(Baothanhhoa.vn) - Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp xuất phát từ truyền thống nhân văn, tinh thần đoàn kết, hòa hiếu của dân tộc. Việc hòa giải cơ sở được phát huy sẽ  gắn kết cộng đồng dân cư, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hòa giải ở cơ sở - thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm

Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp xuất phát từ truyền thống nhân văn, tinh thần đoàn kết, hòa hiếu của dân tộc. Việc hòa giải cơ sở được phát huy sẽ gắn kết cộng đồng dân cư, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Hòa giải ở cơ sở - thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xómTổ hòa giải thôn Hà Hợp, xã Hà Sơn (Hà Trung) trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở.

Thôn Hà Hợp, xã Hà Sơn (Hà Trung) có 118 hộ dân với 560 nhân khẩu. Đây là địa bàn dân cư nằm ven chân núi, cách xa trung tâm huyện. Ông Đỗ Mạnh Hùng, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Hà Hợp cũng là tổ trưởng tổ hòa giải của thôn nhận định: Trong đời sống làng, xã, người dân rất coi trọng tình làng, nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Vì vậy, hoạt động hòa giải được xem là phương án tối ưu để giải quyết xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, hàng xóm láng giềng, xây dựng cộng đồng hòa thuận, yên vui. Ở thôn Hà Hợp, tổ hòa giải có 7 thành viên đều là những người có kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong cộng đồng, nhiều người có năng lực truyền đạt, phân tích... nên những vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong khu dân cư đều được giải quyết ở thôn, người dân đồng thuận, không có đơn, thư lên xã, lên huyện.

Xã Hà Sơn được ghi nhận là địa phương ổn định về an ninh trật tự, nhiều phong trào hoạt động sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, hoạt động của 8 tổ hòa giải ở 8 thôn trên địa bàn xã luôn được đánh giá cao. Ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Hà Sơn cho biết: Để bảo đảm an ninh trật tự ở các khu dân cư, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở rất quan trọng. Họ vừa là cán bộ thôn, vừa là thành viên các tổ hòa giải ở cơ sở - lực lượng chính trong công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, đưa pháp luật đến với người dân ở các khu dân cư, tạo sự đồng thuận, khách quan và tin tưởng đối với những chủ trương, chương trình, dự án, phong trào mới. Các tổ hòa giải ở cơ sở luôn tận tình, trách nhiệm, đến tận nhà các hộ dân tuyên truyền, phổ biến, giải quyết, phân xử các vụ tranh chấp, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Hoạt động của các tổ hòa giải ở xã Hà Sơn còn được gắn với các phong trào thi đua ở từng thôn nên được thực hiện tích cực và hiệu quả. Nhờ vậy mà từ nhiều năm trở lại đây, xã Hà Sơn không có đơn, thư vượt cấp, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm.

Ở huyện Triệu Sơn, thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, huyện Triệu Sơn đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thi hành. Hướng dẫn các xã, thị trấn kiện toàn các tổ hòa giải, công nhận, cho thôi làm hòa giải viên theo đúng quy định pháp luật đối với những tổ hòa giải thực hiện việc sáp nhập thôn, phố trên địa bàn huyện. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 255 tổ hòa giải với 1.494 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã tiếp nhận và tổ chức hòa giải nhiều vụ việc, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Bà Lê Thị Phương, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Triệu Sơn, đánh giá: Công tác hòa giải ở cơ sở là hoạt động mang tính tự quản của người dân và là nét đẹp trong ứng xử ở cộng đồng. Riêng trong năm 2020, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận, hòa giải 290 vụ việc, trong đó đã hòa giải thành 205 vụ, hòa giải không thành 74 vụ, đang giải quyết 11 vụ. Tỷ lệ các vụ hòa giải thành từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào việc giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc tại cộng đồng dân cư...

Theo số liệu báo cáo của Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 4.339 tổ hòa giải với 26.669 hòa giải viên được thành lập, tổ chức, hoạt động theo Luật Hòa giải ở cơ sở. Năm 2020, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 4.178 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt 85%. UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2020. Kết quả kiểm tra cho thấy đối với lĩnh vực hòa giải ở cơ sở, các địa phương được kiểm tra đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên giai đoạn 2019–2022”, chỉ đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng nguồn cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở. Tất cả các tổ hòa giải đều có hòa giải viên nữ; ở vùng dân tộc thiểu số hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị kiện toàn tổ chức và chỉ đạo các tổ hòa giải tích cực tham gia giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo; bảo đảm an ninh trật tự tại thôn, xóm và khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại, đó là ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa chú trọng chiều sâu, hiệu quả hoạt động chưa cao; việc bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ hòa giải và cung cấp tài liệu pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sở chưa được triển khai thường xuyên; việc huy động nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa được tiến hành một cách đồng bộ và thống nhất...

Để công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục phát huy hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, được Nhân dân ghi nhận, cần tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội về công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt phải xác định hòa giải ở cơ sở là một hình thức của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Để từ đó có sự quan tâm, tạo điều kiện đúng mức cho việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên, huy động những người có am hiểu pháp luật, đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật tham gia vào hoạt động hòa giải ở cơ sở để họ trở thành cầu nối giữa chính quyền với Nhân dân, hàn gắn, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, đoàn kết xây dựng quê hương.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]