(Baothanhhoa.vn) - Triệu Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa - 3 địa phương cùng có những nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và cách mạng, trong ngày đặc biệt hôm nay (28-4) lại cùng rực rỡ cờ hoa, hòa chung niềm vui đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Ngày đặc biệt và niềm vui ở những miền quê đáng sống

Triệu Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa - 3 địa phương cùng có những nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và cách mạng, trong ngày đặc biệt hôm nay (28-4) lại cùng rực rỡ cờ hoa, hòa chung niềm vui đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Ngày đặc biệt và niềm vui ở những miền quê đáng sống

Một tiết mục văn nghệ tại lễ công nhận.

Với mục tiêu xây dựng những “miền quê đang sống”, chương trình xây dựng NTM tại Thanh Hóa đặc biệt chú trọng tới “thước đo” sự hài lòng, viên mãn của Nhân dân, hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với sự về đích của 3 huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa, Thanh Hóa đã trở thành địa phương đứng thứ 4 cả nước với 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và 346 xã đạt chuẩn NTM (đứng thứ 2 cả nước sau TP Hà Nội).

Phát biểu của đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại lễ công nhận đạt chuẩn huyện NTM đã khái quát lên bức tranh tổng thể cùng sự nỗ lực, trăn trở trong cách làm NTM của 3 huyện.

Dù cho điểm khởi đầu vô vàn những khó khăn, trở ngại, nhưng bằng tư duy năng động, đổi mới trong cách làm, cả 3 địa phương đã xây dựng được những “đòn bẩy” cho sự phát triển kinh tế và thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn. Đến nay, các huyện đã hình thành 16 vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với diện tích trên 20.000 ha có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Đồng thời, xây dựng thành công 25 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng phát triển toàn diện. Trên địa bàn 3 huyện có 1.257 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 26 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho trên 35.000 lao động, góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, làm cho thu nhập thực tế của người dân ngày càng tăng cao, tạo điều kiện để người dân đóng góp xây dựng NTM.

Ngày đặc biệt và niềm vui ở những miền quê đáng sống

Tuyến đường chính huyện Triệu Sơn rực rỡ cờ chào mừng lễ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Tại huyện Triệu Sơn - nơi được lựa chọn tổ chức lễ công nhận NTM chung cho cả 3 địa phương, chúng tôi cảm nhận rõ rệt hơn hết không khí vui mừng, phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà. Hân hoan cùng cờ hoa, biểu ngữ, nhà nhà, người người đang cùng hòa chung vui niềm vui lớn.

Khu phố Bà Triệu, thị trấn Triệu Sơn hôm nay vô cùng khang trang, rực rỡ. Đời sống Nhân dân thay đổi, nhà nhà đã đều có tivi, lắp mạng internet. Tuy nhiên hôm nay, đông đảo người dân khu phố có mặt tại nhà văn hóa mới được sửa chữa khang trang để cùng theo dõi chương trình lễ đón nhận NTM được truyền hình trực tiếp.

Ông Ngô Ngọc Thanh, Bí thư Chi bộ khu phố phấn khởi cho biết: Những ngày vừa qua bà con Nhân dân trang trí nhà cửa, cắm cờ hoa, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Hôm nay, sau khi xem xong chương trình đón nhận NTM, khu phố sẽ tổ chức giải bóng chuyền hơi.

NTM không chỉ khiến đường sá phong quang, sạch đẹp, mà còn làm thay đổi tinh thần, nếp nghĩ, cuộc sống của 1.500 nhân khẩu của khu phố lên từng ngày. Cùng với các doanh nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp mới du nhập đã nâng thu nhập của người dân khu phố lên 70 triệu đồng/người/năm.

Ngày đặc biệt và niềm vui ở những miền quê đáng sống

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chung vui cùng cán bộ và Nhân dân huyện Triệu Sơn

Có mặt tại lễ đón nhận NTM của huyện nhà, anh Trần Đức Minh, quê ở xã An Nông, Triệu Sơn không giấu nổi niềm xúc động, cho biết: Xa quê học tập và lập nghiệp tại Hà Nội từ năm 18 tuổi, mặc dù vẫn về quê hàng năm, nhưng mỗi lần về quê là một lần nhận thấy sự khác lạ và bất ngờ.

