Những cây cầu mở hướng tới tương lai...
Trên hành trình trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc, tỉnh Thanh Hóa đã và đang huy động các nguồn lực xây thêm những con đường, cây cầu mở hướng tới tương lai...
Nhà thầu gấp rút thi công xây dựng cầu Xuân Quang. Ảnh: Hương Thảo
Đã bao đời, con sông mẹ - Mã giang là ranh giới tự nhiên giữa xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa) ở hữu ngạn với khu vực phía Đông của huyện Hoằng Hóa (thuộc các xã Hoằng Xuân, Hoằng Khánh trước đây, sau khi sáp nhập là xã Hoằng Xuân). Người dân vẫn nôm na diễn giải bên này sông, bên kia sông là vậy. Từ phía Đông huyện Hoằng Hóa muốn “sang” đất Thiệu Quang thì cả người và phương tiện đều phải chòng chành đi qua chiếc cầu phao hoặc theo đường đi xã Thiệu Thịnh rồi vòng xuống Thiệu Quang.
Trong hình dung của nhiều người, Thiệu Quang giống như một ốc đảo giữa vùng mênh mang sông nước, bước về phía nào cũng thấy cần một cây cầu bắc nhịp. Là xã cuối cùng của huyện Thiệu Hóa, cách thị trấn khoảng 11km, cách TP Thanh Hóa khoảng 18km, chẳng quá xa các trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của huyện, tỉnh nhưng Thiệu Quang vẫn chưa thể phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa kết nối để gia tăng chuỗi giá trị, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư...
Vì lẽ đó nên khi tỉnh Thanh Hóa đầu tư xây dựng cầu Xuân Quang nối đôi bờ sông Mã, chính quyền và người dân nơi đây ai cũng mừng vui, ngóng đợi. Anh Trần Quang Ba (thôn Chí Cường 1, xã Thiệu Quang), Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thiệu Quang, cho biết: “Do vị trí địa lý xã Thiệu Quang có phần đặc biệt đã tạo nên những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Khi cầu Xuân Quang đi vào sử dụng, bắt vào cao tốc ở ngay nút giao Thiệu Giang sẽ mở ra cơ hội lớn không chỉ cho Thiệu Quang mà cả các xã lân cận. Chỉ tính riêng việc đi lại, nếu trước đây người dân Thiệu Quang muốn di chuyển ra Hà Nội phải vòng qua nhiều nơi, mất hơn 3 tiếng thì nay dự kiến thời gian rút ngắn xuống còn khoảng 2 tiếng. Giao thông thuận lợi thì dễ dàng thông thương, các ngành nghề có điều kiện phát triển, mức sống của người dân được nâng cao”.
Cầu Xuân Quang vượt sông Mã là hạng mục thuộc Dự án đường nối QL1A với QL45 từ xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa. Dự án này được chia làm ba tiểu dự án. Tiểu dự án 1 thi công cầu Xuân Quang vượt sông Mã và đường hai đầu cầu từ Km 5+250-Km 7+250 có tổng mức đầu tư 655 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách tỉnh Thanh Hóa), do Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Cầu có chiều dài 1.042m, 25 nhịp; điểm đầu tại Km5+250 đường đầu cầu sông Mã, thuộc địa phận xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa); điểm cuối Km7+250 tại nút giao quy hoạch, thuộc địa phận xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa).
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm kết nối giao thông giữa Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45 với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tạo tiền đề hình thành các khu công nghiệp hiện đại trong khu vực, đồng thời rút ngắn thời gian lưu thông giữa các huyện phía Tây của tỉnh qua các huyện Thiệu Hóa, Yên Định với Quốc lộ 1A. Bên cạnh đó, giảm áp lực giao thông qua Quốc lộ 45, Quốc lộ 217 về Quốc lộ 1A; kết nối các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc với đường cao tốc Bắc - Nam. Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng lưới giao thông theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và sớm hình thành các khu công nghiệp trong vùng.
Cầu Xuân Quang được thi công trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức như: điều kiện thời tiết năm nay mưa sớm, mưa nhiều, mực nước sông dâng cao; vật liệu xây dựng khan hiếm, giá vật liệu tăng cao... Nhưng với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, sự sát sao, đôn đốc của chủ đầu tư, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, trách nhiệm cao của nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào sử dụng. Ông Trần Khắc Hùng, tư vấn giám sát trưởng (Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải), hào hứng cho biết: “Nhà thầu đã tập trung triển khai đồng loạt nhiều mũi thi công, tổ chức làm ca đêm với khoảng hơn 80 công nhân (chưa tính lái máy và bộ phận gián tiếp). Điển hình như Công ty CP Xây dựng cầu Thanh Hóa đã ưu tiên huy động nhân lực, phương tiện, khắc phục khó khăn, tranh thủ thời điểm thuận lợi gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công. Đơn vị đã cơ bản hoàn thành thi công khối lượng công việc được giao. Nhìn chung, các nhà thầu đã thi công đạt hơn 80% tổng khối lượng dự án. Các đơn vị phấn đấu hợp long cầu Xuân Quang vào cuối tháng 8, thông xe kỹ thuật trong tháng 10/2024. Chúng tôi tự tin cam kết với lãnh đạo tỉnh rút ngắn thời gian hoàn thành dự án trước 3 tháng so với kế hoạch”.
