(Baothanhhoa.vn) - Tại huyện Nga Sơn, phong trào sản xuất đã biến vườn nhà thành nhiều mô hình kinh tế thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Huyện có hẳn một đề án cải tạo vườn tạp được triển khai từ trước cả khi có tiêu chí “vườn hộ”, “vườn mẫu” trong xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, Hội Nông dân, Hội Làm vườn và Trang trại huyện đồng bằng ven biển này tiếp tục vận động hàng trăm hộ dân địa phương có vườn rộng trên 500m2 mạnh dạn đầu tư làm giàu ngay tại khuôn viên gia đình.

Nông dân Nga Sơn với các mô hình sản xuất hiệu quả trong vườn nhà

Tại huyện Nga Sơn, phong trào sản xuất đã biến vườn nhà thành nhiều mô hình kinh tế thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Huyện có hẳn một đề án cải tạo vườn tạp được triển khai từ trước cả khi có tiêu chí “vườn hộ”, “vườn mẫu” trong xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, Hội Nông dân, Hội Làm vườn và Trang trại huyện đồng bằng ven biển này tiếp tục vận động hàng trăm hộ dân địa phương có vườn rộng trên 500m2 mạnh dạn đầu tư làm giàu ngay tại khuôn viên gia đình.

Nông dân Nga Sơn với các mô hình sản xuất hiệu quả trong vườn nhàSáng tạo ghép cành chanh vào gốc bưởi, ông Vũ Văn Phượng ở xã Nga Liên đã gặt hái thành công hơn trong phát triển kinh tế vườn.

Tại thôn Hồ Đông thuộc xã Nga Thành, khu đất trồng trọt của gia đình ông Mai Văn Hào được bố trí vây quanh bốn bên ngôi nhà, tạo nên cảnh quan sinh thái khá đẹp mắt. Hai bên ngõ dẫn vào sân nhà là những hàng cau chạy dài, dưới tán cau là cây ăn quả được trồng khá thưa để tận dụng đất trồng cây dược liệu. Với 6.200m2 vườn, ông còn khéo léo bố trí những khu trồng thanh long xen địa liền. Dưới tán 500 cây na - loại cây thưa tầng lá, vẫn bảo đảm ánh sáng nên ông trồng cây gừng lấy củ và đinh lăng. Làm vườn có quy hoạch, kế hoạch nên chủ vườn đã đầu tư hệ thống đường nội vườn bằng bê tông, chia vườn thành các ô đẹp mắt. Phía sau nhà là hệ thống nhà lưới 1.200m2 và ao thả cá. Nguyên là Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại xã Nga Thành, ông Hào khá năng động trong chọn lựa và điều chỉnh cây trồng phù hợp. Hơn 10 năm thiết kế và tạo lập, mô hình trồng trọt tổng hợp này đã phát triển tương đối tối ưu, cho lợi nhuận cao nhất. Yếu tố khoa học - kỹ thuật cũng được áp dụng, mà dấu ấn quan trọng là hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước được triển khai khắp khu vườn. Phân bón cho cây trồng là đậu tương, các chất hữu cơ được phối trộn, ngâm ủ với các chế phẩm sinh học. Theo đó, chất lượng quả các loại cây trồng ở đây được đánh giá cao, đầu ra luôn ổn định. Dưa vàng trồng trong nhà lưới cũng được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, có đối tác ký hợp đồng bao tiêu từ nhiều năm qua. Hơn 800 triệu đồng mỗi năm là con số hạch toán mà chủ vườn Mai Văn Hào chia sẻ, trong đó lợi nhuận cuối cùng đạt khoảng 400 triệu đồng. 3 lao động thường xuyên ở địa phương làm việc tại mô hình kinh tế vườn tiêu biểu trong huyện Nga Sơn này cũng có thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng.

Có diện tích vườn lớn bậc nhất trong xã Nga Liên với 2.650m2, ông Vũ Văn Phượng ở thôn 5 đã từng bước gây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp trù phú. Sự cần cù chịu khó và năng động của vợ chồng ông đã biến vườn nhà thành vườn bưởi 1.000 cây, khu trồng rau ngót chuyên canh, ao nuôi tôm thẻ chân trắng... Những diện tích dọc ngõ đi, trước sân nhà và quanh bờ ao là hệ thống cây ăn quả như mít, 130 cây cau. Vài năm trở lại đây, chủ vườn còn sáng tạo để ghép hàng loạt cành chanh trưởng thành vào gốc bưởi mới trồng. Cây chanh phát triển nhanh, cho quả ngay trong năm đầu với năng suất cao trên những gốc bưởi. Vốn tính năng động, từ năm 2020, ông Phượng đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới 1.000m2 ngay trong vườn nhà để canh tác 4 vụ dưa vàng/năm. Trong hệ thống nhà lưới, được ông đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và phun mưa bán tự động hiện đại, thay thế sức lao động thủ công. Theo hạch toán của ông Phượng, hàng năm khu nhà lưới cho thu nhập 250 triệu đồng, cây bưởi mang về hơn 50 triệu đồng, những hàng cau cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng... Năm 2022 vừa qua, tổng thu từ khu vườn đạt gần 400 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng.

Ở xã Nga Thanh bên cạnh, vườn bưởi Diễn hơn 10 năm tuổi của gia đình bà Lê Thị Cài ở thôn 4 được coi là năng suất bậc nhất trong huyện. Vườn bưởi thuần loài hơn 500m2 được bà chăm bón và tưới tiêu khoa học nên mỗi cây có tới cả trăm quả. Trước nhà, gia đình còn đào ao thả cá và dự trữ nước tưới cho cây. Xung quanh ngôi nhà cấp bốn khang trang là những cây trồng mùa vụ như đậu bắp, cây gia vị và các loại rau. Dưới tán bưởi, những lứa gà, ngan cũng cho gia chủ thêm nguồn thu nhập. Cách đây ít năm, chồng của bà Cài chẳng may bệnh nặng mất đi, nhưng các cây trồng và hệ thống chuồng nuôi đã được đầu tư bài bản nên bà vẫn đảm nhiệm được các công việc chăm sóc cây trồng và vật nuôi. Nhiều năm qua, mô hình kinh tế tổng hợp trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi đều mang về cho nữ chủ vườn 76 tuổi nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng để trang trải cuộc sống.

Xét về lịch sử hình thành, phần lớn diện tích huyện Nga Sơn mới được khai thôn lập làng do quá trình cải tạo hoang hóa và quai đê lấn biển vài trăm năm trở lại đây. Do đó, diện tích đất vườn trong các gia đình vùng biển của huyện khá lớn so với nhiều vùng quê khác trong tỉnh. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Nhân dân trong huyện áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư cải tạo sản xuất, mà trên thực tế đã có nhiều thành quả. Hiện, chưa có thống kê chính xác, nhưng mỗi xã trên địa bàn huyện đều có hàng chục vườn nhà được phát huy hiệu quả, canh tác theo kế hoạch và áp dụng biện pháp canh tác khoa học.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]