(Baothanhhoa.vn) - Từ những trải nghiệm cá nhân và quan sát thực tế những năm gần đây, tôi ngày càng cảm nhận rất rõ sự phát triển của văn hóa đọc ở nước ta nói chung, trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “đất học” xứ Thanh quê hương tôi nói riêng.

Nghĩ về văn hóa đọc...

Từ những trải nghiệm cá nhân và quan sát thực tế những năm gần đây, tôi ngày càng cảm nhận rất rõ sự phát triển của văn hóa đọc ở nước ta nói chung, trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “đất học” xứ Thanh quê hương tôi nói riêng.

Nghĩ về văn hóa đọc...Hội sách Alpha Books Thanh Hóa lần thứ V tại Vincom Plaza Thanh Hóa (TP Thanh Hóa) thu hút nhiều người tham dự.

Khi đề cập đến thực trạng văn hóa đọc, từ các cuộc trà dư tửu hậu cho đến các diễn đàn, hội thảo, nghiên cứu đều đặt ra trăn trở, băn khoăn: Việt Nam không có văn hóa đọc? Văn hóa đọc của Việt Nam đang bị mai một? Nhiều khi, đứng trước những nhận định ấy, tôi vẫn thường tự hỏi: Cái gốc của những so sánh, nhận định ấy là gì? Là sự kỳ vọng trong lòng các học giả, trí thức, những đơn vị xuất bản - phát hành, lực lượng đông đảo người viết hay từ thực tế xã hội?

Nếu dành những con số thống kê về số lượng cuốn sách, lượng thời gian người Việt dùng để đọc sách trong 1 tuần, 1 năm hẳn sẽ còn rất xa nữa mới đạt đến kỳ vọng, mục tiêu xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ thực tế xã hội, con số ấy chưa hẳn đã là điều gì quá tệ. Bởi lẽ, xét trên nhiều phương diện, kinh tế, thu nhập bình quân của người Việt chưa cao. Họ còn phải quay cuồng với nhiều mối lo cơm áo gạo tiền, thời gian bị phân tán cho hằng hà sa số việc... Nhiều khi thời gian để được quây quần ăn một bữa cơm bên gia đình, ngủ một giấc thật “đã đời” cũng còn là điều khó thì thời gian nào dành cho việc đọc sách? Nhiều gia đình chi tiêu còn phải dựa vào một bảng kê những gì thiết yếu, thậm chí không đủ điều kiện để chi tiêu cho những điều thiết yếu nhất trong cuộc sống của mình thì làm sao “dám” mơ ước đến việc mua sách? Chính tôi cũng đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự như thế.

Từ ngày nhỏ, tôi đã dành tình cảm đặc biệt cho việc đọc sách. Nghĩa là tôi sẵn sàng tìm kiếm bất kỳ cơ hội nào để được đọc sách, từ các sách truyện, văn học đến các ấn phẩm hoa học trò, mực tím, áo trắng, văn học và tuổi trẻ, trà sữa tâm hồn... Nhưng ngặt nỗi, điều kiện gia đình lúc bấy giờ không cho phép tôi thỏa thê với niềm yêu thích ấy. Quãng độ học THCS, nhiều gia đình trong lớp tôi có điều kiện, các bạn được bố mẹ đặt mua Toán tuổi thơ, Văn học và Tuổi trẻ, trà sữa tâm hồn... định kỳ theo tháng.

Ngày nào tôi cũng đon đả hỏi các bạn đọc xong chưa để mượn đọc. Nhưng trẻ con mà, ngẫu hứng lắm. Có khi các bạn cho mình mượn nhiệt tình; có khi hờn dỗi thế nào mà “quay xe”, quyết cho người khác mượn chứ ko cho mình mượn. Có lúc về nhà phụng phịu với mẹ, đòi mẹ đặt báo cho đọc. Nhiều khi mẹ nhẹ nhàng giải thích: “Nhà mình đang còn khó khăn, đợi khi nào ổn hơn thì mẹ đặt mua cho”. Cũng có khi đòi hỏi nhiều quá, mẹ cáu: “Lấy tiền ăn, tiền học đi mua sách, báo nhé”. Vậy là con bé im bặt. Cứ xoay vần đủ cách để được đọc sách: gom góp tiền đi thuê, mượn bạn đọc ké, đi xin... Nói chung, quãng đời học trò cũng nhiều lần tủi thân, khóc sướt mướt vì tình yêu dành cho sách. Nhiều khi hỗn hào, nông cạn mà cãi lại: “Mẹ kiệt xỉ thế!”.

