(Baothanhhoa.vn) - Sống trong một con ngõ có hơn 20 hộ dân ở giữa TP Thanh Hóa trong những ngày giãn cách xã hội, tôi thấy rõ được sự nghiêm túc của người dân trong việc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19

Cán bộ phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) tuyên truyền cho người dân nắm rõ các quy định, nghị định của Nhà nước về phòng, chống COVID-19.

Sống trong một con ngõ có hơn 20 hộ dân ở giữa TP Thanh Hóa trong những ngày giãn cách xã hội, tôi thấy rõ được sự nghiêm túc của người dân trong việc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mọi người trong ngõ ý thức rất cao về việc phòng, chống dịch bệnh, chỉ khi có việc thật cần thiết họ mới ra đường, còn không gần như ở trong nhà. Và, thường cuối giờ chiều, các bà, các chị muốn hít thở không khí ngoài trời thì mới mang ghế ra trước cửa nhà mình để ngồi nói với sang nhà nhau vài ba câu chuyện liên quan đến các thông tin về dịch bệnh, giá cả thị trường, việc mua bán ngoài chợ, trong siêu thị...

Là người ham tìm hiểu các thông tin mới, nóng về tình hình dịch bệnh trên các báo, nên cứ vào cuối buổi chiều, chị Trần Thị Phượng hay được các bà, các chị hỏi: Hôm nay có ca nào hay không?; ở Thanh Hóa thế nào rồi?...

“Hôm nay có thêm 2 ca”, “Ở ta vẫn ổn, chưa thấy thông tin gì”- chị Phượng trả lời. “Thế là yên tâm rồi”- bà Nguyễn Thị Huệ cất tiếng. Câu chuyện của các bà, các chị cứ thế tiếp diễn. Đến khi chị Phượng đọc to, rõ ràng từng mức xử phạt trong Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-1-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; quy định về xử lý hình sự trong Bộ luật Hình sự đối với vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh được đăng trên báo Thanh Hóa cho mọi người nghe thì tất cả lại tập trung bình luận: “Đấy nhé, đừng nghĩ là thích gì thì viết hoặc chia sẻ lên zalo, facebook đâu nhé. Muốn chia sẻ thông tin thì cũng cần phải tìm hiểu không thì bị phạt tiền hoặc vào tù như chơi ấy chứ. Vì luật quy định, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh nguy hiểm cho người, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù” - bà Lê Thị Nhất thêm vào câu chuyện.

Vừa tưới cây ở sân, vừa nghe câu chuyện của các bà, các chị bình luận các quy định của pháp luật, tôi thấy rõ về hiệu quả của công tác truyền thông hiện nay. Trong những ngày dịch bệnh, gần như người dân cách ly ở nhà, tất cả những thông tin liên quan đến dịch bệnh trong nước, thế giới, trong tỉnh người dân đều được xem, nghe, đọc trên truyền hình, đài, báo và mạng xã hội, loa truyền thanh. Có những vụ vi phạm pháp luật nào liên quan đến dịch bệnh đều được các phương tiện thông tin đại chúng đưa lên, kèm theo đó là hình thức xử phạt theo quy định. Qua đó, góp phần rất lớn để nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm bắt kịp thời các quy định xử phạt, hoặc có nắm bắt được nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Đơn cử như theo số liệu thống kê của UBND TP Thanh Hóa, tính đến trưa ngày 21-3, TP Thanh Hóa xử phạt 394 trường hợp vi phạm và xử lý hình sự 1 trường hợp. Trong đó, xử phạt 1 quán karaoke hoạt động khi có lệnh cấm với số tiền 7,5 triệu đồng; 1 cơ sở kinh doanh Internet với số tiền 3,5 triệu đồng; 8 cơ sở không khai báo lưu trú, vi phạm phòng, chống dịch với số tiền 8,4 triệu đồng; 362 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền 72,4 triệu đồng; 20 trường hợp cảnh cáo về hành vi không đeo khẩu trang; 2 trường hợp vi phạm họp chợ tạm với số tiền 800 nghìn đồng; 1 trường hợp xử lý hình sự vì chống người thi hành công vụ.

Được biết, trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 31-3-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện cách ly toàn tỉnh không để dịch bệnh COVID-19 lây lan ra cộng đồng, Sở Tư pháp đã kịp thời có văn bản và gửi kèm các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, hình sự trong lĩnh vực y tế dự phòng đối với hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa thực hiện và chỉ đạo UBND cấp xã tuyên truyền trên loa truyền thanh, phát sóng trên đài, đăng tải trên báo để mọi tầng lớp nhân dân nắm rõ thực hiện, chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Đồng chí Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19, Sở Tư pháp đã kịp thời đăng tải các nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm liên quan đến phòng chống dịch trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp, đồng thời rà soát, tổng hợp các quy định của pháp luật về xử lý hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng chống dịch, trong đó tập trung là Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-1-2013 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, như: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ lây lan truyền dịch tại vùng có dịch; vi phạm quy định về kiểm dịch y tế biên giới; vi phạm quy định không đeo khẩu trang nơi công cộng khi đang áp dụng biện pháp chống dịch; người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi đang áp dụng biện pháp chống dịch; lợi dụng hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội... Một số quy định trong Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; đưa lên mạng viễn thông thông tin sai sự thật về bệnh dịch nguy hiểm cho người; lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh để mua vét hàng hóa đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính... gửi Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để đăng tải và tuyên truyền tới nhân dân, đồng thời Sở Tư pháp đã có chỉ đạo tới 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật trên hệ thống truyền thanh cơ sở cấp huyện và cấp xã.

Ngay tại thời điểm thực hiện Chỉ thị số 16/CT của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp đã in hơn 40.000 tờ gấp pháp luật về xử lý hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh gửi các đơn vị để cấp phát tới cán bộ và người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Thực hiện công văn của Sở Tư pháp, đã có 27/27 huyện, thị, thành phố và 559/559 các xã, phường, thị trấn triển khai tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, như: Phát trên loa truyền thanh, qua công tác tuyên truyền của các đoàn thể chính trị - xã hội, đăng 2 kỳ trên báo Thanh Hóa điện tử, 1 kỳ trên báo Thanh Hóa hằng ngày; các nội dung được phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Qua đó, bước đầu đã tạo cho người dân ý thức chấp hành pháp luật, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh.

Thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường thời lượng tuyên truyền các quy định, nghị định, bộ luật liên quan về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tập trung tuyên truyền, phổ biến kịp thời các luật mới được Quốc hội thông qua. Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và nhiệm vụ của chương trình, đề án về PBGDPL; chú trọng công tác PBGDPL trong nhà trường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 và đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên giai đoạn 2018-2022”. Đẩy nhanh việc triển khai đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021; các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tô Dung


Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]