Nhân rộng mô hình con nuôi đặc sản
Những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường trong việc tìm kiếm, tiêu thụ các sản phẩm từ vật nuôi, con đặc sản, nhiều hộ dân huyện Triệu Sơn đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa các mô hình con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Mô hình nuôi chồn hương của hộ gia đình anh Đào Phan Tuấn, ở xã Thọ Tân được nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ chăn nuôi chồn hương, năm 2021, anh Đào Phan Tuấn, ở xã Thọ Tân đã đầu tư xây dựng 2 khu chuồng, mua 100 con giống nuôi thử nghiệm. Anh Tuấn chia sẻ: "Chồn hương là động vật hoang dã nên việc thuần hóa khá khó khăn, tôi đã phải đi tham quan nhiều mô hình, tìm hiểu, học kỹ thuật chăm sóc qua sách, báo, các phương tiện thông tin. Có thất bại rồi mới thành công, nên tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, đó là phải giữ chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo và thoáng mát; xung quanh khu chuồng nuôi phải bao bằng lưới sắt kiên cố để chồn không chui ra ngoài".
Theo anh Tuấn, nuôi chồn hương cũng không quá phức tạp, bởi chỉ cần sử dụng thức ăn phổ biến như: chuối, đu đủ, bí đỏ... Chồn hương cái 1 năm sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 con. Do mật độ chăn nuôi thấp nên chồn hương cũng ít bệnh tật hơn so với vật nuôi thông thường. Không chỉ vậy, chồn hương còn được biết đến là món đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng. Có nguồn gốc tự nhiên, nhu cầu sử dụng lại cao nên đầu ra của chồn hương khá ổn định.
Từ 2 khu chuồng ban đầu, hiện gia đình anh Tuấn đã mở rộng quy mô lên 6 chuồng nuôi với hơn 500 con giống, với mức giá bán dao động từ 15 đến 40 triệu đồng/cặp con giống. Không chỉ cung cấp chồn thịt, con giống chất lượng cao, anh Tuấn còn hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho các trang trại trong và ngoài tỉnh.
Còn theo chia sẻ của ông Lê Trọng Lệ, xã Vân Sơn, gia đình ông chuyển sang chăn nuôi dúi từ năm 2010, với số lượng 100 con. Trải qua quá trình vừa nuôi, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đến nay, ông Lệ đã mở rộng tổng đàn lên hơn 800 con. Dúi con phát triển tốt, khoảng 7 - 8 tháng là có thể sinh sản. Mỗi năm đàn dúi sinh sản khoảng 3 - 4 lứa, mỗi con dúi mẹ sinh mỗi lứa từ 3 - 5 con. Mỗi con non từ khi sinh ra khoảng 1 - 2 tháng là có thể đem bán làm con giống. Dúi thương phẩm sau 5 - 6 tháng có thể đạt trọng lượng trên 1kg. Với giá dúi thương phẩm dao động khoảng 600 nghìn đến 800 nghìn đồng/kg; dúi giống có giá dao động từ 3 triệu đến 4 triệu đồng/cặp, mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng. Hiện, ngoài mở rộng trang trại, ông Lệ sẵn sàng hỗ trợ người dân địa phương về nguồn giống cũng như chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi để cùng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Theo đánh giá của các hộ chăn nuôi thì các con nuôi đặc sản có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với nhiều điều kiện sống. Việc phát triển nuôi con đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần những loại con nuôi khác. Tuy nhiên, nếu phát triển mô hình nuôi con đặc sản tự phát, không có liên kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm thì hiệu quả kinh tế không cao; thậm chí, thua lỗ. Vì vậy, cùng với việc phát triển quy mô đàn, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chú trọng liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.
Ông Lê Xuân Dương, Chủ tịch Hội làm vườn và trang trại huyện Triệu Sơn, cho biết: “Phát triển các mô hình con nuôi đặc sản đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân các địa phương. Bên cạnh các mô hình chăn nuôi tự phát, những năm gần đây, qua công tác tuyên truyền, giới thiệu, nhiều hộ dân đã chuyển đổi giống vật nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó có các con nuôi đặc sản, như: nuôi thỏ New Zealand tại xã Dân Lực, nuôi nhím ở xã Hợp Tiến, nuôi dúi ở xã Vân Sơn, nuôi ếch tại xã An Nông, nuôi lươn và dế tại xã Đồng Thắng, nuôi lươn không bùn tại xã Hợp Thắng, nuôi chim bồ câu tại xã Thọ Vực... Hiện, toàn huyện có 116 trang trại, gia trại đang hoạt động hiệu quả; trong đó, có 58 trang trại, gia trại nuôi ốc bươu đen; 32 trang trại, gia trại nuôi ếch giống, ếch thịt; 6 trang trại nuôi chim bồ câu; 9 cơ sở nuôi chồn hương; 8 cơ sở nuôi dúi và 32 cơ sở nuôi nhím...”.
Để nhân rộng mô hình, phát triển bền vững đối tượng con nuôi đặc sản, thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển con nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, huyện Triệu Sơn sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con trong việc tiếp cận nguồn vốn, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích người chăn nuôi chủ động liên kết với các đơn vị để được chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cung ứng con giống bảo đảm chất lượng để việc phát triển các mô hình con nuôi đặc sản trở thành hướng đi bền vững, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống kinh tế cho nhiều hộ gia đình trong huyện.
Bài và ảnh: Phan Nga
{name} - {time}
-
2025-02-25 11:00:00
Đề nghị công nhận huyện Thiệu Hóa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
-
2025-02-25 09:37:00
Chủ động phục vụ nước tưới và chống xâm nhập mặn cây trồng
-
2025-02-25 07:00:00
Bản tin Tài chính: Giảm chóng vánh, vàng lấy lại mức 92 triệu đồng/lượng
Cơ giới hóa trong chăn nuôi
Khơi dậy quỹ đất hoang ven thị trấn Tân Phong
Ngân hàng đầu tiên ra mắt tính năng “Thông báo số dư bằng giọng nói”
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc tăng cường thực hiện các giải pháp giảm lãi suất
Thúc đẩy việc thanh toán tiền điện qua trích nợ tự động
Xuất khẩu nông sản vào EU: Tăng cường tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm
Phòng, chống sâu bệnh hại cây trồng
Hà Trung thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
PC Thanh Hóa triển khai giải pháp cấp bách đảm bảo an toàn lao động