạm lô hàng thuốc lá nhập lậu được phát hiện trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, thời gian qua, BCĐ 389 tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, chỉ đạo các sở, ngành thành viên chủ động xây dựng kế hoạch của từng đơn vị; tăng cường lực lượng phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn hoạt động buôn lậu thuốc lá, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép thuốc lá nhập lậu trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, vùng biển; các tuyến đường giao thông và trong thị trường nội địa tỉnh. Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động nắm tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu.

Là một trong những lực lượng nòng cốt, quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thanh Hóa đã quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong các đơn vị thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, không sử dụng thuốc lá nhập lậu và không hút thuốc lá nơi công cộng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến thuốc lá, tổ chức cho các chủ thể kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hoặc tiếp tay cho các đối tượng thực hiện hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Lực lượng QLTT cũng kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán xì gà, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha nhập lậu, giả nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ... theo quy định của pháp luật; tăng cường quản lý, cấp phép kinh doanh thuốc lá; kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá, nhất là sản lượng thuốc lá sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, việc dán tem trên sản phẩm thuốc lá; phối hợp, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; chủ động nắm bắt, theo dõi diễn biến thị trường, làm tốt công tác dự báo, chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường trong việc sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ thuốc lá... Thông qua công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm trong việc sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ thuốc lá đã nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân và người buôn bán, kinh doanh thuốc lá.

Từ năm 2013 đến tháng 6-2019, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, xử lý 225 vụ vi phạm về lĩnh vực thuốc lá (trong đó có 125 vụ vi phạm nhập lậu thuốc lá), tổng số tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước là 2,273 tỷ đồng; tịch thu và tiêu hủy trên 28.000 bao thuốc lá nhập lậu, trị giá hàng tiêu hủy 564 triệu đồng. Từ tháng 1 đến tháng 12 - 2020 kiểm tra 23 cơ sở; xử lý 21 cơ sở; phạt vi phạm hành chính 94,5 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu 7 triệu đồng; tịch thu 607 bao thuốc lá...

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chưa có chế tài xử lý thuốc lá thế hệ mới. Chính vì vậy, khi bắt giữ các vụ việc liên quan đến mặt hàng này, lực lượng QLTT chỉ có thể xử lý đây là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nên các việc xử lý chưa sát với hành vi vi phạm. Mới đây, Bộ Công Thương đã có Công văn số 728/BCT-CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới. Theo đó, về cơ bản các bộ: Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư... đều thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp để quản lý đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết và có cơ sở.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 4861/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đang tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, hiệp hội liên quan và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý riêng đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan gồm: Nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá, nông dân trồng cây thuốc lá và phù hợp thông lệ quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2020). Theo đó, Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã quy định rõ các mức xử phạt: thấp nhất là phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao. Mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng (trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự) đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên. Như vậy, theo nghị định này, dù chỉ buôn bán 1 bao thuốc lá điếu nhập lậu, người bán đã có khả năng bị xử phạt tới 3 triệu đồng. Việc áp dụng hình thức phạt tiền với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận dù chỉ 1 bao thuốc lá điếu nhập lậu, thay cho hình thức cảnh cáo được quy định trước đây, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong chống thuốc lá điếu nhập lậu, đồng thời cảnh báo các cửa hàng bán lẻ và người tiêu dùng không tiếp tay cho thuốc lá điếu nhập lậu.

Dự báo dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhu cầu sản xuất, tiêu dùng hàng hóa sẽ sôi động. Để làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và chống buôn lậu thuốc lá nói riêng, Cục QLTT Thanh Hóa tập trung chỉ đạo các đội QLTT thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, tăng cường rà soát, nắm bắt các cơ sở kinh doanh thuốc lá trên địa bàn quản lý, đặc biệt là việc bày, bán thuốc lá lậu tại các chợ, tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn... để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu theo quy định của pháp luật. Trên khâu lưu thông, Đội QLTT số 9, 10 sẽ phối hợp với lực lượng công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, ngày 26-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu. Ngoài ra, phối hợp cơ quan truyền thông tuyên truyền chống buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, tiêu hủy thuốc lá nhập lậu để nâng cao nhận thức, cảnh báo người dân các nguy cơ ảnh hưởng từ thuốc lá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]