Không chỉ hạ tầng dân sinh thay đổi, mà hạ tầng sản xuất cũng liên tục được đầu tư, đời sống người dân nông thôn được nâng cao từng ngày. NTM, điều kiện sản xuất mới, tác phong lao động mới chính là những nhân tố khiến anh quyết định đầu tư sản xuất về quê nhà. Năm 2018, Công ty CP dược liệu Triệu Sơn ra đời trên mảnh đất quê hương, với các sản phẩm cung ứng ra thị trường là dược liệu. Đến nay, Công ty CP dược liệu Triệu Sơn đã có 2 sản phẩm là viên nang sâm báo Triso và Siro bổ dưỡng sâm báo Triso được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ngày đặc biệt và niềm vui ở những miền quê đáng sống

Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Minh Sơn (Triệu Sơn).

Về huyện Nông Cống những ngày này, ai ai cũng cảm nhận rõ niềm tự hào của người dân sau thành quả của 10 năm xây dựng NTM do chính công sức của những con người nơi đây xây đắp nên. Nông Cống là huyện thuần nông, cơ bản độc canh cây lúa, địa hình thấp trũng, thường xuyên phải gánh chịu sự khắc nghiệt của thiên tai, bão lũ. Song, chính điều này đã hun đúc nên ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chịu thương chịu khó, vượt mọi thử thách để phát triển, biến vùng đất nghèo “chiêm trũng” trở thành “miền quê đáng sống”.

Năm nay đã hơn 70 tuổi, chứng kiến sự đổi thay của quê hương từ khi xây dựng NTM, ông Nguyễn Thế Phương ở thôn Trúc Đại, xã Tượng Văn cũng như nhiều người dân trong xã rất phấn khởi. Nhận thấy việc xây dựng NTM đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân nên bản thân ông sẵn sàng hưởng ứng các phong trào của địa phương. Khi biết được huyện đạt chuẩn NTM, ông cảm thấy tự hào về những đóng góp của mình đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Ngày đặc biệt và niềm vui ở những miền quê đáng sống

Được biết, Tượng Văn là một trong 11 xã điểm của tỉnh về đích NTM vào năm 2013. Từ khi xây dựng NTM đến nay, diện mạo nông thôn ở Tượng Văn từng ngày đổi mới, khang trang; đời sống vật chất và tinh thần nâng lên rõ rệt; các thiết chế văn hóa được củng cố, an ninh - trật tự xã hội được giữ vững. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đời sống người dân trên địa bàn xã không ngừng được cải thiện. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 55 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,3%. Nhiều công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng mới, như: Khu lớp học hai tầng và nhà ăn trường mầm non; xây dựng cầu Hùng Sơn và tuyến đường từ cầu Hùng Sơn đi đường tỉnh 525, nâng cấp, cải tạo khuôn viên và đường vào đài tưởng niệm liệt sĩ; đầu tư nâng cấp chợ; tu sửa, cải tạo, xây bồn hoa khuôn viên công sở xã; nâng cấp, cải tạo sân vận động; xây dựng nhà đóng gói, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Nhắc đến Nông Cống hôm nay, bên cạnh những di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề nổi tiếng, Nông Cống còn được biết đến với các mô hình kinh tế mới với doanh thu hàng tỷ đồng, nhiều khu dân cư giàu đẹp, yên bình, mang đậm bản sắc văn hóa của làng quê. Đây là minh chứng cho sự chỉ đạo đúng đắn và nhất quán của các cấp ủy Đảng, chính quyền, từ chủ trương đến hành động, là sự phát huy và gắn kết nội lực trong Nhân dân, đưa Nhân dân trở thành chủ thể trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Ngày đặc biệt và niềm vui ở những miền quê đáng sống

Gian hàng sản phẩm OCOP của huyện Nông Cống.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Nông Cống Lê Xuân Hùng cho biết: Xác định đích đến cuối cùng của chương trình xây dựng NTM chính là nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của người dân. Khi người dân có được thu nhập ổn định sẽ tác động trở lại xây dựng quê hương. Theo đó, quán triệt quan điểm của Đảng “Coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược, xây dựng NTM là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể” và “Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, xuất phát từ điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, huyện đã có những chính sách kích cầu sát thực, hiệu quả đồng thời chỉ đạo quyết liệt nhằm đưa chính sách đến tận người dân, các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ… tăng nhanh về số lượng, bảo đảm chất lượng và phát triển đồng đều, đánh thức tiềm năng đất đai, lao động, trí tuệ và khát vọng làm giàu ở khắp các miền quê Nông Cống.

