(Baothanhhoa.vn) - Nếu rác thải là loại chất thải có các mối đe dọa đáng kể hoặc tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường sống thì “rác” không gian mạng cũng đang được hiểu là mối đe dọa đến cộng đồng xã hội, tư tưởng con người, gây tác động tiêu cực đến dư luận, bất ổn chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm giảm sút lòng tin của Nhân dân...

“Rác” không gian mạng - đã đến lúc cần được kiểm soát: Bài 1 - Hỗn tạp văn hóa trên không gian mạng

Nếu rác thải là loại chất thải có các mối đe dọa đáng kể hoặc tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường sống thì “rác” không gian mạng cũng đang được hiểu là mối đe dọa đến cộng đồng xã hội, tư tưởng con người, gây tác động tiêu cực đến dư luận, bất ổn chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm giảm sút lòng tin của Nhân dân...

“Rác” không gian mạng - đã đến lúc cần được kiểm soát: Bài 1 - Hỗn tạp văn hóa trên không gian mạngCông an huyện Nông Cống xử lý đối tượng vi phạm về đăng tin sai sự thật trên không gian mạng.

“Rác” từ những livestream thiếu văn hóa...

Chỉ cần là một chuyện “hot” (nóng, gây kích ứng) xuất hiện thì ngay sau đó trên không gian mạng cũng trở nên “rực” như than hồng, thậm chí được nhiều người quay video bình luận, phát sóng trực tiếp, đăng tải, chia sẻ rầm rộ mà không cần xem xét đến nội dung hay đánh giá tác động. Điển hình như gần đây trên mạng xã hội (MXH) facebook xuất hiện một clip có độ dài gần 4 phút về việc một cô gái bị một nhóm người có hành vi dùng vũ lực và có dấu hiệu làm nhục được cộng đồng mạng chia sẻ gây bức xúc dư luận. Sau khi tiếp nhận nguồn tin, Công an TP Thanh Hóa đã vào cuộc và triệu tập chủ shop quần áo Mai Hường (là Cao Thị Mai Hường, Trịnh Đình Anh và một số nhân viên của shop) đến cơ quan công an để tiến hành xác minh, làm rõ. Tại cơ quan công an, các đối tượng đã khai nhận các hành vi dùng vũ lực, làm nhục và cưỡng đoạt tài sản của mình đối với 2 cháu T.M. và L.T.H. đều sinh năm 2004, trú tại phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn. Liên quan đến vụ án này, ngay trong tối 3-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã tập trung lực lượng tiến hành khám xét shop quần áo Mai Hường và thu giữ nhiều hàng hóa có liên quan, đồng thời điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của một số đối tượng có liên quan để đưa ra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Điều đáng nói, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng sự việc trên vẫn liên tục được đẩy đi xa trên không gian mạng. Một số hội, nhóm thì đăng tải, chia sẻ, bày tỏ quan điểm cá nhân chửi bới, lên án, phê phán các đối tượng với những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa. Số khác thì bày tỏ quan điểm “phán” thay pháp luật phải thế này, nên thế kia. Các trang facebook cá nhân thì đăng tải những bình luận, chửi bới kèm các ngôn từ thô tục, thiếu văn hóa. Một số trang khác thì đăng hình ảnh check in tại địa chỉ shop Mai Hường kèm các chú thích gây kích ứng, lăng mạ...

Vốn dĩ MXH luôn được ví như một “nồi lẩu thập cẩm” với những món ăn hỗn tạp, mà phổ biến nhất hiện nay là trào lưu livestream quảng cáo bán hàng online. Dường như thứ gì cũng có thể bán qua mạng nhưng chất lượng thì không được kiểm soát. Sẽ không quá khó để tìm hoặc xem những video phát sóng trực tiếp với những hình ảnh vừa bán hàng nhái, hàng kém chất lượng vừa khoe thân hình nóng bỏng ví như một số trang như “Kem trộn Nguyễn Ngọc Tuyền”; “Hà Kiều Anh Shop”... Còn khi vào những nền tảng livestream chuyên biệt, những hội, nhóm chat kín thì có những cô gái sẵn sàng cởi đồ, làm những hình ảnh gợi cảm để kích thích người xem. Thậm chí, có những người livestream trong những nền tảng chuyên biệt còn dụ người xem vào chơi những trò cá cược hay bài bạc bất hợp pháp. Còn trên nền tảng của facebook, thì liên tục bắt gặp các livestream của các giang hồ mạng khoe mẽ bản thân, giảng dạy đạo lý làm người kèm những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa...

Trường hợp khác về một vị CEO nữ nổi tiếng cũng làm MXH đảo điên và người dùng MXH luôn trong tình trạng “nóng máy” khi ngày nào cũng ra rả xuất hiện với những lời lẽ không trong sáng xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một số cá nhân, tổ chức, vi phạm nghiêm trọng đạo đức, thuần phong mỹ tục. Thậm chí, có những buổi, nữ doanh nhân này livestream suốt gần 2 - 3 giờ chỉ với nội dung đấu tố, bóc phốt những góc khuất của một số người nổi tiếng, thu hút tới hàng trăm nghìn người xem trực tiếp trên nền tảng facebook, YouTube.

