(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây là điều kiện thuận lợi tạo sự cạnh tranh hàng hóa về giá cả, chất lượng, chủng loại. Tuy nhiên, việc “mở cửa” thị trường cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn vào thị trường Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất chân chính và người tiêu dùng.

Đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây là điều kiện thuận lợi tạo sự cạnh tranh hàng hóa về giá cả, chất lượng, chủng loại. Tuy nhiên, việc “mở cửa” thị trường cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn vào thị trường Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất chân chính và người tiêu dùng.

Đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóaLực lượng chức năng phát hiện một vụ sang chiết hàng hóa tại TP Thanh Hóa.

Đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, cho biết: Trong thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán hàng hóa vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ qua địa bàn. Theo nghiệp vụ của các lực lượng chức năng, qua kiểm tra, phần lớn hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan nhưng không có nhãn phụ hoặc được cắt mác thay thế bằng “Made in Việt Nam”. Trong đó, nhiều vụ việc được vận chuyển với số lượng lớn.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22-3-2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các lực lượng chức năng đã tăng cường biện pháp nghiệp vụ, trinh sát, xử lý nghiêm theo quy định đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng gian lận nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là qua bán hàng trực tuyến, bán hàng qua mạng xã hội. Trong năm 2021, các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý 109 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 744 triệu đồng. Trong hoạt động nghiệp vụ, các lực lượng chức năng cũng đã phối hợp công tác tuyên truyền, thực hiện ký cam kết 2.576/16.014, đạt 16% cơ sở kinh doanh, ban quản lý chợ, ban quản lý trung tâm thương mại hiệp hội về không kinh doanh hàng hóa vi phạm nguồn gốc xuất xứ.

Không chỉ trong hoạt động buôn bán, vận chuyển, tình trạng vi phạm xuất xứ hàng hóa trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp với các hành vi sang chiết, đóng gói sản phẩm. Trong năm 2021 vừa qua, các lực lượng chức năng đã phối hợp bắt giữ nhiều vụ việc. Điển hình như Công an huyện Như Thanh phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13 - Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa bắt quả tang một cơ sở đang sản xuất, sang chiết làm giả nhiều loại nước giặt, chất tẩy rửa với quy mô lớn tại xã Xuân Du, huyện Như Thanh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 500 thùng (khoảng 15 tấn) nước giặt thành phẩm được đóng gói, chuẩn bị đưa đi tiêu thụ; 697kg tem, nhãn chưa sử dụng; 3.600 can nhựa trắng; 2 bồn lớn pha dung dịch (dùng để sang chiết hóa chất); các loại bột, dung môi, bìa carton; nhiều thùng phuy lớn nhỏ chứa hóa chất. Nhãn mác, tem đều in tên nhiều thương hiệu lớn các sản phẩm chất tẩy rửa, lau sàn, nước giặt, sữa tắm...

Trong kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tính đến thời điểm hiện tại, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm. Trong đó, có 10 vụ vi phạm về xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ. Điển hình như tháng 1-2022, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Công an TP Thanh Hóa kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Phạm Thị Dung, tại thôn Quý, phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa, đã phát hiện trong kho hàng chứa nhiều hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ với tổng trọng lượng hơn 1,2 tấn. Tại chỗ, lực lượng chức năng đã xác định số lượng hàng hóa, gồm: bánh, hạt dẻ cười, hạt bí... và một số mặt hàng thực phẩm khác. Tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Chủ cơ sở khai nhận nhập số nguyên liệu này dưới dạng các bì lớn rồi chia vào các túi nhỏ mang đi tiêu thụ trong dịp trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, các lực lượng chức năng đề nghị cần sửa đổi, bổ sung những quy định bất cập hiện hành theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể về xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan còn bất cập về vấn đề này, bảo đảm có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]