Nỗ lực cán đích các mục tiêu năm 2024 (Bài 2): Nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu vượt chỉ tiêu thu ngân sách ở mức cao
Chỉ trong 9 tháng năm nay, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt tới con số 42.695 tỷ đồng, bằng 120% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Thanh Hóa hiện đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và lọt “top” 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Không chỉ phản ánh đà tăng trưởng tích cực trên các lĩnh vực kinh tế của tỉnh, đây còn là sự khẳng định những biện pháp hiệu quả của ngành chức năng trong công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước.
Những con tàu cung cấp dầu thô cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Triển vọng quay trở lại “Câu lạc bộ 50.000 tỷ”
Sau khi bảo dưỡng lần 1 thành công, từ cuối năm 2023 đến nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn luôn vận hành vượt từ 15 - 20% công suất thiết kế. Cũng trong năm 2024 này, nhà máy từng đón những chuyến tàu VLCC (tàu chở dầu thô rất lớn) cung cấp dầu cho nhà máy. Những chuyến tàu này đã đóng góp tới 13.761 tỷ đồng cho ngân sách, chiếm 83,4% tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh. Đây cũng là động lực chính khiến thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu hiện đã vượt 21,8% dự toán và tăng 43,1% so với cùng kỳ.
Cùng với số thu từ thuế giá trị gia tăng nhập khẩu dầu thô, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, các hoạt động phụ trợ cho Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng dự kiến mang lại nguồn thu khoảng 5.000 tỷ đồng từ thuế các dịch vụ cung ứng đầu vào cho nhà máy.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN), không chỉ từ “hạt nhân” nhà máy lọc hóa dầu, bước sang năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong KKTNS&CKCN vẫn cơ bản ổn định. Các DN đã tạo ra khối lượng hàng hóa với giá trị hơn 200.251 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; mang lại nguồn thu ngân sách lên tới 21.151 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ. Ngoài Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, có thể kể đến các DN tên tuổi mang lại nguồn thu ngân sách lớn trong năm nay, như: Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2; Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn; Công ty Xi măng Nghi Sơn...
Ngoài số thu tăng trưởng từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu nội địa cũng có bước tăng trưởng rất tích cực, với 14/17 lĩnh vực có số thu đạt khá cao so với dự toán và 13/14 lĩnh vực tăng thu so với cùng kỳ.
Theo đó, với số thu nội địa đạt 26.194 tỷ đồng, nguồn thu này hiện đã vượt 119% dự toán và tăng 45,7% so với cùng kỳ. Một số khoản thu có tỷ trọng lớn đạt cao so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ như: Thu tiền sử dụng đất đạt 10.447 tỷ đồng, tăng 37,5% so với dự toán và tăng 105,9%; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.311 tỷ đồng, vượt 131% dự toán và tăng 18,1%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 2.725 tỷ đồng, bằng 100,9% dự toán và tăng 16,6%; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 1.457 tỷ đồng, bằng 100,9% dự toán và tăng 32,4%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước, mặt biển ước đạt 1.235 tỷ đồng, vượt 174,4% dự toán và gấp 5,02 lần so với cùng kỳ...
Nếu tiếp tục giữ được “phong độ” thu ngân sách như hiện nay trong những tháng còn lại của năm 2024, Thanh Hóa sẽ quay lại "Câu lạc bộ 50.000 tỷ đồng", tạo thêm mốc lịch sử thu ngân sách cao nhất kể từ trước tới nay.
Nuôi dưỡng những nguồn thu tiềm năng, lâu dài
Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đánh giá kết quả 9 tháng, đề ra nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024, đại diện các sở, ngành cho rằng, tuy là một thành quả rất tự hào, nhưng nguồn thu ngân sách của tỉnh vẫn phụ thuộc nhiều vào 2 nguồn thu chính từ thuế giá trị gia tăng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và thu tiền sử dụng đất. Trong khi đó, các dư địa này đã và đang được khai thác ở mức tối đa; do đó việc nuôi dưỡng những nguồn thu đa dạng khác cần được đặt ra và trăn trở về lâu dài.