Từ những trải nghiệm cá nhân và quan sát thực tế những năm gần đây, tôi ngày càng cảm nhận rất rõ sự phát triển của văn hóa đọc, gần gũi nhất là ở vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “đất học” xứ Thanh quê hương tôi. Với tôi, trước áp lực công việc, cơm áo gạo tiền, bệnh tật, lạm phát như hiện nay, chỉ cần có thêm một người đọc sách đã là niềm vui, tín hiệu tích cực cho văn hóa đọc rồi. Và điều đó làm tôi thấy vui sướng lắm. Chẳng nói đâu xa, chỉ cần nhìn vào những hội sách, những hoạt động sôi nổi, thiết thực hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam thời gian gần đây sẽ là minh chứng thuyết phục nhất.

Mặc dù vẫn còn khá thưa thớt, ít ỏi so với các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh nhưng không thể phủ nhận rằng, sự xuất hiện của các hội sách ở Thanh Hóa do các đơn vị uy tín trong lĩnh vực xuất bản phát hành tổ chức trong một vài năm trở lại đây đã góp phần thúc đẩy, lan tỏa văn hóa đọc. Vừa qua, hướng tới mục đích chào mừng Tháng Thanh niên, đề cao vai trò của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên trong việc lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, Công ty CP Sách Alpha (Alpha Books) tổ chức Hội sách Alpha Books Thanh Hóa lần thứ V tại Vincom Plaza Thanh Hóa (TP Thanh Hóa). Với sự đa dạng, phong phú đầu sách thuộc các lĩnh vực như: kỹ năng sống, sách cho thiếu nhi, sách lịch sử, văn học, khoa học thường thức, sách luyện thi Tiếng Anh... Ngoài các sản phẩm của Alpha Books, hội sách quy tụ nhiều đơn vị uy tín trong lĩnh vực xuất bản - phát hành như: Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega Plus), Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Công ty CP Xuất bản và Dữ liệu ETS... Hội sách có nhiều chương trình ưu đãi như: giảm giá từ 20 - 50% các đầu sách; tặng sách cho hóa đơn trên 500 nghìn đồng và hóa đơn trên 1 triệu đồng (số lượng có hạn).

Do được tổ chức vào cuối tuần, lựa chọn địa điểm thuận tiện cho việc di chuyển, không gian phù hợp nên Hội sách Alpha Books Thanh Hóa lần thứ V thu hút nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau tham dự. Sách được sắp xếp theo từng khu vực, theo từng chủ đề; sách văn học, khoa học thường thức, khởi nghiệp... để người mua dễ dàng quan sát, lựa chọn. Tôi đặc biệt quan tâm đến hai đối tượng tham gia hội sách, đó là các bạn trẻ và gia đình. Việc họ kiên nhẫn đến từng khu vực trưng bày sách, lựa chọn tỉ mỉ, có những cuốn sách được chăm chú đọc rất lâu đã phần nào phản ánh tâm thế, nhu cầu của bản thân. Họ tham gia hội sách bởi họ thực sự quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu, mua sách chứ không phải đơn thuần là tìm địa điểm “đổi gió” cuối tuần, vì tò mò, vì theo bạn bè... (dẫu rằng không phủ nhận hoàn toàn các động cơ ấy). Chị Trương Thị Trang (35 tuổi, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình tham gia hội sách ở Thanh Hóa. Cảm nhận ban đầu thấy cách thức sắp xếp khoa học, hợp lý, không gian sạch sẽ, đa dạng các đầu sách. Lần sau, mình nhất định sẽ dẫn các con tham gia”.

Hội sách trở nên sinh động, ấn tượng và ý nghĩa hơn rất nhiều bởi sự xuất hiện của nhiều thế hệ trong gia đình cùng hào hứng, phấn khởi tham dự. Ông bà dẫn cháu đi chọn sách, bố mẹ và các con cùng thảo luận về một cuốn sách, những đứa trẻ chụm đầu đọc chung cuốn sách... Đó là những hình ảnh gần gũi, giản dị mà thật đẹp. Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường đặc biệt để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Vì lẽ đó, ở bất kỳ lĩnh vực, hoạt động nào, muốn có được cội nguồn, gốc rễ vững vàng, sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ, cần bắt đầu xây dựng từ gia đình. Đó cũng là lý do vì sao, trên hành trình lan tỏa văn hóa đọc, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng.

