Những người mẹ đặc biệt
Sinh ra là những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi khi mồ côi cha, mẹ, không nơi nương tựa, thậm chí có nhiều em bị khuyết tật... thế nhưng bằng tình thương của mình, các mẹ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) luôn dành trọn tình yêu cho các con, mang đến cho các con mái ấm ngập tràn tình yêu thương.
Chị Hoàng Thị Quyên trò chuyện cùng các con.
Nơi trao yêu thương
Vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị sứt môi, hở hàm ếch, Nguyễn Quang Minh bị người thân bỏ rơi trước cổng của trung tâm. Không rõ người thân, không một mảnh giấy hay thông tin nào về quê quán, vì vậy, trung tâm đã làm thủ tục nuôi, đặt tên và làm giấy khai sinh cho con. Hiện, Minh là đứa trẻ nhỏ nhất ở trung tâm nhưng cậu bé rất lém lỉnh. Nhìn nụ cười hồn nhiên của con, chị Hoàng Thị Quyên, nhân viên phòng y tế - phục hồi chức năng và trẻ mồ côi, chia sẻ: “Vì sứt môi, hở hàm ếch nên việc ăn uống của con trước đây gặp nhiều khó khăn. Nghĩ đến hoàn cảnh, rồi khiếm khuyết của con, ai cũng thương. Tuy nhiên, được sự can thiệp của bác sĩ, tổ chức từ thiện, con đã có nụ cười đẹp rồi”.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Quyên cho biết, trong số các con được nuôi dưỡng tại trung tâm, có những con khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, cũng có nhiều con ốm yếu, xanh xao, thường xuyên bị ốm. Thậm chí có những con bị bại não, sứt môi, hở hàm ếch, căn bệnh hiểm nghèo... Chính vì vậy, đòi hỏi người trực tiếp chăm sóc phải có kiến thức, kinh nghiệm và cả sự nhẫn nại, kiên trì, đặc biệt là tình yêu thương với con trẻ. Bản thân đều là những người đã làm mẹ nên chị Quyên cũng như các nữ nhân viên trong phòng rất hiểu vai trò của người mẹ đối với các con; thấu hiểu sự bất hạnh của các con khi không có cha, mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng để có sự sẻ chia, luôn động viên, khích lệ các con vươn lên trong cuộc sống.
“Có nhiều trẻ tôi chăm sóc từ khi các con mới lọt lòng, nhiều đêm phải thức pha sữa cho con, thậm chí thức trắng đêm mỗi khi con bị ốm đau. Tình cảm mẹ con cứ lớn dần theo năm tháng, khi nhỏ các con luôn sà vào lòng, ôm hôn gọi mẹ; lớn lên đi học kể chuyện trường, chuyện lớp, mẹ con gắn bó như thế làm sao không mến, không thương được”, chị Quyên bộc bạch.
Mái ấm gia đình
Cùng với những đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường tại trung tâm, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy khuôn mặt ngây thơ, ngơ ngác của cháu Nguyễn Văn Hiếu và cháu Lê Văn Anh đang nằm trên giường. Vừa chăm sóc hai cháu, chị Nguyễn Thị Huệ, nhân viên phòng y tế - phục hồi chức năng và trẻ mồ côi, chia sẻ: “Cả hai con đều bị bại não, năm 2015 Hiếu bị bỏ rơi ở trước cổng trung tâm và không có bất cứ thông tin gì, vì vậy, trung tâm đã làm thủ tục nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và đặt tên cho con. Còn trường hợp cháu Nguyễn Văn Hiếu, quê Đông Sơn, được trung tâm tiếp nhận vào năm 2016. Thấy hoàn cảnh của các con, không cha, không mẹ, lại nằm một chỗ nên mỗi cán bộ, nhân viên nơi đây luôn dành nhiều sự quan tâm cho các cháu”.
Cùng chung suy nghĩ với chị Huệ, chị Quyên cho rằng, chăm sóc những đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật càng khó khăn hơn gấp bội phần. Nhớ lại câu chuyện năm 2011, chị Quyên, chị Huệ khi đó các con đang còn nhỏ, nhưng với sự giúp đỡ của gia đình, các chị cùng với các nhân viên trong khoa trực tiếp thay phiên nhau chăm sóc cháu Phạm Thị Hoàng tại nhiều bệnh viện trong tỉnh và Trung ương do bị viêm phổi, suy hô hấp nặng. “3 năm tận tình chăm sóc con, tuy nhiên do bị não úng thủy, sức khỏe kém nên con đã mất. Mặc dù không phải máu mủ ruột thịt nhưng sự ra đi của con, các mẹ ai cũng xót xa”, chị Quyên nghẹn ngào.
Mỗi em một hoàn cảnh đáng thương khác nhau, vì vậy, nếu như không có sự đồng cảm, thấu hiểu, tình yêu thương thì các mẹ khó có thể gắn bó được dài lâu như chị Quyên hơn 20 năm, chị Huệ 19 năm và các nữ nhân viên trong khoa cũng có hơn 10 năm gắn với những trẻ em thiếu may mắn này. Chính sự gần gũi, thấu hiểu của cán bộ, nhân viên trung tâm nói chung và các mẹ ở phòng y tế - phục hồi chức năng và trẻ mồ côi nói riêng đã giúp cho các em vượt qua mặc cảm, tự ti. Đôi mắt của các mẹ ánh lên niềm hạnh phúc khi kể về hoàn cảnh của mỗi con luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Từ ngôi nhà này, với sự cố gắng của bản thân, có nhiều con đã đến tuổi trưởng thành có cuộc sống tươi đẹp hơn và giờ đây vẫn thường xuyên điện thoại, hỏi thăm đến các mẹ.
"Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng chăm sóc 149 đối tượng, trong đó có 16 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gồm trẻ mồ côi, khuyết tật, con phạm nhân, trẻ bị HIV, còn lại là người già, cô đơn không nơi nương tựa, khuyết tật. Trong số 16 em có 10 em đang theo học tại các trường mầm non đến THCS tại phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn)... Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong công tác, nuôi dưỡng, cơ sở vật chất, nhưng với tinh thần trách nhiệm, cán bộ, nhân viên trung tâm, đặc biệt là những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu bằng chính cái tâm của mình luôn nỗ lực, xây dựng mái nhà chung ấm áp tình yêu thương" - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 2 Tào Đức Toàn chia sẻ.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
{name} - {time}
-
2025-01-10 14:51:00
Chủ tịch công đoàn cơ sở năng động, hết lòng chăm lo cho người lao động
-
2025-01-09 10:16:00
Xứng đáng với sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền địa phương
-
2024-10-18 12:18:00
Cán bộ hội phụ nữ tâm huyết, trách nhiệm
Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Sơn - Tấm gương sáng về y đức
Cầu thủ Nguyễn Tiến Linh được vinh danh “Thanh niên sống đẹp” năm 2024
Chi hội trưởng phụ nữ nhiệt huyết, trách nhiệm
Lan tỏa phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”
Cô giáo “truyền lửa” đam mê học môn Lịch sử cho học sinh
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận tận tâm với công việc của dân
Thanh niên trồng nấm làm giàu cho quê hương
Phát huy vai trò của bí thư chi bộ thôn, khu phố
Hành trình “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” của chàng trai phố biển