(Baothanhhoa.vn) - Sau sáp nhập, huyện Nga Sơn còn 23 xã thì đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Chiếu theo các tiêu chí của “Huyện NTM”, tính đến giữa tháng 4–2020, huyện Nga Sơn tự đánh giá đã hoàn thành tất cả 9 tiêu chí.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nga Sơn trước “ngưỡng cửa” huyện nông thôn mới

Sau sáp nhập, huyện Nga Sơn còn 23 xã thì đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Chiếu theo các tiêu chí của “Huyện NTM”, tính đến giữa tháng 4–2020, huyện Nga Sơn tự đánh giá đã hoàn thành tất cả 9 tiêu chí.

Nga Sơn trước “ngưỡng cửa” huyện nông thôn mới

Hạ tầng giao thông tại thị trấn Nga Sơn.

Những ngày này, các phòng, ban liên quan cùng UBND huyện Nga Sơn đang gấp rút hoàn thành các thủ tục hồ sơ, giấy tờ để đề nghị được thẩm định đạt chuẩn NTM cấp huyện. Từ các xã, 19 tiêu chí của xã NTM cũng được chỉ đạo rà soát lại. Những tiêu chí cấp huyện tiếp tục được kiểm tra, nâng cao để sẵn sàng đón các đoàn thẩm định của Trung ương và tỉnh về thẩm tra. Thành quả của hơn 10 năm bắt tay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện đồng bằng ven biển này được cho là đã hội tụ đầy đủ để có thể thay đổi về “chất” – trở thành huyện NTM.

Tiêu chí dễ nhận thấy nhất chính là hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Những tuyến đường đôi rộng mở với dải phân cách và cây xanh được trồng quy củ, những khu phố mới hiện hữu bên bờ kênh Hưng Long đã tạo ấn tượng về không gian kiến trúc và sự phát triển ở thị trấn Nga Sơn. Những con đường liên xã cũng thênh thang rộng mở và hoàn thiện. Hiện, tổng chiều dài đường giao thông của các xã trên địa bàn huyện gần 1.000 km, cơ bản được kiên cố hóa. Gần đây, mỗi năm, huyện đều xây dựng kế hoạch, bố trí vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ cho việc phát triển kinh tế.

Cơ sở vật chất văn hóa của các địa phương trên địa bàn huyện đã hoàn thiện, tất cả các xã đều có trung tâm văn hóa - thể thao xã bảo đảm tiêu chí. Nhiều nhà văn hóa và khu thể thao cấp thôn được đầu tư từ 1 đến 3 tỷ đồng do con em xa quê và nhân dân đồng thuận hỗ trợ, đóng góp xây dựng, điển hình như tại các xã Nga An, Nga Yên, Nga Thành, Nga Vịnh... Tiêu chí nhà ở dân cư trên địa bàn huyện cũng có sự thay đổi căn bản trong những năm qua. Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, tỷ lệ nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng trên địa bàn toàn huyện đạt 78,03%. Những năm gần đây, với điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhân dân đã đầu tư xây dựng mới, chỉnh trang nhà ở và các công trình phụ với tổng kinh phí thực hiện hơn 2.000 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện không còn hộ gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ nhà đạt chuẩn trên địa bàn toàn huyện là 36.757/39.800 hộ, đạt 92,35%.

Tiêu chí về phát triển giáo dục cũng được huyện triển khai hiệu quả. Chất lượng giáo dục luôn được huyện tập trung chỉ đạo nâng cao, cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã xây dựng thêm 413 phòng học kiên cố, tu sửa nâng cấp 140 phòng học, phòng chức năng, mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi với tổng kinh phí thực hiện 274,7 tỷ đồng. Hiện 100% giáo viên các cấp học có trình độ đạt chuẩn. Sau khi tổ chức sáp nhập vào cuối năm 2019, toàn huyện còn 77 trường học ở cả 3 cấp học. Cơ sở vật chất trường học khá đồng bộ và khang trang, có 66 trường đạt chuẩn quốc gia; riêng cấp tiểu học đứng đầu trong tỉnh về tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia.

Ngoài bệnh viện đa khoa cấp huyện, hệ thống trạm y tế xã được quan tâm phát triển để bảo đảm chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác môi trường và an toàn thực phẩm được huyện quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây. Hiện 100% số xã, thị trấn đã tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định, rác thải y tế nguy hại các đơn vị đã ký hợp đồng với các công ty hoặc với Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn xử lý. Cảnh quan môi trường của huyện đã có nhiều đổi thay, đường làng, ngõ xóm thông thoáng, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, người dân nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường.

Cùng với phát triển hạ tầng và các tiêu chí liên quan, cơ cấu sản xuất của huyện đã có sự chuyển dịch đúng hướng: Giảm tỷ trọng các ngành nông – lâm - thủy sản, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thương mại. Sản xuất nông - lâm - thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Sau các đợt dồn điền, đổi thửa, hiện trung bình mỗi hộ nông dân trên địa bàn chỉ còn 1,53 thửa ruộng. Đó chính là điều kiện để các xã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương đã tập trung đẩy mạnh tích tụ tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn. Đến nay, các xã đã tổ chức thực hiện tích tụ đất đai phục vụ cho trồng trọt được 155 ha, chuyển đổi được 1.106,1 ha đất canh tác lúa, cói kém hiệu quả sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổng sản lượng lương thực hàng năm trên địa bàn huyện đạt từ 56 đến 58 nghìn tấn.

Thu nhập bình quân đầu người của huyện Nga Sơn đã đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 2%. Cùng với những thay đổi trong tư duy sản xuất, cải tạo môi trường xanh – sạch – đẹp, hơn 9.300 tỷ đồng huy động cho xây dựng NTM đã giúp cho diện mạo các làng quê ở Nga Sơn ngày càng khang trang. Với quyết tâm chính trị cao, Nga Sơn đang nỗ lực để sớm được công nhận danh hiệu “Huyện NTM”.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]