Thanh Hóa đang quyết liệt chỉ đạo, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án, tạo nguồn thu ngân sách bền vững trong tương lai. (Trong ảnh: Thi công xây dựng Nhà máy cơ khí chế tạo công nghệ cao Nghi Sơn).
Theo đại diện Cục Thuế, để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu, những tháng cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý và khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách theo đúng Luật Quản lý thuế và nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2024; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp nợ đọng, chây ỳ, trốn nộp thuế; cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
Cùng với đó, đơn vị thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN, nhất là các DN trọng điểm, đóng góp lớn cho ngân sách như dầu khí, thuốc lá, bia, xi măng, nhiệt điện... để có các phương án tham mưu, chỉ đạo thu ngân sách kịp thời; thường xuyên rà soát, phân tích các nguồn thu mới phát sinh, tăng cường công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; kiểm tra, giám sát thường xuyên hồ sơ khai thuế của các DN khai thác tài nguyên, khoáng sản, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, các công trình xây dựng cơ bản vãng lai trên địa bàn tỉnh, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời, hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024.
Đặc biệt, theo danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024 được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, toàn tỉnh có 892 dự án mặt bằng quy hoạch, với tổng diện tích đất đấu giá 804,19ha; số tiền sử dụng đất dự kiến thu được khoảng 22.897 tỷ đồng. Hiện nay, đa số các dự án đấu giá quyền sử dụng đất mới chỉ tổ chức đấu giá một phần diện tích trong mặt bằng quy hoạch, do đó, việc các địa phương nhanh chóng triển khai tổ chức đấu giá sẽ tiếp tục tăng cao nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, Ban Quản lý KKTNS&CKCN tỉnh, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa cũng đang tích cực phối hợp kích cầu hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn - “gà đẻ trứng vàng” của ngân sách tỉnh Thanh Hóa. Từ cuối năm 2023, hãng tàu CMA-CGM đến từ nước Pháp đã trở lại và hoạt động đều đặn với tần suất 1 chuyến/tuần tại Cảng Quốc tế Nghi Sơn. Từ đầu năm 2024, Thanh Hóa cũng đã thu thêm Công ty CP Vận tải biển Hải An thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa container qua cảng. Cục Hải quan Thanh Hóa hiện đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa; đẩy mạnh thu hút các DN trong và ngoài tỉnh tham gia hoạt động xuất nhập khẩu đăng ký tờ khai tại đơn vị để tạo thêm nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Thanh Hóa đang nỗ lực thu hút thêm nhiều dự án mới có tầm cỡ, chất lượng cao tại KKTNS&CKCN, phát triển bất động sản công nghiệp; đồng thời đầu tư hạ tầng đồng bộ để tạo sức hút đầu tư; quyết liệt chỉ đạo triển khai, sớm đưa các nhà máy đã chấp thuận chủ trương đi vào vận hành sản xuất. Đây là định hướng lớn, mục tiêu lớn của tỉnh Thanh Hóa trong lộ trình tăng trưởng, cũng như “giữ” và duy trì vị thế vững chắc trong “Câu lạc bộ 50.000 tỷ” của cả nước.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
Bài 3: Giữ vững vai trò trụ đỡ nền kinh tế
{name} - {time}
-
2024-12-03 20:02:00
Còn 5 địa phương chưa giải ngân vốn trong nước và 4 Bộ chưa giải ngân vốn ODA
-
2024-12-03 18:21:00
Chủ động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng cấm qua cửa khẩu dịp tết
-
2024-10-13 11:55:00
Những câu nói của bà Mai Kiều Liên làm nên “chất” Vinamilk
Bản tin Tài chính ngày 13/10: Giá vàng trong tuần tới được dự báo như thế nào?
Nỗ lực cán đích các mục tiêu năm 2024 (Bài 1): Bức tranh kinh tế - xã hội nhiều điểm sáng
Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam
Phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản
Nâng cao chất lượng, hiệu quả trồng rừng gỗ lớn
Bá Thước nỗ lực thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025
Nhân rộng chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm vùng miền
Bản tin Tài chính ngày 12/10: Vàng tiếp đà tăng mạnh; Đồng USD ổn định
Giá điện tăng thêm 4,8% từ ngày 11/10