Về vấn đề này, trao đổi với Báo Thanh Hóa, ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, cho rằng: “Hiện tượng lệch chuẩn đạo đức xã hội trong xã hội hiện nay không phải là hiếm. Bởi không chỉ riêng trên MXH và internet, ngay cả trên một số báo chí chính thống hiện nay cũng phản ánh một số hành vi sai lệch trong xã hội. Điều này phản ánh thực tế, hiện tượng lệch chuẩn xã hội với những biểu hiện khá đa dạng về hình thức, mức độ ảnh hưởng đối với con người và xã hội như hiện nay là vấn đề chúng ta phải quan tâm cả trên phương diện quản lý xã hội, quản lý thông tin”.

Theo các cơ quan chức năng đánh giá: “Với số lượng người dùng tăng trưởng nhanh chóng, các MXH đang tạo ra một “xã hội” tồn tại song song với xã hội thực. Tuy vậy, cùng với những tiện ích của truyền thông xã hội mang lại, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức từ tác động tiêu cực, khó kiểm soát từ MXH”.

...đến những “rác độc”

Nếu rác thải là loại chất thải có các mối đe dọa đáng kể hoặc tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường sống thì “rác độc” không gian mạng cũng đang được hiểu là những thông tin, video xấu, độc có tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, mối đe dọa đến tư tưởng con người, gây bất ổn chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm giảm sút lòng tin của Nhân dân...

Trong những loại “rác độc”, xếp ở hàng đầu phải kể đến những sản phẩm tin tức, video clip cắt, ghép được tung ra bởi các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Lợi dụng những thời điểm đất nước gặp khó khăn như trong bối cảnh cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật cũng được ví như một bãi “rác độc” được các phần tử phản động, thế lực thù địch triệt để lợi dụng như một chiêu bài để chống phá Đảng, Nhà nước. Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, bằng các hình thức, chiêu trò như tạo dựng, cắt ghép hình ảnh, video clip... các đối tượng xuyên tạc những nội dung chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tập trung tán phát các thông tin giả, sai sự thật; sử dụng các con rối dưới danh nghĩa “nhà dân chủ”... để quấy nhiễu, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Có thể kể đến như: Lê Văn Sơn, một đối tượng hoạt động tích cực cho các báo, đài phản động thường xuyên đăng tải các bài viết thể hiện quan điểm “đa nguyên, đa đảng”, còn khi dịch COVID-19 phức tạp, thì tiếp tục có những bài viết chống phá công tác phòng, chống dịch của Chính phủ...

Chúng ta cũng không còn xa lạ với những thông tin, bài viết có nội dung đề cập đến vấn đề tiêu cực, nhất là những vụ việc sai phạm, những vụ án tham nhũng của các cán bộ, lãnh đạo luôn là đề tài nóng được cả xã hội quan tâm. Lợi dụng sự quan tâm này, các đối tượng cơ hội, phần tử phản động đã tập trung đăng tải trên các website, blog, facebook... của một số hội, nhóm phản động và một số cá nhân tự xưng là những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền. Đặc biệt, để lôi kéo người dân tin tưởng vào các luận điệu xuyên tạc, các đối tượng này đã cố tình suy diễn, quy chụp và thổi phồng cho đó là một “tình trạng đang phổ biến”, là hệ quả của chế độ XHCN, là “căn bệnh” do độc Đảng lãnh đạo... Nguy hiểm hơn, để truyền tải rộng rãi các thông tin xuyên tạc tới người dân, chúng còn lập riêng một số website, blog, facebook để đăng tải bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ về đời tư, sự minh bạch của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ví như “Tinh hoa Hoa Kỳ”, “Tri thức trẻ 24h”... Từ đó gây hoài nghi trong Nhân dân vào các cấp lãnh đạo, hệ thống chính quyền nhằm làm mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ. Và đi đôi với những luận điệu xuyên tạc chúng cũng bộc lộ bản chất “phản động”, “phá hoại” Đảng, Nhà nước, hô hào, xúi giục Nhân dân gây rối trật tự, đòi dân chủ...

Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu, độc cùng số lượng lớn các video clip tự phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Qua theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông, các video clip có nội dung phản động, xấu độc, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam hầu hết nằm trong số 130.000 kênh do YouTube trực tiếp quản lý. Trong đó, đáng chú ý có khoảng 80 kênh phản động chuyên nghiệp, thường xuyên đăng tải thông tin, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta, như: Việt Tân, Tiếng Dân, Đệ tam Cộng Hòa, Chân trời mới... Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, riêng tổ chức khủng bố Việt Tân đã duy trì 1.000 tài khoản để chống phá bầu cử... Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, 9 tháng năm 2021, Công an TP Thanh Hóa, đã phát hiện, xử lý 6 trường hợp đăng tải tin, bài nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, cơ quan Nhà nước tại Thanh Hóa; phát hiện, xử lý 16 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn...

Để tránh những tác động xấu của MXH, cơ quan công an, khuyến cáo: “Người sử dụng MXH phải là người thông thái, tỉnh táo, nhận rõ tính hai mặt của MXH, nhất là mặt tiêu cực. Phải tự nâng cao cảnh giác, có kiến thức, biết đánh giá, tránh tình trạng vô tình tiếp tay, cổ súy cho các thông tin lệch lạc và phải biết kiềm chế trong mọi tình huống mà MXH mang đến”.

Lê Phượng

Bài 2: Nâng cao ý thức mỗi người và có chế tài đủ mạnh.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]