Nụ cười phía chân mây
Thắng cười tươi roi rói khi nói về ngôi nhà khang trang ở bản tái định cư. Đời ông, đời bố của A Thắng cho đến đời A Thắng chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có một ngày được ở trong căn nhà to đến vậy. Nhà A Thắng đẹp, nhà bà con trong bản cũng đẹp! Có điện sáng quắc, có con đường bê tông chạy quanh bản. Tết này, nhà A Thắng dành hẳn 1 con lợn mán đen để mổ thịt vui xuân, mừng nhà mới!
Những đứa trẻ bản Ón đến trường trong niềm vui ngày cuối năm.
Chuyến xe ngược biên lúc tờ mờ sáng ngày cuối năm chật chội hơn thường lệ. Đa phần hành khách đều là những người lao động xa quê trở về ăn tết. Họ hồ hởi, háo hức, tay bắt mặt mừng khi lên chung chuyến xe về bản. Những lời hỏi thăm, “làm ăn được chứ? về tết được mấy ngày?”... rồi thì là mà vô số những câu chuyện ở nơi đất khách, quê người. Chuyện đồng lương, chuyện đãi ngộ, chuyện thưởng tết...
Trong đám đông, A Thắng (chừng 25 tuổi), một chàng trai người Mông dáng nhỏ thó, nước da ngăm đen với hàm răng trắng bóc gợi đôi nét khác biệt. A Thắng cười rất tươi, chất giọng thì đặc sệt người Mông. A Thắng nói, tết năm nay rất đặc biệt, vì bản của A Thắng, nhà của A Thắng (với 5 nhân khẩu) đã được chuyển lên khu tái định cư mới không còn lo bão lũ, sạt lở đất. “Tết về, A Thắng lại được công ty thưởng tết thêm 1 tháng lương. Sau thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, công việc đều, tiền lương của A Thắng cũng ổn định hơn”, chàng trai người Mông thỏ thẻ nói.
Thay vì dừng xe ở trung tâm thị trấn Mường Lát, tôi thay đổi dự định, sau lời mời ghé bản của A Thắng. Từ trung tâm xã Tam Chung, tôi cùng A Thắng được Thiếu tá Vi Xuân Thao, cán bộ Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tam Chung, cùng một chiến sĩ biên phòng hỗ trợ tăng bo ngược bản bằng xe máy. Thiếu tá Vi Xuân Thao nói: “Hơn 20 km đường ngược bản Ón đi chỉ có ngửa mặt lên nhìn đèo. Nếu trời mưa thì không thể đến bản. Mùa này sương dày đặc vì thế đường cũng trơn trượt, khó đi. Khó nhưng không phải là không thể đi!”. Con đường từ trên cao nhìn xuống như sợi chỉ nhỏ vắt vẻo, ngoằn ngoèo khó đoán định. Nghĩ cũng tội cho chiếc xe máy mỗi khi lên dốc hay đổ đèo đều gằn rú ở số 1, số 2. Thiếu tá Thao gồng hết cơ tay, duỗi cơ chân chèo lái chiếc xe qua những đoạn đường xấu sao cho không bị lệch hướng.
Non giờ đồng hồ, xe cũng chạm bản Ón. Từ xa, bí thư chi bộ, kiêm trưởng bản Giàng A Chống đã chờ sẵn tự bao giờ. Từ trên mom cao, A Chống chỉ tay về phía khu tái định cư mới của 42 hộ dân, với 244 nhân khẩu mà không giấu được niềm vui, sự hồ hởi: “Bà còn đã cất dựng nhà cửa vào ở ổn định cả rồi. Bản tái định cư đẹp lắm!”. Nói rồi, A Chống dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh bản. A Chống hướng ánh mắt về phía 2 bên đường được treo cờ Tổ quốc, nhìn về những luống hoa tươi, những cây đào, mận bung sắc ngày xuân... Đám đông vây xúm lại mổ lợn, mổ trâu chuẩn bị cho tết. Trẻ nhỏ xúng xính khoe áo quần vừa được bố mẹ đi làm ăn xa mua về, cười hãnh diện.
Với A Chống, với bà con giờ đã không còn lo những cơn thịnh nộ của trời, của núi nữa! Khu tái định cư tập trung có diện tích 3 ha, Nhà nước đầu tư hơn 15 tỷ đồng có đầy đủ điện, đường, nhà văn hóa, nước sinh hoạt tập trung... Ngoài được cấp đất ở, người dân còn được hỗ trợ di dời nhà cửa, hướng dẫn phát triển kinh tế. Một cuộc sống mới như mơ với bà con người Mông, mà chính bản thân A Chống cũng không dám tin. Trong tâm trí bí thư, kiêm trưởng bản Giàng A Chống hãy còn nhớ như in cái khó, cái khổ những năm đầu thập niên 90 khi anh cùng gia đình di cư từ Sơn La sang Mường Lát. Bấy giờ, cuộc sống tạm bợ không điện, không đường, không sóng điện thoại..., bà con gần như ở biệt lập.
