(Baothanhhoa.vn) - Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh Thanh Hóa có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế của địa phương, đã tạo được nhiều đột phá và đạt được nhiều thành quả to lớn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng nông thôn mới - cách làm sáng tạo của Thanh Hóa

Bài 2: Những cách làm sáng tạo

Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh Thanh Hóa có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế của địa phương, đã tạo được nhiều đột phá và đạt được nhiều thành quả to lớn.

Bài 2: Những cách làm sáng tạo

Đường quê ở thôn 1, xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa). Ảnh: Lê Đồng

Nhiều con số về số xã đạt chuẩn NTM, nguồn vốn, phát triển sản xuất, thu nhập của người dân... được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 10 năm XDNTM tỉnh Thanh Hóa vừa diễn ra đầu tháng 10-2019 này. Theo ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, “danh nghĩa” là tổng kết 10 năm, nhưng thực chất, Thanh Hóa mới trải qua 9 năm XDNTM. Với những thành quả đạt được ngoài mong đợi, tỉnh đã được Trung ương chọn là một trong những địa phương làm điểm tổng kết 10 năm để đúc rút kinh nghiệm, tiến tới tổ chức tổng kết trên phạm vi cả nước trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này.

Trở lại giai đoạn đầu khi tỉnh Thanh Hóa triển khai chương trình, những khó khăn chất chồng như thách thức sự quyết tâm và nguồn lực huy động để thực hiện các nhóm tiêu chí. Năm 2010 - thời điểm bắt đầu triển khai chương trình lớn này, bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,7 tiêu chí/xã. Trong lúc nguồn lực cho chương trình rất hạn chế, tỉnh lại có tới 7 huyện nghèo nhất nước thuộc Chương trình 30a, có 100 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn... Về yếu tố con người – chủ thể triển khai, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa của chương trình XDNTM chưa đầy đủ, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Dẫn đến, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nơi thiếu quyết liệt, nhân dân nhiều nơi chưa có sự quyết tâm.

Căn cứ tình hình, điều kiện thực tế, Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo song hành phát triển nông nghiệp gắn với XDNTM, xem phát triển nông nghiệp là cơ sở, tiền đề để XDNTM bền vững. Theo đó, trong hơn 9 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa “Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM” là 1 trong 5 chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm, hàng đầu trong nghị quyết đại hội. Có thể nhìn từ huyện Yên Định – địa phương sớm trở thành “Huyện NTM” của cả nước để làm minh chứng cho sáng tạo này. Huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đơn vị, cá nhân đưa máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Gần chục năm trước, những vùng liên kết sản xuất giống lúa lai F1 tại các xã: Định Tường, Định Tiến, Định Hòa được hình thành, sau đó được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Nhiều vùng chuyên canh cà chua xuất khẩu sang Cộng hòa Liên bang Nga tại xã Định Bình; hàng chục nghìn ha ớt, ngô ngọt, dưa bao tử được phát triển ở hầu khắp các cánh đồng trên địa bàn huyện mỗi năm, tạo được bước đột phá trong sản xuất. Những mô hình chăn nuôi quy mô lớn với hàng chục trang trại gà, lợn được quy hoạch ra các cánh đồng xa khu dân cư đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nền tảng nông nghiệp thực sự đã trở thành “bệ phóng” cho Yên Định sớm hoàn thành mục tiêu XDNTM, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Thực hiện tiêu chí “Quy hoạch” – tiêu chí đầu tiên trong XDNTM, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động ban hành hướng dẫn, làm cơ sở triển khai xây dựng “quy hoạch xã NTM 3 trong 1”. Theo đó, việc quy hoạch chung được gắn với quy định “Lấy phiếu đánh giá về sự hài lòng của người dân” và “Quy định trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiêu chí NTM” và về sau cũng được Trung ương tham khảo để ban hành hướng dẫn thực hiện trên cả nước.

Trong quá trình tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân cũng như nhân rộng các điển hình về XDNTM, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đã cho phát hành bản tin nội bộ hàng tháng. Bản tin được đóng thành quyền nhỏ, như một cẩm nang, được phát hành đến từng xã để chuyển tải những chỉ đạo từ cấp tỉnh, cập nhật những kiến thức mới về chương trình, nêu những cách làm hay và sáng tạo để nhân rộng trên địa bàn nhiều xã. Đây chính là kênh tuyên truyền hiệu quả, xuyên suốt cho chương trình. Một “đặc sản” khác trong XDNTM của Thanh Hóa là từ năm 2014, tỉnh đã ban hành các tiêu chí riêng về “thôn, bản NTM”, trong đó có đặc thù cho nhiều thôn, bản miền núi đặc biệt khó khăn, để người dân cùng chính quyền thôn/bản và xã có sự phấn đấu, nỗ lực. Đáng chú ý, 14 tiêu chí riêng của Thanh Hóa dành cho thôn, bản đã mang lại những hiệu quả không ngờ. “Một xã muốn đạt chuẩn NTM, thì mỗi thôn phải đạt chuẩn NTM. Khi một thôn/bản đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn, sẽ tạo hiệu ứng để thôn khác phấn đấu. Điều đó tạo được phong trào sâu rộng ở tận vùng sâu, vùng xa đến trung du, đồng bằng. Cấp thôn chính là hạt nhân để cấu thành cấp xã nên nền móng phải từ cấp thôn” - ông Trần Đức Năng từng chia sẻ.

Để tạo nguồn lực và động lực cho các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các tiêu chí, tỉnh đã chủ động ban hành hàng chục cơ chế, chính sách riêng, lấy từ nguồn ngân sách tỉnh để khuyến khích các huyện, xã, thôn bản phấn đấu, thi đua trong XDNTM. Đặc biệt, ngay từ khi triển khai, tỉnh đã có cơ chế để lại nguồn thu từ quy hoạch cấp quyền sử dụng đất cho các xã XDNTM. Thực tế cho thấy nếu rầm rộ phát triển các công trình hạ tầng, mô hình sản xuất nhưng hiệu quả thiếu tính thực tiễn, hay xây dựng các tiêu chí để chạy đua theo thành tích thì XDNTM cũng không đạt được ý nghĩa. Những bản báo cáo với các con số “đẹp” và thành tích hợp lý để được công nhận xã đạt chuẩn NTM hoàn toàn có thể làm ra trên thực tế. Chỉ có lòng dân mới là thước đo hiệu quả thực sự trong quá trình XDNTM. Để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh Thanh Hóa có “tiêu chí mềm” là đánh giá “sự hài lòng của người dân”... Một xã muốn được công nhận đạt chuẩn NTM, từng thôn, cộng đồng dân cư phải tổ chức hội nghị lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của đại diện từng hộ gia đình với từng tiêu chí. Đây được coi là “tiêu chí thứ 20” trong bộ hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM mà chỉ có riêng ở tỉnh Thanh Hóa. Nó như là một cái kết có hậu cho quá trình nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương đó trong hành trình XDNTM, để đưa xã đó “thay đổi về chất” (được công nhận đạt chuẩn NTM), đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân lên một giai đoạn mới, mà ở đó, những kết quả đạt được phải do nhân dân cảm nhận chứ không phải sự sáo rỗng, hình thức.

Lê Đồng

Bài 3: Nhân lên những mô hình sản xuất hiệu quả.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]