Nghiên cứu, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, các ngành liên quan đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Nhờ những chính sách hỗ trợ của tỉnh, đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của gia đình ông Đỗ Văn Hoan, xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy).
Trước đây, điều kiện kinh tế của gia đình ông Đỗ Văn Hoan, xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy) rất khó khăn. Năm 2017, khi xã Cẩm Tân có chủ trương tích tụ ruộng đất, gia đình ông Hoan quyết định thuê 5 ha đất của một số hộ dân trong thôn để làm trang trại tổng hợp. Thông qua Hội Nông dân tín chấp, ông Hoan đã vay vốn ngân hàng để xây chuồng trại nuôi lợn theo hình thức liên kết với quy mô 1.000 con/lứa. Đồng thời, xây khu chuồng trại nuôi hơn 20 con bò thịt. Quy trình chăn nuôi lợn, bò được thực hiện theo hướng an toàn sinh học. Qua học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình và tự tìm hiểu kiến thức trên mạng xã hội, thấy lượng chất thải từ chăn nuôi của trang trại khá lớn, có thể tận dụng để chế biến phân vi sinh. Vì vậy, ông Hoan đã xây bể bioga 200m3 xử lý chất thải làm thức ăn nuôi giun quế. Trung bình mỗi năm gia đình ông Hoan sản xuất được trên 100 tấn phân trùn quế...
Cùng với việc phát triển các mô hình chăn nuôi, sẵn lượng phân bón hữu cơ, trên diện tích đất còn lại, ông Hoan đã mua hơn 2.000 cây mít Thái, dừa xiêm, cam... về trồng. Một số diện tích còn lại ông trồng cỏ làm thức ăn nuôi bò. Các loại cây trồng của trang trại được bón bằng phân trùn quế phát triển nhanh, giúp cải tạo đất tốt, đặc biệt là giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá phân bón tăng cao như hiện nay. Nhờ sản xuất theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, trang trại của gia đình ông Hoan đã tạo ra các sản phẩm an toàn, được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất chuồng gần 2.000 con lợn thịt, 30 con bò, bán hơn 200 tấn phân trùn quế, 15 tấn hoa quả các loại, trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng.
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa - lý để tái chế các chất thải, phế phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Qua đó, không chỉ tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao mà còn giảm tối đa lượng chất thải, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ, phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Đến nay, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn được thực hiện, điển hình, như: Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp tiêu thụ sản phẩm, mô hình trông lúa - trồng nấm ăn - sản xuất phân hữu cơ; mô hình trồng cỏ kết hợp nuôi bò; mô hình kinh tế tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô/cây ăn quả- gia súc, gia cầm - cá; mô hình lúa - cá... Trong đó, hầu hết các mô hình đều phát triển theo hướng truyền thống kết hợp với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học, như Balasa Nol, EM, BioEM, TRICHODEMA..., nuôi ruồi lính đen hoặc giun quế để xử lý các chất thải thành thức ăn chăn nuôi và dinh dưỡng cho cây trồng... Việc tận dụng tốt các phụ phẩm nông nghiệp và chất thải nông thôn không chỉ có ý nghĩa giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn mà còn có ý nghĩa lớn trong việc cung cấp chất dinh dưỡng, chất hữu cơ bổ sung cho đất giúp cải tạo đất và nâng cao chất lượng nông sản. Do đó, việc thực hiện nghiên cứu đề xuất các giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và chất thải nông thôn có ý nghĩa thực tế cao trong bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Có thể thấy, trong điều kiện biến đổi khí hậu thì việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, đã và đang được nông dân trong tỉnh quan tâm thực hiện, ngày càng được mở rộng do hiệu quả cao trên tất cả các mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và lượng chất thải. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, là tỉnh có quy mô sản xuất nông nghiệp lớn cả về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp, vì vậy trong chu trình thực hiện hoạt động sản xuất sẽ phát sinh nhiều loại phụ phẩm, chất thải. Theo số liệu ước tính hàng năm trên địa bàn tỉnh phát sinh từ 15 - 20 triệu tấn phụ phẩm thực vật như: rơm rạ, thân cây, lá cây... sau khi thu hoạch cây trồng; 10 - 15 triệu tấn chất thải chăn nuôi và một lượng lớn rác thải hữu cơ trong chất thải rắn sinh hoạt của người dân nông thôn. Đây là những nguồn thải gây áp lực lớn cho môi trường nông nghiệp, nông thôn. Nguồn thải này nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là nguồn ô nhiễm nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước.
Tại Hội thảo khoa học Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2021-2025 tại Thanh Hóa (tháng 12/2023), PGS.TS. Cao Trường Sơn, Khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), cho biết: Nếu tận dụng tốt phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng đất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do đó, nông nghiệp tuần hoàn là xu hướng phát triển tối ưu và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và của cả nước nói chung... PGS.TS. Cao Trường Sơn cũng đề nghị, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Cần xây dựng chiến lược truyền thông về mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn nông nghiệp, chương trình khuyến nông. Tùy từng đối tượng, địa bàn có biện pháp khác nhau cho phù hợp: cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp hướng dẫn nông dân lựa chọn các mô hình tận dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cần đặc biệt chú trọng tới việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về nông nghiệp tuần hoàn như: Công nghệ, kỹ thuật tái chế, tái sử dụng chất thải; mô hình thí điểm về nông nghiệp tuần hoàn; công nghệ số và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp với các ngành nghề và lĩnh vực khác, phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa cacbon trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vào năm 2050, xây dựng một nền nông nghiệp cacbon thấp, thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh và xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.
Bài và ảnh: Trần Hằng
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2024-02-25 15:47:00
Quảng Xương phát huy hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công
Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa ra quân sản xuất , kinh doanh năm 2024
Người chăn nuôi chuẩn bị các điều kiện để tái đàn
Như Thanh bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hanh, lễ hội
Quy hoạch phát triển đô thị ở huyện Hoằng Hóa - những nền tảng vững chắc
Agribank Nam Thanh Hóa tổ chức Tết trồng cây 2024
Agribank Bắc Thanh Hóa phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện ích
Bản tin tài chính ngày 23/2/2024: Vàng tăng giá, còn nhiều động lực để tăng cao
Đưa dịch vụ điện lực chuyên nghiệp, chất lượng đến với khách hàng Thanh Hóa
Việt Nam - Một trong năm con rồng nhỏ châu Á đang chuẩn bị cất cánh