Dẫu khó khăn là vậy, nhưng A Chống trước mắt chúng tôi lại là người Mông may mắn, là người đầu tiên được gia đình cho đi học và học hết cấp 3. Học xong, nhập ngũ và rèn luyện trong môi trường quân đội. A Chống về bản và được kết nạp Đảng năm 2010. Khi đó, Chi bộ bản Ón chỉ vỏn vẹn 3 đảng viên cả thảy (trong đó, có 1 cán bộ biên phòng, cán bộ xã Tam Chung phụ trách tăng cường và A Chống).
Khu tái định cư bản Ón.
Trên cương vị bí thư kiêm trưởng bản, A Chống nói, bí quyết để người dân địa phương tin, “ưng cái bụng” làm theo đó là “trăm nghe không bằng một thấy”. Chuyện “đảng viên đi trước” ở bản Ón phải bằng việc làm, hành động cụ thể mới có hiệu quả. A Chống đã cùng vợ bàn về việc phát triển mô hình kinh tế. Nói “mô hình” cho oai chứ thực tình là vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát để mua bò, mua dê về nuôi. Cũng chỉ vài ba con rồi nhân lên thành đàn. Nhưng cái được là bà con thấy mình nuôi không chỉ để mổ bụng khi có đám có đình, hay nhà có lễ, mà nuôi để bán lấy tiền. Có tiền thì vợ chồng mua thêm thóc lúa, mua sắm vật dụng gia đình. Thấy vậy, bà con mới lân la hỏi A Chống vay tiền ngân hàng như thế nào, chỉ, mách bà con làm theo.
Trong căn nhà còn thơm mùi gỗ, sơn mới, A Thắng cười tươi roi rói khi nói về ngôi nhà khang trang ở bản tái định cư: “Đời ông, đời bố của A Thắng cho đến đời A Thắng chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có một ngày được ở trong căn nhà to đến vậy. Nhà A Thắng đẹp, nhà bà con trong bản cũng đẹp! Có điện sáng, có con đường bê tông chạy quanh bản. Tết này, nhà A Thắng dành hẳn 1 con lợn mán đen để mổ thịt vui xuân, mừng nhà mới!”. Đó là niềm vui của A Thắng, còn với bí thư, kiêm trưởng bản Giàng A Chống, chính là sự đổi thay của bản nghèo, của chi bộ. Từ một chi bộ có 3 đảng viên, giờ Giàng A Chống nhẩm tính đã có 18 đảng viên. Trong đó, đảng viên trẻ tuổi nhất 20 tuổi, cao tuổi nhất 60 tuổi. Chi bộ luôn là đầu não hướng dẫn bà con trong các hoạt động phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh vùng biên...
Bản đã có những thanh niên đi làm ăn xa, có 3 hộ đã phấn đấu thoát được nghèo chuyển sang cận nghèo. Dự tính năm 2024, bản sẽ rà soát lại diện tích đất nông nghiệp phù hợp rồi phổ biến cho bà con trồng cây sắn. Năm nay, nhiều bản, xã ở Mường Lý, Trung Lý hay thị trấn có cái tết no ấm cũng nhờ chính loại cây trồng này. Sau khi được huyện hướng dẫn, chi bộ chỉ mới đưa ra bàn bạc, nhưng các đảng viên ai cũng nhất trí cao, bà con hăm hở đăng ký để sớm được nhận giống... Sự chung tay của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của bà con, sẽ là “chìa khóa, kim chỉ nam” để bản Ón khởi sắc.
Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-12-14 21:04:00
Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài cuối): Đô thị thông minh - động lực cho phát triển bền vững
-
2024-12-14 20:15:00
Xanh lại bản Lát
-
2024-02-13 16:20:00
Quả còn mùa xuân
Hà Trung khí thế mới, động lực mới
Đề xuất mẫu thẻ căn cước và mẫu giấy chứng nhận căn cước cho công dân từ 0 - 6 tuổi
BHXH tỉnh Thanh Hóa: Đồng lòng vì mục tiêu an sinh xã hội
Ngư dân xứ Thanh “xông biển” đầu năm
Vĩnh Lộc với mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững
Thủ tướng chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06
Tết của đồng bào vùng cao Mường Lát
Sôi nổi Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Yên
Lễ hội đua thuyền mừng năm mới tại xã Hoằng Đạt