Thăm và đánh giá về quá trình xây dựng NTM của Nông Cống, đồng chí Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cho biết: Nông Cống có rất nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó là các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Quá trình xây dựng NTM của địa phương đã làm nổi bật lên các nét đẹp của làng quê; thấy rõ được sự kết hợp hài hòa giữa giá trị văn hóa với sự phát triển kinh tế tại chính các làng quê. Đây cũng là “điểm cộng” ghi nhận sự nỗ lực và kết quả đạt được trong xây dựng huyện đạt chuẩn NTM của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nông Cống.

Ngày đặc biệt và niềm vui ở những miền quê đáng sống

Khu vực trưng bày các hình ảnh hoạt động kinh tế - xã hội tại huyện Thiệu Hóa.

Với huyện Thiệu Hóa, cùng nhìn lại chặng đường 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tuy không ngắn nhưng cũng chẳng dài. Với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã tạo nên một Thiệu Hóa có diện mạo khang trang. Đời sống của người dân nông thôn được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân nông thôn.

Nổi bật trong phát triển nông nghiệp, toàn huyện đã tích tụ, tập trung đất đai, hình thành được 5 vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích hơn 3.500 ha; chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả để phát triển các mô hình như: Cây ăn quả, chăn nuôi thỏ, trồng ngô sinh khối,… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xác định ứng dụng khoa học - kỹ thuật là chìa khoá để nâng cao giá trị sản xuất, huyện đã khuyến khích hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: Trồng dưa kim hoàng hậu, rau an toàn, dưa chuột baby... Huyện cũng đã phát triển được 5 sản phẩm OCOP như là trống đồng Toàn Linh, trống đồng Quý Châu và dưa vàng Vạn Hà…

Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên, huyện có điều kiện huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tổng số vốn huy động xây dựng NTM từ khi triển khai đến nay là hơn 9.129 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, huyện tập trung đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. theo đó hệ thống giao thông trên địa bàn phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối toàn diện với đường quốc gia, đường tỉnh, giữa trung tâm hành chính huyện với trung tâm hành chính các xã và đến các thôn, xóm, các cụm kinh tế - xã hội, khu du lịch, các điểm du lịch, các cụm công nghiệp, các đô thị trên địa bàn,…

Bà Phạm Thị Tịch, người dân xã Thiệu Chính nay đã gần 80 tuổi vẫn ngày ngày đi dạo trên con đường làng phẳng phiu, thẳng tắp. Bà kể: Chục năm trước con đường này nhỏ hẹp, gồ ghề, tôi chẳng dám đi lại nhiều vì bụi bặm. Thế rồi có chủ trương xây dựng NTM, bà con lối xóm ai nấy hồ hởi góp công, góp của làm con đường mới. Nhận thấy cần phải có trách nhiệm với quê hương, tôi đã vận động con cháu đóng góp gần 1 tỷ đồng, góp phần xây dựng NTM. Giờ đây, nhìn đường làng không chỉ phẳng phiu, rộng rãi mà còn xanh, sạch, đẹp; diện mạo quê hương đổi thay, đời sống người dân cũng được quan tâm đúng mức tôi rất vui mừng và tự hào.

Luôn xác định phương châm: “Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, trong niềm phấn khởi, tự hào, cả 3 địa phương đang tiếp tục hoạch định những lộ trình dài hơi trong hành trình NTM: Sản xuất phát triển, môi trường được bảo vệ, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, Nhân dân hạnh phúc; để du khách muốn đến thăm trải nghiệm, để các doanh nghiệp muốn đến đầu tư, để những người con xa quê muốn trở về, vun đắp, xây dựng quê hương…

Nhóm PV Kinh tế


Nhóm PV Kinh tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]