(Baothanhhoa.vn) - “Xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục”, “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, là phương châm xuyên suốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đồng thời, là “kim chỉ nam” để các địa phương hướng đến những giá trị cao hơn về chất cho NTM. Đây cũng là vấn đề được đặt ra trong cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với ông Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM  tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ông Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa

Vươn tới những giá trị cao hơn về chất cho nông thôn mới

“Xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục”, “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, là phương châm xuyên suốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đồng thời, là “kim chỉ nam” để các địa phương hướng đến những giá trị cao hơn về chất cho NTM. Đây cũng là vấn đề được đặt ra trong cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với ông Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa.

Vươn tới những giá trị cao hơn về chất cho nông thôn mới

Diện mạo nông thôn mới xã Phú Lộc (Hậu Lộc) sạch đẹp, khang trang. Ảnh: L.D

Nông thôn mới - diện mạo mới!

P.V: Kiến tạo một nông thôn vừa văn minh, vừa đậm đà bản sắc, hay phát triển hài hòa, bền vững giữa kinh tế và văn hóa. Đây phải chăng vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy quá trình xây dựng NTM ở tỉnh ta cán đích cả về số lượng và chất lượng, thưa ông?

Ông Cao Văn Cường: Có thể khẳng định, phát triển kinh tế và phát triển văn hóa có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nếu phát triển kinh tế để xây dựng nền tảng vật chất; thì phát triển văn hóa để xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Sự phát triển đồng bộ cả kinh tế và văn hóa sẽ tạo nên sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, đang xuất hiện nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình Xây dựng NTM, thành tích mà tỉnh Thanh Hóa đạt được là rất ấn tượng và đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Cụ thể, toàn tỉnh đã có 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (xếp thứ 4 cả nước); 337 xã đạt chuẩn NTM (thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng xã đạt chuẩn NTM); số sản phẩm OCOP xếp thứ 18 toàn quốc. Đặc biệt, đã có 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Điều đáng nói, việc kiến tạo một nông thôn vừa văn minh, vừa đậm đà bản sắc văn hóa, hay phát triển kinh tế đồng bộ và hài hòa với phát triển văn hóa, cũng chính là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhằm xây dựng NTM ngày càng thực chất và bền vững.

Theo đó, quá trình triển khai xây dựng NTM, tỉnh ta rất quan tâm và có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất ở nhiều lĩnh vực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa mới, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mang đặc trưng vùng, miền...

P.V: Những thành quả đạt được là to lớn, song, không thể phủ nhận vẫn còn có nơi, có thời điểm, những tiêu chí NTM vẫn chưa thật “tròn trĩnh” như yêu cầu. Điều này cần được khách quan nhìn nhận và có hướng xử lý ra sao, thưa ông?

Ông Cao Văn Cường: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai sâu rộng, đồng bộ, quyết liệt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do nhiều xã có xuất phát điểm kinh tế thấp, cho nên, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn NTM đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn. Thực tế, ở một số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, mặc dù có một vài tiêu chí mới đạt ngưỡng chuẩn, hoặc cao hơn mức chuẩn không nhiều. Song có thể khẳng định, công tác đánh giá, thẩm định xã đạt chuẩn NTM đã bám sát các quy định của Trung ương, của tỉnh về yêu cầu tiêu chí NTM và được thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học, khách quan và chính xác. Các xã được công nhận đạt chuẩn NTM đều đảm bảo đạt 100% các tiêu chí theo quy định và không có sự “châm chước” để công nhận đạt chuẩn NTM.

Minh chứng cho điều này là mới đây, Hội đồng thẩm định tỉnh đã họp xem xét và chưa thống nhất bỏ phiếu cho 6 xã (3 xã NTM, 3 xã NTM nâng cao). Nguyên nhân do các xã này vẫn còn kém về an ninh trật tự, một số hạng mục công trình chưa hoàn thành, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao và đang còn ý kiến người dân phản hồi. Qua đó, yêu cầu các xã cần hoàn thiện những tiêu chí đang còn “đuối”; đồng thời, tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí một cách bền vững. Sau khi khắc phục được các hạn chế nêu trên thì mới có cơ sở xem xét, bỏ phiếu công nhận đợt sau.

P.V: Cùng với xây dựng NTM, hiện nay tỉnh ta đang chú trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Vậy, thưa ông, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu phải chăng là nhằm vươn đến những giá trị cao hơn, toàn diện hơn cho các địa phương đã cán đích thành công NTM?

Ông Cao Văn Cường: Thực tế cho thấy, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, một số địa phương tỏ ra lơ là, thỏa mãn với thành quả, nên chưa quan tâm đúng mức đến việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, gắn với phương châm “xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục”, “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đang được tỉnh ta đặt ra như một yêu cầu tất yếu.

