(Baothanhhoa.vn) - Lấy người dân làm chủ thể, sự đồng thuận của Nhân dân là yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng thôn, tổ dân phố kiểu mẫu đã và đang tạo sự lan tỏa tích cực ở huyện Hoằng Hóa, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng các xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, góp phần từng bước đưa huyện NTM Hoằng Hóa tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành thị xã trước năm 2030.

Xây dựng thôn kiểu mẫu ở huyện Hoằng Hóa - tạo đà hướng đến đô thị nông thôn: Bài 1 - Sáng, xanh, sạch, đẹp, vì sự hài lòng của Nhân dân

Lấy người dân làm chủ thể, sự đồng thuận của Nhân dân là yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng thôn, tổ dân phố kiểu mẫu đã và đang tạo sự lan tỏa tích cực ở huyện Hoằng Hóa, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng các xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, góp phần từng bước đưa huyện NTM Hoằng Hóa tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành thị xã trước năm 2030.

Xây dựng thôn kiểu mẫu ở huyện Hoằng Hóa - tạo đà hướng đến đô thị nông thôn: Bài 1 - Sáng, xanh, sạch, đẹp, vì sự hài lòng của Nhân dânNgười dân xã Hoằng Xuân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu. Ảnh: Thanh Quý (CTV)

Vườn mẫu - bước chuyển về tư duy

Vườn hộ là một bộ phận cấu thành không gian kiến trúc và sinh sống của hộ gia đình, vừa mang yếu tố văn hóa, cảnh quan, môi trường vừa mang lại lợi ích kinh tế trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, gắn với làng, xã, khu dân cư. Ở huyện Hoằng Hóa, theo khảo sát sơ bộ, toàn huyện có trên 40.000 vườn hộ với tổng diện tích 903,5 ha; trong đó số vườn có diện tích trên 500m2 trở lên là 225 vườn; số vườn có diện tích từ 50m2 đến 500m2 là 35.100 vườn; còn lại là vườn có diện tích nhỏ dưới 50m2. Để cải tạo vườn hộ, xây dựng vườn mẫu, góp phần tô thêm những điểm nhấn sinh động cho bức tranh riêng có của làng quê, từ tháng 6-2021, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành Đề án “Cải tạo vườn hộ, xây dựng vườn mẫu trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025”.

Từ đề án của UBND huyện, phong trào cải tạo vườn hộ, xây dựng vườn mẫu đã bắt đầu sôi nổi trên địa bàn các xã, thị trấn. Điển hình trong số đó, phải kể đến xã Hoằng Xuân. Xã đã lựa chọn 4 hộ gia đình ở hai thôn: Hữu Khánh và Trà La để thực hiện thí điểm đầu tiên. UBND xã phân công các tổ chức đoàn thể trực tiếp phụ trách, hướng dẫn thực hiện, trong đó thôn Trà La giao cho hội phụ nữ và hội cựu chiến binh phụ trách; thôn Hữu Khánh giao cho đoàn thanh niên và hội nông dân xã phụ trách. Cùng với việc giao nhiệm vụ cụ thể, địa phương hỗ trợ kích cầu đối với các hộ đạt tiêu chí vườn mẫu với mức 5 triệu đồng/vườn hộ 500m2, 8 triệu đồng/vườn hộ từ 500m2 - 1.000m2, 10 triệu đồng/vườn hộ từ 1.000m2 trở lên. Sau khi hoàn thành thí điểm, UBND xã bàn bạc, thống nhất cách làm cụ thể, phù hợp thực tế để nhân rộng. Khu vườn của ông Nguyễn Đức Quy, thôn Trà La trước đây chủ yếu là cây già cỗi, giá trị kinh tế không cao. Thực hiện chương trình cải tạo vườn hộ, gia đình ông đã thiết kế, quy hoạch lại. Trên diện tích khoảng 2.000m2, gia đình ông trồng na, bưởi, mít, chanh... hiện ông đang cho cải tạo xây dựng lối đi lại và tiếp tục lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động. Hơn ai hết, ông là người hiểu và thấy được những tác dụng thiết thực và tâm huyết chăm sóc khu vườn của gia đình, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập mà còn cải thiện không gian sống của chính gia đình.

Ông Lương Đức Vượng, chủ vườn hộ thôn Hữu Khánh lại khẳng định rằng việc cải tạo vườn hộ, xây dựng vườn mẫu là một việc làm thiết thực, ý nghĩa với đời sống dân sinh khi phát huy hiệu quả tiềm năng đất vườn, tận dụng lao động nhàn rỗi để vừa có thêm khoản thu nhập vừa cải tạo không gian sống xanh. Những khu vườn được quy hoạch bài bản, lựa chọn, sắp xếp lại cây trồng hợp lý, bố trí thêm đường đi lối lại, phân khu rõ ràng, sạch đẹp tạo điểm nhấn bắt mắt ở mỗi làng quê.

