Nỗ lực cán đích các mục tiêu năm 2024 (Bài 4): Vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc gia
Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã, đang từng bước phát huy giá trị trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Đáng chú ý, sự thay đổi cả về “lượng” và “chất” trong hoạt động du lịch những năm gần đây giúp “ngành công nghiệp không khói” xứ Thanh có thêm những bước tiến mới, từng bước định vị thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” trên bản đồ du lịch quốc gia.
Quảng trường biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) mang đến diện mạo và sức hút mới cho du lịch xứ Thanh. Ảnh: Hoài Anh
Từ nguồn lực nội sinh...
Thanh Hóa được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, sở hữu đầy đủ các loại địa hình, hệ sinh thái và vùng các đồng bằng, miền núi, trung du, ven biển. Đặc biệt, trong số 1.535 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê bảo vệ, có 1 di sản văn hóa thế giới; 5 di tích quốc gia đặc biệt; 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh... Cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú, mang sắc thái riêng của 7 dân tộc anh em. Đây là cơ sở quan trọng góp phần tạo nên những không gian văn hóa - du lịch đa sắc màu và nét đặc trưng riêng cho mỗi sản phẩm, mỗi điểm đến trên mảnh đất xứ Thanh.
Không chỉ có vậy, Thanh Hóa còn là địa phương có tới 102km đường bờ biển, với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng cả nước như: Sầm Sơn; Hải Tiến (Hoằng Hóa); Hải Hòa, Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn)... Cùng với đó là hệ thống hang, động, rừng, hồ dày đặc, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành, mát mẻ. Đây là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm... được các chuyên gia du lịch đánh giá có tiềm năng lớn để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm.
Với những “chất liệu” quý, cộng với nguồn lực nội sinh là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa phát triển du lịch “Hương sắc bốn mùa”. Đến nay, xuyên suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, du khách đều có thể trải nghiệm các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, văn hóa - lịch sử - tâm linh hay sinh thái cộng đồng. Ngoài ra, Thanh Hóa còn là một trong những tỉnh bắt kịp xu hướng phát triển, với một số sản phẩm du lịch mới đã được đưa vào khai thác, phục vụ du khách như: nông nghiệp, trải nghiệm, sự kiện, mạo hiểm, mua sắm... Nhờ đó, du lịch Thanh Hóa những năm gần đây luôn đứng trong tốp đầu của cả nước về thu hút lượng khách.
Xác định rõ thời cơ và thách thức khi du lịch bước vào giai đoạn phát triển mới, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng xây dựng và công bố bộ nhận diện thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” (ngày 11/3/2022). Đây chính là một lời khẳng định sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch; là lời mời chào, khích lệ du khách muôn phương đến trải nghiệm, khám phá du lịch Thanh Hóa bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu. Qua đó không chỉ góp phần nhận diện, nâng tầm thương hiệu du lịch, mà slogan “Hương sắc bốn mùa” còn là mục tiêu phát triển của du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn mới.
... đến những thay đổi nâng tầm điểm đến
Với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, cùng với nhiều dự án du lịch tầm cỡ đã, đang được triển khai, Thanh Hóa dần trở thành “điểm sáng” trên bản đồ du lịch quốc gia. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đến nay là 82 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 153 nghìn tỷ đồng. Trong đó có những dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao đã và đang được triển khai như: Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội (TP Sầm Sơn); Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (Như Thanh); Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (Quảng Xương); Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham (Quảng Xương); Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường và Dự án Flamingo Linh Trường Khu B (Hoằng Hóa)...
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, năm 2023, toàn tỉnh đã đón 12,485 triệu lượt khách, vượt 4% kế hoạch năm; tổng thu du lịch đạt 24,505 nghìn tỷ đồng. Năm 2024, ngành du lịch Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32,3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã ước đón gần 14,5 triệu lượt khách, đạt 104,7% kế hoạch; tổng doanh thu ước đạt gần 32 nghìn tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ, đạt 98,6% kế hoạch cả năm. Cho thấy, thương hiệu điểm đến tốt không chỉ tạo dựng được niềm tin đối với nhà đầu tư và du khách, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy du lịch tăng trưởng nhanh, bền vững.
Với tài nguyên du lịch đặc sắc, hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã, đang đầu tư, các chuyên gia du lịch cho rằng Thanh Hóa đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tiến xa hơn nữa, trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước. Tuy nhiên, phát triển du lịch trong tình hình mới, tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, có chất lượng và tính cạnh tranh cao. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác giá trị văn hóa trong phát triển du lịch nhằm định vị thương hiệu điểm đến một cách bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tiếp tục ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ, “làm mồi” thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn. Đối với công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, “nhắm thẳng” đến các thị trường mục tiêu. Trong đó, việc đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông, nền tảng số và một số kênh truyền thông quốc tế như CNN, BBC... đang từng bước được triển khai tích cực. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa và làm mới các sản phẩm du lịch hiện có, khai thác sản phẩm mới sẽ là hướng đi quan trọng nhằm góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời là giải pháp then chốt để định vị thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” trên bản đồ du lịch quốc gia.
Hoài Anh
Bài cuối: Sẵn sàng tâm thế “chạy nước rút”
{name} - {time}
-
2024-12-05 10:23:00
Thủ tướng yêu cầu phát triển sản phẩm y học cổ truyền phục vụ khách du lịch
-
2024-12-03 10:25:00
British Airways tiết lộ mẫu ghế hạng nhất mới xa hoa trên siêu máy bay A380
-
2024-10-14 14:33:00
Lễ hội Mường Đeng - Nơi hội tụ sắc màu văn hóa đồng bào Thái
Du lịch biển mùa đông có gì?
Xây dựng sản phẩm du lịch gia tăng thời gian lưu trú của du khách
Tích cực chuyển đổi số trong hoạt động du lịch
Chuyển đổi số: Chìa khóa phát triển du lịch bền vững tại Thành nhà Hồ
4 Gợi ý cho hành trình du lịch Mỹ hoàn hảo cùng Pan American Travel
Thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa các tỉnh Bắc Trung bộ với Lào Cai
Đoàn famtrip Hội Du lịch Lữ hành TP Thanh Hóa khảo sát du lịch tại Sa Pa
Phát triển du lịch từ di tích lịch sử cách mạng
Đón đầu mùa du lịch MICE