(Baothanhhoa.vn) - Giải quyết mâu thuẫn về đất đai trên cơ sở nhường nhịn, bao dung, cân bằng mối quan hệ tiền bạc và tinh thần, đề cao những giá trị đạo đức, trân trọng nghĩa tình là những điều mà mỗi người cần phải có để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lập di chúc để tránh tranh chấp tài sản thừa kế về sau

Giải quyết mâu thuẫn về đất đai trên cơ sở nhường nhịn, bao dung, cân bằng mối quan hệ tiền bạc và tinh thần, đề cao những giá trị đạo đức, trân trọng nghĩa tình là những điều mà mỗi người cần phải có để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Các vụ kiện về tài sản thừa kế là đất ngày càng nhiều. Trong ảnh: Thửa đất xảy ra tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình ông K.

Tuy nhiên, khi bất động sản ngày càng có giá trị, nhu cầu sử dụng đất ngày càng cao thì các vụ tranh chấp về đất đai có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói, trong số các vụ việc tranh chấp, thì những vụ kiện tụng về tài sản thừa kế là đất ngày càng nhiều khi những người ruột thịt đưa nhau ra tòa để phân chia tài sản bố mẹ để lại.

Trường hợp của ông V.V.K. là một ví dụ. Bố mất không để lại di chúc. Ông K. là con trai duy nhất trong gia đình, không những không chăm sóc được mẹ già mà còn đòi được hưởng tất cả phần đất đó thuộc về mình. Sau nhiều lần khuyên giải không thành, những người chị gái đã đưa vụ án ra tòa án để giải quyết. Mảnh đất được phân chia theo đúng quy định về thừa kế. Phần đất của các chị gái được sang tên cho mẹ già để cùng mẹ gom góp xây dựng ngôi nhà nhỏ cho mẹ sinh hoạt và thờ cúng tổ tiên. Về phần ông K., ông vẫn không thống nhất với quyết định của tòa án và cho rằng mẹ và các chị gái đã xâm phạm đến tài sản trên đất của ông nên ông K. vẫn cứ tiếp tục đi khiếu kiện khắp nơi.

Một trường hợp khác là của gia đình bà P.T.Th. Trước những năm 1980, bố mẹ và 6 anh chị em bà đều sinh sống trên thửa đất của bố mẹ. Khi trưởng thành, các anh chị em đều lập gia đình và ở riêng, chỉ có bà Th. không lấy chồng nên ở với bố mẹ trên thửa đất đó đến bây giờ. Bố mẹ bà lần lượt qua đời không để lại di chúc, tài sản để lại là thửa đất 420m2 đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tài sản trên đất là bốn gian nhà cấp 4 đã hư hỏng nặng, không thể sử dụng được nên năm 2015, bà tạm thời mượn 1 phần đất xây 1 gian nhà lợp mái bờ-rô xi măng khoảng 60m2 để ở. Cuối năm 2017, anh chị em trong gia đình có họp, bà đã đề nghị xin tách 1/2 thửa đất của bố mẹ để lại để làm nhà ở cố định nhưng không được anh em đồng ý, buộc bà phải khởi kiện yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật...

Ông Mai Nam Tiến, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Nga Sơn cho biết, những năm gần đây, các vụ án về phân chia di sản thừa kế có chiều hướng gia tăng. Nếu như trước năm 2016, Tòa án Nhân dân huyện Nga Sơn hầu như không thụ lý vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản, thì đến năm 2017 đến nay, tòa án đã thụ lý 5 vụ. Nguyên nhân phát sinh các vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản chủ yếu xuất phát từ trào lưu xây dựng nhà thờ họ ở nông thôn. Nhiều gia đình, dòng họ muốn xây dựng nơi thờ tự tổ tiên nhưng anh em không thống nhất được nên phải khởi kiện đến tòa án để phân chia di sản thừa kế. Mặt khác, theo quy định tại Điều 623 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế (Bộ Luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định chỉ 10 năm) nên khi bố mẹ qua đời đã nhiều năm vẫn còn thời hiệu khởi kiện đến tòa án để phân chia di sản thừa kế.

Như vậy, xuất phát từ thực tế đất đai ngày càng có giá trị, nhiều người xa quê có nguyện vọng xây dựng nơi thờ tự của gia đình, dòng họ nhưng anh em không thống nhất được việc phân chia đất đai. Một phần quan trọng khác là do hầu hết các bậc cha mẹ chưa có sự phân chia rõ ràng về tài sản của mình cho con cái khi còn sống hoặc lập thành di chúc trước khi chết.

Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Một di chúc được coi là hợp pháp phải hội đủ các điều kiện: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Di chúc phải được lập thành văn bản, hoặc có thể di chúc miệng trong các trường hợp đặc biệt. Sau khi lập di chúc, người lập di chúc có thể nhờ người ký làm chứng hoặc công chứng tại các phòng công chứng, hoặc chứng thực di chúc tại UBND địa phương nơi người lập di chúc cư trú. Việc lập di chúc hoàn toàn phụ thuộc vào ý nguyện của người có tài sản, không cần sự đồng ý của người được hưởng di sản. Câu hỏi đặt ra hiện nay đối với nhiều người đó là phải chăng chỉ những người có nhiều tài sản hoặc gia đình đông con mới cần lập di chúc?

Luật gia Hà Sĩ Thắng, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Người Việt Nam có thói quen duy tình hơn là duy lý. Đây là một trong những hạn chế lớn nhất của chúng ta, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội mà chưa thể khắc phục ngay được. Theo quan niệm của người Việt, mối quan hệ giữa các thành viên sống với nhau trong gia đình dựa trên sự tin tưởng, tình cảm yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, nhiều người không chú trọng đến việc lập di chúc phân chia tài sản của mình khi còn sống. Việc lập di chúc đối với tài sản của cá nhân là điều hết sức cần thiết đối với mọi trường hợp và mọi người. Đây là một việc làm nhân văn, không chỉ thể hiện tình cảm, nguyện vọng của các bậc cha mẹ trước lúc qua đời mà còn tránh cho những người thân phát sinh mâu thuẫn không đáng có về sau. Ở các nước có nền pháp lý phát triển, việc lập di chúc được thực hiện phổ biến nên phòng ngừa được các tranh chấp có thể xảy ra. Khi lập di chúc, người có tài sản nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý, các luật gia, luật sư để bảo đảm di chúc được lập hợp pháp, an toàn, tránh các tranh chấp phát sinh ngoài ý muốn về sau.


Bài và ảnh: Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]