(Baothanhhoa.vn) - Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, sát với thực tế, huyện Thiệu Hóa đã có 100% số xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng NTM cấp huyện và phấn đấu đạt chuẩn NTM cuối năm 2021. Kết quả này phản ánh rõ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân. Đó là sự hòa hợp ý Đảng, lòng dân.

Lộ trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Thiệu Hóa – nhân lên niềm tin và kỳ vọng: Bài 1 - Khi ý Đảng hợp lòng dân

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, sát với thực tế, huyện Thiệu Hóa đã có 100% số xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng NTM cấp huyện và phấn đấu đạt chuẩn NTM cuối năm 2021. Kết quả này phản ánh rõ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân. Đó là sự hòa hợp ý Đảng, lòng dân.

Lộ trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Thiệu Hóa – nhân lên niềm tin và kỳ vọng: Bài 1 - Khi ý Đảng hợp lòng dânNghề truyền thống sản xuất nồi nhôm ở xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa) được duy trì. Ảnh: Lê Hà

Người dân là chủ thể

Thiệu Giao là xã khó của huyện Thiệu Hóa có hơn 1/2 lao động trong độ tuổi đi làm ăn xa nên lộ trình xây dựng NTM ở đây vô cùng khó khăn đối với các thế hệ lãnh đạo, cán bộ ở địa phương. Do đó, từ năm 2011 triển khai xây dựng NTM, đến năm 2019 xã Thiệu Giao mới đạt xã chuẩn NTM. Tuy thời gian về đích NTM muộn so với nhiều xã trong huyện, nhưng Thiệu Giao lại có lộ trình đi “chậm mà chắc”. Đó là từng bước phát huy nội lực, vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng NTM, mọi việc đưa ra đều được lấy ý kiến người dân ở các thôn, khu dân cư rồi mới triển khai thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân hưởng thụ” với quyết tâm vượt khó bứt phá vươn lên trong xây dựng NTM.

Ông Đỗ Huy Luân, thôn Giao Thành, chia sẻ “Thôn tôi ai cũng phấn khởi trước sự đổi thay của quê nhà, khi chính quyền địa phương triển khai kế hoạch mở rộng đường, chúng tôi ủng hộ ngay vì chính chúng tôi là người được hưởng lợi. Gia đình tôi và nhiều hộ khác đã hiến đất mở rộng đường từ 3m lên 7,5m. Con đường đã góp phần tạo nên diện mạo NTM và quan trọng hơn là giao thương hàng hóa thuận lợi hơn, kinh tế cũng từ đó phát triển”.

Trong xây dựng NTM, ngoài nguồn lực tại chỗ, xã Thiệu Giao còn vận động xã hội hóa từ con em xa quê đóng góp rất lớn. Giai đoạn 2011-2019, xã Thiệu Giao huy động đạt 246,854 tỷ đồng, trong đó có 181,88 tỷ đồng Nhân dân đóng góp; 8,86 tỷ đồng con em xa quê đóng góp. Nhiều con em xa quê, như gia đình bà Lê Thị Loát, gia đình ông Lê Xuân Mười thôn Giao Thành hỗ trợ xây khu đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã; khối doanh nghiệp là người địa phương, như các gia đình anh Phan Văn Bảy (thôn Giao Thành) hỗ trợ 1,5 tỷ đồng xây dựng tuyến bê tông làng Bái Giao; gia đình anh Lê Đình Đông (thôn Đại Đồng) hỗ trợ xây dựng sân vận động xã...; người dân trong xã đã hiến 19 ha đất nông nghiệp làm hệ thống đường giao thông nội đồng, mở rộng nhiều tuyến đường...

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã, phó trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Thiệu Giao, cho biết: Lộ trình xây dựng NTM của xã khá dài, luôn có sự trăn trở của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo những khóa trước và sự nỗ lực vượt khó, đoàn kết trong hệ thống chính trị. Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng khi triển khai lấy ý kiến, họp bàn với Nhân dân, bà con các thôn đều luôn hợp tác với cán bộ. Việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, biết lấy sức dân để lo cho dân, đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân mang đến thành công cho xã Thiệu Giao hôm nay.

Về xã Thiệu Viên, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, chủ tịch ủy ban MTTQ xã cho biết: Những con đường “Dân vận khéo” của thôn, của xã đều do người dân hiến đất làm đường và giờ lại tự nguyện trồng hoa, xây dựng tường rào thoáng. Hiện nay, 100% các tuyến đường liên thôn và đường ngõ xóm đã được bê tông hóa. Trong quá trình đầu tư xây dựng đường giao thông, các thôn đã vận động Nhân dân tích cực ủng hộ tiền, ngày công, hiến đất để làm đường mà không đòi hỏi sự bồi thường của Nhà nước...

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, huyện Thiệu Hóa bắt tay xây dựng NTM ở xuất phát điểm thấp. Đặc biệt, sau khi tiến hành rà soát các tiêu chí NTM, huyện mới đạt bình quân 5,7 tiêu chí/xã; phần lớn các tiêu chí chưa đạt là thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, cần nhiều vốn; tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao (22,29%)... Thực trạng trên đòi hỏi sự đồng thuận, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, nhằm khơi dậy tinh thần nội lực, phát huy sức mạnh cộng đồng. Do đó, trong lộ trình xây dựng NTM, huyện Thiệu Hóa đã huy động nguồn lực từ Nhân dân đạt 6.128,15 tỷ đồng, chiếm 76,48% bao gồm: ngày công lao động, chỉnh trang vườn tạp, hiến đất làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng...