Mặc dù đã có phần sôi động hơn nhưng nếu chỉ tính về số lượng, Thanh Hóa vẫn còn quá ít các hội sách, các sự kiện về sách được tổ chức. Các hội sách đã được tổ chức thì phần lớn quy mô nhỏ, đơn điệu, chưa có nhiều hoạt động tương tác. Chị Phạm Thị Ngọc (TP Thanh Hóa) cho biết: “Trước kia, khi còn sinh sống và làm việc ở Hà Nội, mình thường xuyên tham gia hội sách, cuối tuần dẫn các con đến phố sách. Nhưng kể từ khi về Thanh Hóa, mặc dù ở ngay trung tâm thành phố nhưng rất ít lựa chọn, chủ yếu loanh quanh ở một số nhà sách. Mong rằng, Thanh Hóa sẽ có thêm nhiều hội sách, nhiều địa điểm góp phần thúc đẩy, lan tỏa văn hóa đọc hơn nữa”.

Ngoài hội sách, trong những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, việc thúc đẩy, lan tỏa văn hóa đọc đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, thông qua chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4) như: tọa đàm, trưng bày, triển lãm sách... đã tạo nên sợi dây gắn kết, đưa sách đến gần hơn với đông đảo tầng lớp Nhân dân, nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, phát triển văn hóa đọc, chung tay xây dựng xã hội học tập.

Vừa có dịp trở về Thanh Hóa trong những sự kiện hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023, nhà thơ, nhà báo Lữ Thị Mai chia sẻ: Nói đến văn hóa đọc thường đề cập tới ba nền tảng: gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu ba nền tảng này vững vàng, đương nhiên văn hóa đọc phát triển tốt. Minh chứng có thể nhận diện qua các quốc gia văn minh, có nền tảng rõ ràng, mẫu mực về văn hóa đọc. Nhưng giả sử không có ba nền tảng này thì sao? Văn hóa đọc có điều kiện phát triển không? Chắc chắn là có. Khi đó vai trò của chủ thể là cốt lõi. Điều đó được chứng minh qua lịch sử nước nhà. Có bao nhiêu học trò nghèo, không được đi học, đời sống quanh mình toàn lam lũ nhọc nhằn mà tên tuổi lưu danh. Tôi cho rằng điều quan trọng chính là động lực, tố chất ở mỗi người và các yếu tố kia chỉ mang tính bổ trợ. Làm thế nào để thúc đẩy tố chất mỗi người là điều rất quan trọng. Ngày xưa, có những ông bố bà mẹ nghèo, không biết chữ nghĩa nhưng vẫn trao truyền được cho con niềm tin, bài học làm người. Ngày nay, phương tiện đủ cả, thậm chí dư thừa thì chẳng có lý nào chúng ta không làm được?

Có thể nói, Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay rất đặc biệt với nhà thơ, nhà báo Lữ Thị Mai khi được trở về quê hương, được chuyện trò chia sẻ với các em học sinh. Chị Mai tâm sự: Điều khiến tôi xúc động đó là, tình yêu đối với sách, nhận thức về văn hóa đọc của các em học sinh được nâng lên rất nhiều. Nhà trường - gia đình - xã hội dành nhiều tâm sức để cùng chăm sóc, nâng niu và nuôi dưỡng điều đó. Hầu hết các nhà trường đều có tủ sách, được bổ sung hằng năm, như Trường THCS Trần Mai Ninh (TP Thanh Hóa) dịp này đã bổ sung tới 1.900 cuốn sách từ chính học sinh đóng góp. Đây là tín hiệu đáng mừng giúp chúng ta thêm niềm tin vào sự thúc đẩy văn hóa đọc và tôi cũng thấy rằng, đây là một bước tiến rất xa so với thế hệ chúng tôi. Chắc hẳn sẽ cần thêm nhiều mô hình, sáng kiến để văn hóa đọc đi vào môi trường giáo dục, đời sống con người một cách gần gũi hơn nữa, thu hút hơn nữa... Song, tín hiệu khả quan hiện tại là động lực quan trọng để các cá nhân, gia đình, nhà trường và mọi thành phần xã hội có thêm sự quan tâm, đổi mới và vun đắp cho thế hệ tương lai.

Bài và ảnh: Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]