(Baothanhhoa.vn) - Sản xuất hữu cơ đang là hướng phát triển của nhiều địa phương nhằm xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Cùng chung xu thế đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang dần hình thành trên địa bàn tỉnh. Điều này giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ít gây tác động xấu cho môi trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nhân rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất hữu cơ đang là hướng phát triển của nhiều địa phương nhằm xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Cùng chung xu thế đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang dần hình thành trên địa bàn tỉnh. Điều này giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ít gây tác động xấu cho môi trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nhân rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơMô hình trồng rau theo hướng hữu cơ tại HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc, xã Phú Lộc (Hậu Lộc) cho hiệu quả kinh tế cao.

Nắm bắt được xu hướng và nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch của người tiêu dùng, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc, xã Phú Lộc (Hậu Lộc) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống nhà màng, giàn trồng, tưới tiêu tự động. Với diện tích 3,5ha đất trồng các loại rau màu như rau cải, xà lách, cần tây và ớt, HTX đã áp dụng tiêu chuẩn “5 không” (không phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích). HTX đã hướng dẫn nông dân tự ủ những mẻ phân hữu cơ để phục vụ cho việc canh tác rau màu. Trung bình khoảng 3 tháng các thành viên của HTX lại ủ phân hữu cơ cho đất đang canh tác. Điều này vừa giảm lượng chất thải của phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật gây tác động xấu cho môi trường, đồng thời cũng giúp các thành viên của HTX tiết kiệm chi phí vật tư nông nghiệp và tăng dần tỷ lệ phân hữu cơ tự sản xuất.

Giám đốc HTX Hoàng Văn Toàn cho biết: Phân hữu cơ tự sản xuất thường có điểm cộng là giá thành thấp, nguyên liệu dễ tìm và luôn sẵn có tại địa phương như các loại cỏ, phân bò hay chế phẩm trichoderma... giúp đất tơi xốp và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây và rau màu phát triển tốt. Nông sản được bón phân hữu cơ sẽ được cung ứng cho siêu thị và các cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh với mức giá bán cao hơn khoảng 15 - 20% so với canh tác truyền thống. Trung bình mỗi lứa rau và ớt, HTX thu hoạch 4 tấn sản phẩm/ha, đạt doanh thu 65 triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm được HTX ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Đức Cường (Hải Dương), Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) và Công ty TNHH Long Phương Nam (Hậu Lộc).

Từ hiệu quả liên kết cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật trong việc trồng và sản xuất những sản phẩm theo hướng hữu cơ đã giúp giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác của xã Phú Lộc đến thời điểm này đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Bùi Hải Hưng cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu về cách thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ cũng như tác dụng của nó đối với môi trường và cây trồng. Qua đó giúp người dân thay đổi từ suy nghĩ tới cách làm, nhân rộng thêm nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ mang lại giá trị cao, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.

Thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ như mô hình bưởi hữu cơ Yên Định; mô hình cam hữu cơ Thạch Thành; mô hình lúa hữu cơ tại các huyện Yên Định, Nông Cống; mô hình lúa - cá tại huyện Hà Trung... Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy mô các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ, manh mún. Bởi để sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần đầu tư thời gian và chi phí gấp đôi so với các phương pháp truyền thống mà giá cả không cạnh tranh được với các sản phẩm sản xuất thông thường nên nhiều hộ nông dân vẫn còn đang băn khoăn.

Nhằm từng bước phát triển và nhân rộng thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã và đang xây dựng các kế hoạch phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ để phù hợp với tình hình của từng địa phương. Đồng thời hướng dẫn người dân, HTX, các doanh nghiệp sản xuất hiểu về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, Thanh Hóa có gần 200ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, từng bước làm thay đổi phương thức sản xuất và cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]