Chủ trương về cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu đã tạo luồng gió mới ở nhiều làng quê Hoằng Hóa, góp phần tận dụng, đánh thức nhiều tiềm năng lâu nay bị lãng quên. Những “tấc vàng” ngay trong khu vườn mình sinh sống, nguồn lực lao động trong mỗi gia đình đã được phát huy tối đa để mang lại thêm nguồn thu nhập cho các gia đình, thậm chí, là thu nhập cao nếu diện tích vườn rộng, cây trồng hàng hóa có giá trị. Đặc biệt, vườn mẫu đã đặt ra yêu cầu hàng đầu là sản phẩm an toàn, phương thức canh tác thân thiện với môi trường sống, với cộng đồng và người tiêu dùng.

Hoằng Thái là một trong những đơn vị đầu tiên trong huyện triển khai đề án cải tạo vườn hộ, xây dựng vườn mẫu. Đây cũng là một trong những phần việc quan trọng mà địa phương tập trung thực hiện để có thể phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao trong năm 2021. Khi triển khai đề án, các ban, tiểu ban vận động cấp xã, thôn đã được thành lập, phân công nhiệm vụ cụ thể, chủ động tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân kế hoạch xây dựng vườn hộ; rà soát, khảo sát cụ thể ở từng thôn, kêu gọi các hộ gia đình tích cực hưởng ứng, tham gia dọn dẹp cây cối, vườn tược... Ông Hoàng Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái cho biết: Mục tiêu của xã là hoàn thành xây dựng NTM nâng cao trong năm nay, do đó đi đôi với việc hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hoằng Thái đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể triển khai tuyên truyền đến các hộ dân chú trọng phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Trong đó, thực hiện cải tạo vườn tạp kết hợp với xây dựng vườn mẫu, tạo cảnh quan, môi trường nhằm tạo diện mạo mới trong các khu dân cư, góp phần thay đổi tập quán, thói quen sản xuất của người dân, kết nối với thị trường. Xã đã thống nhất kế hoạch lựa chọn 2 mô hình vườn hộ của gia đình các ông: Nguyễn Bá Thúy (thôn 1) và Lê Xuân Luận (thôn 3) làm mẫu; UBND xã phân công cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn thực hiện và sẽ hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ sau khi đáp ứng các tiêu chí vườn mẫu. Sau khi hoàn thành thí điểm, UBND xã sẽ bàn bạc, thống nhất cách làm cụ thể cũng như phương án hỗ trợ kích cầu phù hợp để nhân rộng ra toàn xã.

Khẳng định vai trò chủ thể của người dân

Nếu như những khu vườn mẫu thể hiện vai trò của mỗi gia đình thì các thôn, tổ dân phố kiểu mẫu được xem là “sản phẩm” thành quả từ sự đoàn kết, đồng lòng của một cộng đồng dân cư.

Có đến thăm thôn Nội Tý, xã Hoằng Đức, trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với những người “vác tù và” ở đây mới có thể thấu hiểu hết những công việc ý nghĩa mà cán bộ và Nhân dân trong thôn đang nỗ lực thực hiện. Với lợi thế còn lưu giữ nhiều nét truyền thống của một làng quê Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình, ao làng... thôn Nội Tý được xã đưa vào kế hoạch phấn đấu đạt thôn kiểu mẫu trong năm 2021. Để hoàn thành 14 tiêu chí kiểu mẫu trong thời gian ngắn là điều không hề dễ dàng. Song, khi triển khai, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phân công rõ ràng nhiệm vụ nào do thôn đảm nhận, nhiệm vụ nào do xã thực hiện. Trong đó, xã sẽ đảm nhận việc thảm nhựa 500m chiều dài tuyến đường trung tâm xã và xây dựng công viên mini...; thôn có trách nhiệm vận động các hộ dân đóng góp để thực hiện việc đậy nắp rãnh thoát nước, tu sửa nhà văn hóa, trồng cây xanh, hoa tường rào, trang bị thùng đựng rác..., vận động 83 hộ dân có đất sản xuất mạ tự nguyện hiến đất hoặc chuyển đổi vị trí để có mặt bằng xây dựng công viên mini.

Ông Lê Bá Sỹ, trưởng thôn Nội Tý, chia sẻ: Thôn có 414 hộ với hơn 1.200 nhân khẩu, trong đó có khoảng 70% gắn bó với nông nghiệp, 30% còn lại làm công nhân, thợ xây, thợ mộc và lao động tự do... Thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt khoảng 60 triệu đồng/năm. Phong trào xây dựng NTM, cũng như đóng góp thực hiện những công trình cộng đồng ở Nội Tý luôn được Nhân dân trong thôn, con em làm ăn xa quê ủng hộ nhiệt tình. Minh chứng gần đây nhất có lẽ là việc cải tạo, xây dựng mới công trình cổng làng (hơn 400 triệu đồng) và khu khuôn viên ao làng, giếng cổ (khoảng 600 triệu đồng). Những công trình mang tính điểm nhấn, hợp lòng dân ấy đều được thực hiện từ kinh phí xã hội hóa. Chính vì lẽ đó, khi triển khai xây dựng thôn kiểu mẫu sẽ mang lại nhiều kỳ vọng để có thể cải tạo cảnh quan môi trường làng quê sáng, xanh, sạch, đẹp, hài hòa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vốn có của làng Nội Tý, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Quan điểm mà xã, thôn đặt ra đó là xây dựng thôn kiểu mẫu phải lấy người dân, khu dân cư làm chủ thể theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, Nhà nước và cán bộ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện; tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó.

