(Baothanhhoa.vn) - Năm 2021, dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn cho công tác thẩm định cũng như nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở các địa phương, nhưng Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa (VPĐPCTXDNTM) đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, đem lại nhiều thành quả đáng ghi nhận. Để làm rõ thêm vấn đề này, cũng như những kế hoạch cho năm 2022, phóng viên Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Giang, Phó Chánh VPĐPCTXDNTM tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa

Năm 2021, dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn cho công tác thẩm định cũng như nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở các địa phương, nhưng Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa (VPĐPCTXDNTM) đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, đem lại nhiều thành quả đáng ghi nhận. Để làm rõ thêm vấn đề này, cũng như những kế hoạch cho năm 2022, phóng viên Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Giang, Phó Chánh VPĐPCTXDNTM tỉnh.

Nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa kiểm tra mô hình sản xuất tại làng nghề đúc đồng Chè Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa).

Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian để chia sẻ những thông tin về XDNTM tỉnh nhà. Ông cho biết năm 2021, tình hình dịch COVID-19 gây khó khăn thế nào đến hoạt động XDNTM đối với VPĐPCTXDNTM và các địa phương?

Ông Dương Văn Giang: Năm 2021, VPĐPCTXDNTM đã triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu, điều phối về Chương trình XDNTM trong điều kiện tác động tiêu cực của dịch COVID-19, đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Cụ thể, công tác đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện XDNTM, Chương trình OCOP không được thường xuyên, do các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, dành nhiều thời gian để phòng, chống dịch. Công tác thẩm tra, thẩm định huyện, xã đạt chuẩn bị chậm tiến độ, do phải thực hiện các quy định không được tập trung đông người. Ngoài ra, công tác tập huấn, tuyên truyền về XDNTM cũng khó tổ chức. Các hoạt động thương mại, triển lãm, quảng bá giới thiệu, mua bán và xuất khẩu sản phẩm OCOP bị trì hoãn, hoặc hủy bỏ gây ảnh hưởng đến dòng vốn hoạt động và doanh thu của chủ thể sản xuất...

Đối với các địa phương, những tháng đầu năm, đặc biệt là từ cuối tháng 7-2021, dịch bùng phát mạnh nên công tác chỉ đạo thực hiện chương trình bị ảnh hưởng, nhất là khó khăn trong việc huy động nguồn lực, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, chỉnh trang cảnh quan môi trường... Từ đó, làm chậm tiến độ hoàn thành các tiêu chí NTM theo quy định. Tại các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tiến độ thực hiện các tiêu chí còn chậm và gặp nhiều vướng mắc, nhất là các tiêu chí: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, phát triển sản xuất, thu nhập...

Phóng viên: Trước những khó khăn như vậy, VPĐPCTXDNTM đã có cách làm cụ thể gì để thích ứng tình hình mới, nhất là công tác tổ chức thẩm định?

Ông Dương Văn Giang: Để đảm bảo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, VPĐPCTXDNTM đã tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin (TD office, thư điện tử, zalo,...) trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nhất là công tác hướng dẫn, đôn đốc các địa phương hoàn thành nhiệm vụ XDNTM ở cả cấp huyện, cấp xã, cấp thôn/bản, phát triển sản phẩm OCOP, biên tập và phát hành bản tin NTM. Khai thác tối đa thông tin, dữ liệu trên internet và đẩy mạnh làm việc, liên lạc trực tiếp qua điện thoại hoặc trao đổi theo hình thức trực tuyến qua phương tiện công nghệ.

Nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa

Ông Dương Văn Giang (thứ 3 từ phải sang) trong buổi thẩm định cơ sở vật chất trường học tại xã Tế Lợi, huyện Nông Cống.

Đối với công tác thẩm tra huyện, thẩm định xã ở các địa phương có tình hình dịch diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách, các đơn vị gửi hồ sơ đề nghị công nhận, các văn bản báo cáo khác qua TD office, thư điện tử (kèm hình ảnh, video về hiện trạng kết quả) hoặc qua bưu điện để kiểm tra, đánh giá. Đối với các địa phương có tình hình dịch được kiểm soát, việc kiểm tra trực tiếp (cả về hồ sơ, thực địa, sản phẩm,...), được thực hiện nghiêm quy định về công tác phòng, chống dịch, tuân thủ nguyên tắc 5K, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Khi tổ chức hội nghị thẩm tra, thẩm định, chấm điểm, xếp hạng sản phẩm OCOP, số lượng người tham dự thực hiện nghiêm theo quy định.

Phóng viên: Từ những giải pháp sáng tạo, ông có thể khái quát những thành quả trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trong năm 2021?

Ông Dương Văn Giang: Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, VPĐPCTXDNTM đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh và UBND tỉnh, tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia của người dân, thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa triển khai thực hiện Chương trình XDNTM theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.

Năm 2021, toàn tỉnh có thêm 24 xã đạt chuẩn NTM, 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã. Với mục tiêu 3 huyện đạt chuẩn NTM trong năm, những ngày cuối năm dương lịch 2021, Hội đồng thẩm định NTM Trung ương đã tổ chức thẩm định và hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021 cho các huyện: Nông Cống, Triệu Sơn và Thiệu Hóa. Riêng ở khu vực 11 huyện miền núi của tỉnh, cũng có thêm 80 thôn, bản đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu đề ra 10 thôn, bản. Trong phát triển sản phẩm OCOP, toàn tỉnh có thêm 89 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 8 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và 3 huyện đang chờ quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ; 341 xã và 1.018 thôn, bản (trong đó có 809 thôn, bản miền núi) đạt chuẩn NTM; 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã và 152 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa

Tiêu chí giao thông tại huyện Triệu Sơn.

Phóng viên: Bước sang năm 2022 với nhiều thách thức phía trước, VPĐPCTXDNTM đã có những định hướng và đề ra chỉ tiêu thực hiện gì, thưa ông ?

Ông Dương Văn Giang: Tình hình dịch COVID-19 chắc chắn vẫn còn phức tạp nên công tác XDNTM vẫn còn nhiều khó khăn, mục tiêu của chúng tôi cũng chính là nhiệm vụ tỉnh đề ra và giao nhiệm vụ: Năm 2022, Thanh Hóa có thêm 2 đơn vị cấp huyện, 18 xã, 83 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 xã, 59 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bình quân toàn tỉnh đạt 17,9 tiêu chí/xã; có 120 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm cấp quốc gia.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đó, VPĐPCTXDNTM sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ. Một là, tăng cường tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực sự có hiệu quả trong triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, Chương trình OCOP. Hai là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tập huấn. Ba là, tiếp tục xây dựng, ban hành kế hoạch và văn bản chỉ đạo, điều hành, cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, giai đoạn 2021-2025. Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình XDNTM cũng như Chương trình OCOP. Năm là, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định huyện, xã đạt chuẩn NTM, đảm bảo đúng chất lượng, không chạy theo thành tích...

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông.

Lê Đồng (thực hiện)


Lê Đồng (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]