Cầu Lạch Trường - cây cầu vượt cạn dài nhất Thanh Hóa. Ảnh: Hương Thảo
Lạch Trường không chỉ là tên gọi của vùng đất, vùng cửa biển hay sự kiện lịch sử hào hùng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Giờ đây, Lạch Trường còn là tên gọi của cây cầu vượt cạn và sông dài nhất tỉnh Thanh. Cầu Lạch Trường là một trong những hạng mục thuộc gói thầu xây lắp số 6 - Dự án xây dựng tuyến đường ven biển Nga Sơn - Hoằng Hóa với tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng; chiều dài 1.321m với 30 nhịp, bắc qua sông Lạch Trường tại Km18+390. Trên tuyến có 3 cây cầu lớn (cầu Lạch Sung, cầu Nam Khê, cầu Lạch Trường) và 1 cầu nhỏ (cầu Mỹ Liên). Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện tuyến đường ven biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, kết nối toàn tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, trở thành trục giao thông huyết mạch, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa và các tỉnh có tuyến đường đi qua.
Hiểu được mục đích, ý nghĩa cũng như tác động kinh tế - xã hội của dự án nên người dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng đều đồng thuận, nhất trí cao trong suốt quá trình triển khai dự án. Ông Phạm Văn Lực, phó trưởng Phòng Điều hành Dự án 3, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, chia sẻ: “Cầu Lạch Trường đi qua khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân. Sau quá trình làm việc giữa các bên liên quan, các hộ dân đồng ý thu hoạch sớm thủy hải sản, có hộ sẵn sàng tát cạn cả ao ngoài phạm vi giải phóng để tạo điều kiện thuận lợi nhất bàn giao mặt bằng thi công cầu”.
Xứ Thanh - mảnh đất nằm ở vị trí trung chuyển của những con đường; cửa ngõ kết nối giao thông đến vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ và các tỉnh khu vực Bắc Lào. Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tỉnh Thanh Hóa xác định phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm là tăng cường kết nối các khu kinh tế động lực của tỉnh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy liên kết vùng, mở ra không gian phát triển mới. Trong đó, việc xây dựng những cây cầu là giải pháp hiệu quả, không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông mà còn tạo nên các điểm nhấn kiến trúc, hàm chứa giá trị lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội riêng biệt.
Chuyện về những cây cầu trên mảnh đất xứ Thanh, kể sao cho đặng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2020-2024, Thanh Hóa có 55 cây cầu đã và đang được triển khai xây dựng. Mỗi cây cầu đều hàm chứa câu chuyện riêng, sứ mệnh riêng. Để phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các cây cầu đã và đang xây dựng, đồng thời phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát chất lượng công trình và quản lý khai thác sử dụng sau đầu tư. Thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng, bảo trì các công trình cầu để phát huy công năng sử dụng, duy trì độ bền vững và đảm bảo kiến trúc cảnh quan môi trường. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch giao thông theo hướng đồng bộ, đảm bảo liên kết trong nội bộ vùng, với các vùng trong và ngoài tỉnh. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, kết hợp với nguồn vốn của tỉnh để đầu tư các công trình giao thông nói chung, cầu nói riêng theo hướng tập trung, có trọng điểm. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư các công trình quan trọng nhằm tạo đột phá, có sức lan tỏa. Rà soát các cây cầu được xây dựng đã lâu không đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân và không đảm bảo an toàn trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ. Đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng những cây cầu mới, tạo điểm nhấn trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội, lịch sử - văn hóa của xứ Thanh.
Thùy Dương - Hương Thảo
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2024-07-19 12:30:00
Thúc đẩy ứng dụng KHCN, chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong phát triển các sản phẩm OCOP
VNPT Thanh Hóa: 18 năm đồng hành tiếp lửa đam mê tri thức cho học sinh tỉnh Thanh
Bản tin Tài chính (19/7): Giá vàng tăng sốc, đồng USD trở lại mốc 104
Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch không gian biển Quốc gia
Xứ Thanh - Nơi hội tụ sản phẩm tinh hoa (Bài 1): “Quả ngọt” từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp sản xuất giầy tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh
Sau 2 lần đi xuống, giá mặt hàng xăng RON95-III về sát 23.000 đồng mỗi lít
Nuôi cá lồng tự phát: vừa nuôi vừa lo!
Ký kết chương trình phối hợp giữa Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hóa và Hiệp hội Doanh nhân nữ Hà Tĩnh
Hậu Lộc phát triển kinh tế thủy sản hiệu quả, bền vững