(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua thông tin về việc sẽ yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người dùng.

Nhiều người dùng đồng tình với yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội

Thời gian qua thông tin về việc sẽ yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người dùng.

Nhiều người dùng đồng tình với yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hộiNhiều người dùng đồng tình với yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, ngày 01-3-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng sẽ ban hành trong năm 2023, theo đó sẽ được áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok... Đáng chú ý, dự thảo có nêu quy định mạng xã hội (cả nội địa và nước ngoài) phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Dữ liệu cần khai báo cho yêu cầu này gồm tên thật và số điện thoại. Dự kiến các mạng xã hội hoạt động ở Việt Nam chỉ cho người dùng đã định danh được viết bài đăng, bình luận, sử dụng tính năng livestream (phát trực tiếp)... Nếu không đáp ứng yêu cầu trên, người dùng chỉ được xem nội dung và tài khoản không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau. Cũng theo dự thảo, mạng xã hội chịu trách nhiệm định danh người dùng, phải quản lý nội dung livestream, gỡ bỏ ngay trong vòng 3 giờ khi có yêu cầu. Trường hợp các kênh và tài khoản có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát sinh doanh thu, người dùng cần đăng ký với Bộ TT&TT... Đây được xem là giải pháp để ngăn chặn phát tán, truyền bá thông tin xấu, độc, đồng thời ngăn chặn các đối tượng lợi dụng công nghệ để phạm tội trên không gian mạng.

Thực tế cho thấy, thời gian qua việc mạng xã hội, đặc biệt là các mạng sử dụng nền tảng của nước ngoài như Facebook, TikTok, YouTube... đã và đang mang đến nhiều bất cập và hệ lụy cho người dùng. Trên Facebook người dùng có thể thoải mái đăng tải, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng dẫn đến “nhiễu thông tin”, thậm chí là phát tán thông tin xấu độc. Ngoài ra, người dùng cũng có thể lập hàng chục triệu tài khoản ảo với mục đích đi kích view, bình luận bậy, thậm chí là tạo nhóm kín để dẫn dắt, tạo hướng dư luận không tốt... Trên YouTube và đặc biệt là TikTok đang ngập ngụa “rác”, những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Nhiều bài đăng trên TikTok khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống, làm băng hoại giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục... Trước những hệ lụy và nguy hiểm khôn lường mà mạng xã hội mang lại, người dùng mạng xã hội phải tỉnh táo để nhận diện những thông tin xấu, đồng thời có trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm đối với những thông tin chia sẻ của mình trên mạng xã hội.

Tại Thanh Hóa, trong năm 2022, Công an TP Thanh Hóa đã phát hiện, xử lý 3 trường hợp sử dụng ứng dụng TikTok đăng tải thông tin bôi nhọ lực lượng chức năng, đăng thông tin sai lệch về tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn; đồng thời tiến hành bóc gỡ nhiều bài đăng có nội dung không đúng sự thật.

Thượng úy Lê Tất Thành, cán bộ Đội An ninh, Công an TP Thanh Hóa cho biết: Cần phải có biện pháp răn đe, chế tài xử phạt nặng đối với những người dùng TikTok sai phạm, gây hại cho cộng đồng, để họ hiểu rằng việc tạo ra những nội dung “bẩn” với lợi ích ngắn hạn sẽ phải trả giá rất đắt. Đồng thời, cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, cứng rắn từ phía cơ quan chức năng đối với hoạt động của ứng dụng TikTok. Trong đó yêu cầu TikTok phải đảm bảo không xâm phạm đến quyền riêng tư, có cơ chế bảo vệ thông tin dữ liệu người dùng, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ trẻ em trên ứng dụng này.

Chị Nguyễn Thu Thanh (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất định danh tài khoản mạng xã hội của người dùng. Theo tôi, ngoài những mạng xã hội quen thuộc như Facebook, Zalo... cơ quan chức năng cũng nên áp quy định định danh người dùng với tất cả các nền tảng mạng xã hội khác bởi khi có quy định và chế tài xử phạt rõ ràng sẽ khiến người dùng có ý thức và trách nhiệm đối với những bài đăng, thông tin chia sẻ của mình trên mạng xã hội”.

Cùng quan điểm, anh Trịnh Minh Hùng (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) chia sẻ: Việc định danh tài khoản mạng xã hội sẽ khiến cho người muốn dùng mạng buộc phải sử dụng danh tính thật của mình. Điều này sẽ khiến người dùng có trách nhiệm hơn với những đăng tải, bình luận thông tin, phát ngôn của mình. Ngoài ra, việc định danh người dùng cũng sẽ góp phần hạn chế được tình trạng lừa đảo, tấn công trên không gian mạng đang diễn ra tràn lan hiện nay. Nếu có sự việc lừa đảo xảy ra, cơ quan chức năng cũng sẽ căn cứ vào thông tin định danh để dễ dàng phát hiện, xử lý các vi phạm.

Việc định danh tài khoản mạng xã hội là rất cần thiết vì một môi trường mạng lành mạnh, văn minh, đồng thời giúp hệ thống luật pháp được áp dụng một cách thống nhất. Tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình thực hiện việc định danh bởi đòi hỏi phải cung cấp những thông tin cá nhân như số căn cước công dân, họ tên thật, số điện thoại chính chủ, dữ liệu quê quán, địa chỉ cư trú... Nếu không có biện pháp bảo mật chặt chẽ sẽ dẫn đến thông tin cá nhân người dùng có thể bị lộ lọt, lạm dụng hoặc giả mạo.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]