Dạo quanh một vòng thôn Nội Tý, ngắm giếng nước, ao làng, cây đa, sân đình..., chúng tôi thầm cảm phục bởi nơi đây còn lưu giữ được những khoảng không gian làng quê bình yên đến vậy. Nay mai thôi, chỉ cần hoàn thiện các công trình mang tính điểm nhấn, quy hoạch, trồng lại hàng hoa, cây xanh thì đây sẽ thực sự trở thành một điểm dừng chân thư giãn lý tưởng cho nhiều người.

Từ việc triển khai xây dựng thôn kiểu mẫu, thôn 1 Lê Lợi, xã Hoằng Đồng đã vinh dự khi trở thành thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Hoằng Hóa. Bức tranh làng quê kiểu mẫu nổi bật hơn khi đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, giao thông sạch đẹp. Với lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi khi nằm ở trung tâm xã Hoằng Đồng, có đường tỉnh 510 chạy qua với chiều dài 1,2km, cách trung tâm huyện lỵ 1km về phía Bắc. Toàn thôn có 235 hộ với 892 khẩu. Thôn có nền kinh tế phát triển đa ngành nghề, như: thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế trang trại, gia trại... tạo điều kiện thuận lợi nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Từ lợi thế đó, để thực hiện đủ 14 tiêu chí của thôn NTM kiểu mẫu, cấp ủy, chi bộ, ban phát triển thôn 1 Lê Lợi đã có nhiều cách làm sáng tạo, phát huy được vai trò chủ thể, tự giác tham gia xây dựng thôn NTM kiểu mẫu bằng nhiều việc làm cụ thể, như: Tập trung phát triển kinh tế; chỉnh trang vườn nhà, cảnh quan môi trường thôn xóm, đảm bảo an ninh trật tự... Năm 2020, tổng nguồn vốn huy động xây dựng thôn NTM kiểu mẫu trong năm 2020 của thôn đạt trên 20,5 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp để xây dựng các công trình gần 16,8 tỷ đồng (xã hội hóa đầu tư nâng cấp công trình nhà văn hóa, đường giao thông, đường điện chiếu sáng; chỉnh trang nhà cửa và cải tạo vườn tạp). Từ nguồn vốn trên, thôn đã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, như: tu sửa nhà văn hóa với đầy đủ trang thiết bị theo quy định; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đường làng 2,5km, hệ thống thoát nước, trát tường rào của các hộ dân trên trục đường chính của thôn, xây bồn hoa... Đặc biệt, để có được khuôn viên khu vui chơi, công viên mini rộng rãi như ngày hôm nay, các hộ dân trong thôn đã hiến hơn 1.000m2 đất và nhiều ngày công lao động, góp tiền trồng đường hoa, cây xanh, đặt thêm hàng ghế đá để thành không gian thoáng đãng phục vụ các hoạt động cộng đồng.

Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng thôn kiểu mẫu ở thôn Thành Nam, xã Hoằng Lộc cũng được phát huy và biến một không gian đậm nét làng quê với những ao làng, hàng dừa xanh mát vốn có trở nên đẹp hơn gấp bội phần. Ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng thôn Thành Nam, xã Hoằng Lộc nhấn mạnh: Xây dựng thôn kiểu mẫu là cơ hội để các tiêu chí NTM thực sự đi vào chiều sâu. Đó còn là dịp để mỗi người dân nông thôn tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, kiến thiết xây dựng quê hương. Từ nguồn kích cầu ngân sách xã, Nhân dân hiến đất mở rộng đường, đóng góp tiền, công xây rãnh thoát nước, đậy tấm đan, xây bồn hoa, cải tạo môi trường các ao trong thôn, kè bờ ao, lát vỉa hè, chăm sóc dừa cũ, trồng dừa mới quanh ao làng, cải tạo, giữ gìn cảnh quan thành những công viên mini cho bầu không khí khu dân cư thêm trong lành, thoáng đãng. Có những công trình như vậy tô thêm điểm nhấn cho làng quê, là minh chứng thể hiện tinh thần vì quê hương rất đáng được trân trọng của mỗi người.

Việt Hương

Bài 2: Đi vào chiều sâu, mang tính bền vững.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]