Những điển hình phục hóa vùng đồi
Vốn là một phần của thị xã Bỉm Sơn (cũ), phường Quang Trung mới có nhiều đồi núi trập trùng giáp tỉnh Ninh Bình, một số vùng còn khá hẻo lánh. Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã nhận khoán, đứng ra cải tạo nhiều vùng đồi hoang hóa thành những mô hình kinh tế hiệu quả cao.
Vườn chè trên diện tích đất đồi được khai hoang phục hóa của ông Trịnh Văn Lợi, phường Quang Trung.
Phía sau căn nhà cấp bốn khang trang của ông Trịnh Văn Lợi là một khu đồi dốc thoai thoải đã phủ kín màu xanh cây lá. 1,1ha đất đồi ở khu phố 8 thuộc phường Bắc Sơn (cũ) này được ông phát triển thành mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập quanh năm. Dưới những tán bưởi trồng rất thưa để không bị che ánh sáng là những hàng chè thẳng tắp theo những đường đồng mức của triền đồi. Ở những khoảng đất xa nhà, ông dành diện tích trồng thêm các loại cây ăn quả như nhãn, thanh long.
Được biết, ông Lợi quê gốc ở xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương (cũ). Sau nhiều năm công tác tại Bỉm Sơn, ông lập gia đình và ở lại định cư nên phường Quang Trung trở thành quê hương thứ 2 của ông. “Khu đất trước đây là vùng đồi hoang, từ năm 1998 tôi mới thầu lại để cải tạo. Nhiều năm phá bỏ cây bụi, gai góc mọc đầy với rất nhiều mồ hôi công sức. Xong rồi phải từng bước cải tạo đất, khai hoang phục hóa đến đâu thì trồng cây ăn quả đến đó. Những năm đầu, tôi trồng thanh long và nhãn, nhưng thấy hiệu quả chưa cao, nên chuyển dần sang bưởi. Diện tích lớn nhất được thử nghiệm trồng chè, sau khi thành công thì phát triển đại trà”, ông Lợi cho hay.
Cũng theo ông Lợi, có lẽ ông là người đầu tiên trồng chè diện tích lớn theo hướng thâm canh tại vùng đất Quang Trung này. Hiện đồi chè cả chục năm tuổi của ông vẫn phát triển xanh tốt, khẳng định sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Ngoài hái chè búp, ông còn được thương lái hàng ngày đến thu mua lá chè xanh để cung ứng cho các chợ ở thị xã Bỉm Sơn (cũ) và tỉnh Ninh Bình.
Ở khoảng đất gần 1.000m2 trước nhà giáp con đường lớn, ông phát triển vườn sinh vật cảnh. Nhiều cây cảnh được chính tay ông uốn tỉa, tạo thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Toàn bộ khu đồi đã thành vùng trồng trọt trù phú. 2 cây trồng cho thu nhập nhiều nhất là thanh long khoảng 40 triệu đồng và chè khoảng 50 triệu đồng mỗi năm. Tổng lợi nhuận của khu vườn đạt hơn 100 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm ổn định cho 2 lao động gia đình và một số lao động thuê hái chè theo ngày.
Cùng trên địa bàn phường, những quả đồi và dãy núi liên tiếp uốn lượn tạo thành nhiều thung lũng giáp phía tỉnh Ninh Bình. Đến nay, nhiều diện tích vẫn để hoang hóa với lau lách, cây dại um tùm. Tuy nhiên, hiện một mô hình trồng cam, bưởi hàng hóa theo hướng áp dụng công nghệ cao đã hình thành từ nhiều năm nay. Chủ mô hình là bà Lê Thị Sanh, 73 tuổi, từng là công nhân nghỉ hưu ra đấu thầu khu đất hoang hóa vùng đồi để cải tạo. “Năm 2009, gia đình tôi đấu thầu khu đất đồi xa và hẻo lánh này, lúc ấy còn chưa có đường, chưa có điện. Những năm đầu, cải tạo đến đâu, được gia đình trồng dứa và mía đến đó. Lấy ngắn nuôi dài, diện tích phục hóa được tăng dần, rồi từ năm 2015, tôi dần thay thế bằng vườn cây ăn quả”.
Hiện nay, khu trại cam và bưởi của bà Sanh đã được phát triển lên gần 10ha trên đất dốc và 6ha chuyên trồng dứa phía bằng phẳng chân đồi. Từ khi có điện, gia đình bà đã ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Những triền đồi bao la và dốc, nhưng hệ thống máy bơm công suất lớn đã đưa nước và các dưỡng chất hòa tan đến từng gốc cây. Hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa có giá trị hàng tỷ đồng đã hoàn thiện từ nhiều năm trước. Vào mùa thu hoạch, mỗi tuần có nhiều xe tải từ tỉnh Ninh Bình và các thương lái phía Bắc đưa xe tải vào tận trang trại lấy cam. Những trái bưởi da xanh, bưởi ruột hồng trồng trên đất đồi màu mỡ, lại đầy đủ phân hữu cơ nên chất lượng không kém trồng ở các tỉnh phía Nam, lại đỡ chi phí vận chuyển nên càng có nhiều khách hàng.
Theo hạch toán của bà Sanh, những năm gần đây, cây cam đem về thu nhập khoảng 800 triệu đồng, nhãn chín muộn khoảng 100 triệu đồng, các loại bưởi hơn 100 triệu đồng và khoảng 500 triệu đồng từ đồi dứa. Ngoài ra, phía những ngọn đồi xa chưa được cải tạo, chính là nơi để gia đình thả những đàn dê quy mô lớn, những đàn gà theo hình thức bán hoang dã, cũng cho thêm thu nhập đáng kể. Một vùng sản xuất có tính liên hoàn hơn 15ha được thiết lập, đã giải quyết việc làm cho cả chục lao động địa phương.
Tại phường Quang Trung hiện có hơn 30 trang trại, gia trại thuộc khu vực Thung Cớn đang phát triển sản xuất hiệu quả. Đa phần những mô hình kinh tế tổng hợp này đều được cải tạo từ đất đồi hoang hóa, đất rừng sản xuất từ hơn chục năm trước. Nhiều chủ đồi rừng năng động đã đưa các giống cây, giống vật nuôi mới vào nuôi, trồng, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học vào các khâu sản xuất, cho lợi nhuận hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Những triền đồi hoang, những khu đất hẻo lánh đang dần trở thành vùng kinh tế xanh nơi phía Đông Bắc của tỉnh.
Bài và ảnh: Linh Trường
{name} - {time}
-
2025-07-23 20:58:00
Nhiều khó khăn trong quản lý mã số vùng trồng
-
2025-07-23 17:34:00
Sau bão số 3, hàng nghìn con gà bị nước lũ nhấn chìm, người chăn nuôi thiệt hại nặng
-
2025-07-23 15:00:00
Bản tin Tài chính – Thị trường 23/7/2025