Cán bộ nêu gương

Ông Thiều Quang Hồng, bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn 1, xã Thiệu Vận là một trong những cán bộ cơ sở luôn thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, sâu sát, gần gũi với Nhân dân, gương mẫu đi đầu trong mọi việc. Gia đình ông đã tự nguyện hiến 1.000m2 đất cho thôn xây dựng nhà văn hóa và là người khởi xướng phong trào “xã hội hóa trong xây dựng NTM”. Chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều con em xa quê và người dân trong thôn đã tự nguyện quyên góp tiền, ngày công lao động xây dựng nhà văn hóa thôn với tổng trị giá gần 700 triệu đồng; bê tông hóa 100% giao thông nội đồng, nội thôn phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nâng tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thôn đạt trên 10 tỷ đồng (chủ yếu xã hội hóa).

Không hiếm thấy hình ảnh những cán bộ xuống đồng, bám cơ sở, làm cùng dân, đi đầu trong hiến đất, xây dựng mô hình sản xuất... nên trong xây dựng NTM xã Thiệu Vũ đã vận động Nhân dân chuyển đổi được 30 ha đất xấu sang phát triển trang trại và sản xuất các loại cây trồng phù hợp; hơn 20 trang trại, gia trại đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,01%; nhiều tuyến giao thông nông thôn và các công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống Nhân dân được đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Đồng chí Nguyễn Quang Sinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thiệu Vũ, cho biết: Cùng với phát huy nội lực trong dân, cấp ủy, chính quyền xã đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy viên, cán bộ, công chức, đảng viên, các ban, ngành, đoàn thể, trong đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, đảng viên phải thật sự tâm huyết, gương mẫu đi đầu trong mọi việc và lấy kết quả công việc làm tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm, do đó tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong xây dựng NTM rất cao, góp phần vào thành công chung của xã.

Để thực hiện đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong chương trình xây dựng NTM, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên là một trong những giải pháp quan trọng. Kết quả của chương trình xây dựng NTM là một trong các tiêu chí để đánh giá, kiểm điểm kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên huyện Thiệu Hóa đã luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và đã có nhiều cán bộ, đảng viên tự nguyện hiến đất, hoa màu, góp công, góp của làm đường, xây dựng cơ sở vật chất... tạo được niềm tin trong Nhân dân. Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên đã làm nên sức bật trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện để về đích NTM của xã, của huyện.

Những “trái ngọt”

Được hỗ trợ kích cầu và tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Hợp, thôn Đồng Minh; Nguyễn Phượng Hoàng, thôn Đồng Bào, xã Minh Tâm, đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất trồng dưa vàng trong nhà màng đang tạo bước đi mới trong ứng dụng khoa học vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế khá; hộ anh Lê Trọng Hải, thôn Thọ Sơn 1, xã Tân Châu sản xuất cơm cháy tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động... là những hộ cá thể làm mô hình kinh tế hiệu quả, đang được nhân rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần vào thực hiện tiêu chí thu nhập và tổ chức sản xuất trong lộ trình xây dựng NTM ở địa phương.

Trong 10 năm thực hiện xây dựng NTM, HĐND huyện đã ban hành 32 nghị quyết về kích cầu hỗ trợ xây dựng NTM, là một trong những huyện có nhiều chính sách kích cầu nhất được tỉnh đánh giá cao như: Thưởng 1 tỷ đồng cho các xã điểm của huyện khi hoàn thành xã NTM trong giai đoạn 2011-2014, 500 triệu đồng cho các xã hoàn thành trong giai đoạn 2015-2020; hỗ trợ kích cầu 200 triệu đồng/trường đạt chuẩn quốc gia; 100 triệu đồng/nhà văn hóa thôn, tiểu khu xây dựng mới; 100 triệu đồng/1km kiên cố hóa đường giao thông, kênh mương nội đồng; 40 triệu đồng/xã cho các xã thực hiện chuyển đổi, tích tụ ruộng đất theo nhóm hộ theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 30-8-2016 của Ban Chấp hàng Đảng bộ huyện về vận động Nhân dân chuyển đổi ruộng đất và chuyển đổi theo nhóm hộ, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp... Tổng số tiền hỗ trợ theo cơ chế, chính sách giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn huyện đạt hơn 100 tỷ đồng, góp phần khuyến khích, kích cầu cho các xã tích cực đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo của các địa phương khác nhau nhưng đều chung mục đích là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, tạo nên diện mạo NTM. Điều đó được minh chứng rõ trên những con số cụ thể, như: Trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn 2011-2020 đạt 13,72%, cao hơn 0,72% so với giai đoạn 2009-2010. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Huyện đã xây dựng được 5 vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích 3.511,8 ha (vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; sản xuất rau an toàn tập trung; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất ớt xuất khẩu; sản xuất khoai tây); nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả, như: nuôi con đặc sản xã Thiệu Hợp; rau an toàn tại xã Thiệu Vận; cây ăn quả tập trung tại các xã Minh Tâm, Thiệu Vũ, Thiệu Lý, Thiệu Duy... Huyện đã có 2 sản phẩm Trống đồng Quý Châu, Trống đồng Toàn Linh được chứng nhận sản phẩm OCOP. Năm 2021, huyện tiếp tục chỉ đạo để các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh như: bánh đa, cơm cháy xã Tân Châu...

Lê Hà

Bài 2: Xây dựng nông thôn mới bền vững.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]