(Baothanhhoa.vn) - Xã Thuần Lộc được sáp nhập từ 2 đơn vị hành chính là xã Văn Lộc và xã Thuần Lộc (Hậu Lộc). Sau khi sáp nhập, xã Thuần Lộc đã xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) và về đích theo tiến độ đề ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã Thuần Lộc “về đích” nông thôn mới

Xã Thuần Lộc được sáp nhập từ 2 đơn vị hành chính là xã Văn Lộc và xã Thuần Lộc (Hậu Lộc). Sau khi sáp nhập, xã Thuần Lộc đã xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) và về đích theo tiến độ đề ra.

Xã Thuần Lộc “về đích” nông thôn mớiMô hình trồng bưởi của gia đình ông Hoàng Sỹ Lâm (xã Thuần Lộc) cho thu nhập khá.

Triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Thuần Lộc đã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý, đồng thời xây dựng chương trình hành động để tổ chức thực hiện. Phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ban chấp hành, các ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức chuyên môn phụ trách các tiêu chí và hướng dẫn các thôn tổ chức thực hiện. Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí NTM của xã, lập quy hoạch xây dựng NTM, xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể từng năm và cho cả giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện của xã, từ đó làm căn cứ triển khai thực hiện.

Trong công tác tuyên truyền, xã đã tổ chức triển khai trong cả hệ thống chính trị bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM” và hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” qua các cuộc thi, hội thi của các ban, ngành, đoàn thể. Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp và Nhân dân, từ đó hưởng ứng, đóng góp công sức, tiền của để hoàn thiện các tiêu chí NTM.

Trong phát triển sản xuất, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển đổi ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích tăng quy mô sản xuất, phát triển HTX, trang trại, gia trại. Đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất trồng trọt nhằm giảm tỷ lệ lao động tham gia sản xuất nông nghiệp sang tham gia các ngành lao động khác. Chú trọng đến công tác tập huấn khoa học - kỹ thuật cho người nông dân, kịp thời đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đưa giống lúa có tiềm năng, năng suất cao vào gieo trồng, thực hiện gieo trồng đúng lịch thời vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện chương trình cải tạo đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi trang trại nhỏ. Tập trung thực hiện quy hoạch nông nghiệp như: Vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao chiếm 45% tổng diện tích trên địa bàn toàn xã, năng suất luôn đạt từ 58 - 60 tạ/ha trở lên. Thực hiện chủ trương tích tụ đất và chuyển đổi đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất và phát triển các khu sản xuất tập trung với 5 trang trại, 71 gia trại và cơ sở trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản đi vào hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, xã đã hình thành và mở rộng một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi riêng biệt và VAC kết hợp với quy mô tương đối lớn, điển hình như: mô hình chăn nuôi gà tiên tiến của hộ ông Nguyễn Văn Việt; mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cua biển kết hợp của hộ ông Nguyễn Văn Cương; mô hình chăn nuôi tổng hợp cá - lúa kết hợp nuôi vịt đẻ, vịt thịt và lợn thịt của hộ ông Lê Ngọc Tảo; mô hình chăn nuôi vịt đẻ lấy trứng ấp nở kết hợp nuôi trồng thủy sản của hộ ông Nguyễn Văn Tấn, hộ ông Đỗ Thành Công; mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm của hộ ông Nguyễn Bảo Thắng; mô hình trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Hoàng của hộ ông Hoàng Sỹ Lâm...

Bên cạnh đó, xã cũng thường xuyên gặp gỡ và cùng với doanh nghiệp tìm ra giải pháp, tháo gỡ khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn xã có 15 công ty, doanh nghiệp và 2 HTX nông nghiệp. Ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có những bước phát triển đáng kể. Người dân đã đưa máy móc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tạo năng suất cao, nâng cao thu nhập, giảm sức lao động thủ công. Xã cũng không ngừng tạo điều kiện phát triển đa dạng các ngành nghề tập trung vào dịch vụ buôn bán, mộc, cơ khí, gò hàn, vận tải...

Từ những hình thức tổ chức sản xuất, cơ cấu kinh tế hợp lý và các nguồn thu khác đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm của xã đạt 12,5% trở lên; tổng lương thực đạt 3.986 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 495 kg; thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 46,34 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,92%. Tổng vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM của xã đạt hơn 500 tỷ đồng. Đến thời điểm tự rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí NTM, xã không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thuần Lộc, cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã đã đạt được kết quả khá toàn diện. Nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, cơ sở hạ tầng nông thôn đã được xây dựng khang trang. Xã đã hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho người dân. Với những nỗ lực đó, cuối năm 2020 xã đã được các ngành chức năng của tỉnh thẩm định công nhận đạt chuẩn NTM. Đây cũng là bước đệm quan trọng tạo đà để xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt xã NTM nâng cao và kiểu mẫu vào những năm tới.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]