Tỉnh Thanh Hóa triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu từ năm 2017. Vượt qua những lúng túng, khó khăn bước đầu, với sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, đến nay xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đã trở thành phong trào rộng khắp (toàn tỉnh hiện có 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã và 78 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu). Qua đó, góp phần khẳng định, đây là cách làm đúng, phù hợp với xu thế và yêu cầu thực tiễn ở tỉnh ta. Đồng thời, kết quả bước đầu từ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là rất thiết thực, khi đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn Thanh Hóa. Bởi, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thực chất là nâng cao chất lượng các tiêu chí so với mức đạt chuẩn NTM, theo hướng phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu và bền vững. Trong đó, cốt lõi là đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn được nâng lên về chất.

Tiệm cận những giá trị cao hơn

P.V: Tiêu chí chỉ là cơ sở, còn hiệu quả mới là mục tiêu cuối cùng trong xây dựng NTM. Vậy, với những xã đã đạt chuẩn NTM, đặc biệt là NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thì mức sống, sự hài lòng và khả năng làm chủ của người dân đã và đang có sự chuyển biến ra sao, thưa ông?

Ông Cao Văn Cường: Qua tổng kết và đánh giá 10 năm triển khai Chương trình Xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh, cho thấy, chương trình đã thực sự tạo nên một bước đột phá có tính lịch sử trong cả nhận thức lẫn hành động. Bởi, quá trình thực hiện, các địa phương đã tích cực, chủ động và có nhiều cách làm sáng tạo, nhằm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong đó, một sáng tạo đặc biệt có ý nghĩa của tỉnh Thanh Hóa là việc ban hành quy định đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM.

Trong xây dựng NTM, nếu tiêu chí là định hướng, lợi ích là mục tiêu, thì việc khơi dậy vai trò chủ thể của người dân và phát huy sức mạnh của cả cộng đồng sẽ là yếu tố quyết định hiệu quả của cả chương trình. Cũng vì lẽ đó, xét về bản chất, việc đánh giá sự hài lòng là nhằm hướng đến thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy vai trò chủ thể của người dân. Qua việc tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng cho thấy, nhiều nơi người dân đã thực sự là chủ thể và rất hài lòng về Chương trình Xây dựng NTM. Bởi lẽ, thành quả mà “cuộc cách mạng” này mang lại là rất to lớn và thiết thực. Trong đó, sản xuất phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,54 triệu đồng/năm (tăng 4,89 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 2,53%; hạ tầng điện, đường, thủy lợi, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa – thể thao được xây dựng khang trang... Cũng thông qua việc lấy ý kiến về sự hài lòng, với những tiêu chí đạt tỷ lệ thấp và người dân còn băn khoăn, chính quyền các cấp xem đó là mục tiêu cần chú trọng, nhằm nâng cao chất lượng và hướng tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

P.V: Việc đặt con người – người dân nông thôn vào trung tâm của sự phát triển, nhằm tạo sợi dây gắn kết bền chặt giữa văn hóa - con người - kinh tế. Đây cũng chính là thế chân kiềng nâng đỡ để các xã NTM, huyện NTM tiệm cận đến những giá trị nâng cao và kiểu mẫu. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Cao Văn Cường: Cần nhấn mạnh rằng, dù ở thời kỳ nào hay trong bối cảnh nào, thì con người vẫn luôn là nguồn tài nguyên, hay của cải đích thực và quý giá nhất. Bởi vậy, con người - người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước.

Trong xây dựng NTM, người dân vừa là chủ thể triển khai thực hiện, vừa là đối tượng thụ hưởng trực tiếp những thành quả mà chương trình mang lại. Mục tiêu cuối cùng và cao nhất của Chương trình Xây dựng NTM, đó là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn. Muốn đạt được điều đó, cần phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, mà cốt lõi là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Khi đời sống vật chất được bảo đảm, kinh tế ngày một khá giả, thì con người sẽ hướng tới những nấc thang hưởng thụ cao hơn về tinh thần. Đồng thời, có nhiều điều kiện và tiềm lực để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Bởi vậy, theo tôi, việc đặt con người - người dân nông thôn vào vị trí trung tâm của sự phát triển, tạo nên “thế chân kiềng” để đưa NTM hướng đến những giá trị “nâng cao”, “kiểu mẫu” là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn. Đây cũng là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển nói chung và chương trình NTM nói riêng mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang tiếp tục định hướng, triển khai thực hiện.

P.V: Những khó khăn, bất cập nào đang đặt ra và cần được giải quyết để việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đạt được các mục tiêu kỳ vọng, mà cái đích cuối cùng là đưa nông thôn lên một vị thế mới trên bậc thang phát triển, thưa ông?

Ông Cao Văn Cường: Như đã nhấn mạnh, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là xu thế tất yếu hiện nay. Để hiện thực hóa mục tiêu là xây dựng khu vực nông thôn phát triển toàn diện và bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thôn, bản NTM kiểu mẫu; xã NTM kiểu mẫu. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Đó là nguồn lực hỗ trợ các địa phương còn hạn hẹp, trong khi nhiệm vụ đặt ra là rất lớn. Cùng với đó, một bộ phận cán bộ, Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nên vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu diễn ra không đồng đều ở các địa phương; vẫn còn những nội dung vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện, đặc biệt là các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Dung (thực hiện)


Lê Dung (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]