Nghị quyết “mở đường” hiện thực hóa khát vọng Thanh Hóa giàu đẹp (Bài 1): “Phá đề” tư duy và tầm nhìn
Khát vọng về một Thanh Hóa giàu đẹp, xứng với bề dày truyền thống lịch sử hào hùng và chiều sâu trầm tích văn hóa, vốn dĩ là khát vọng cháy bỏng tha thiết của bao lớp người đã sinh ra, lớn lên rồi “trở về” với mảnh đất này. Để rồi, chỉ khi được soi rọi bằng ánh sáng của một nghị quyết mang tính “mở đường”, với những cơ chế, chính sách đặc thù; đồng thời, được thôi thúc bằng ý chí vượt lên mãnh liệt, thì khi ấy nguồn khát vọng vẫn luôn nung nấu sẽ có điểm tựa để hiện thực hóa...
Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 37/2021/QH15 là tiền đề để Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh. (Trong ảnh: TP Thanh Hóa - đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Thanh Hóa).
Nếu Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị vạch ra những đường hướng lớn về một Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, thì Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội với các cơ chế, chính sách đặc thù, ví như một sự “phá đề” cơ chế, để thôi thúc tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, nhằm từng bước hiện thực hóa tinh thần và nội dung Nghị quyết số 58-NQ/TW, cũng chính là hiện thực hóa khát vọng về một Thanh Hóa “kiểu mẫu”.
Cháy bỏng khát vọng xứ Thanh
Nói đến xứ Thanh là nói đến “nơi có thiên nhiên đẹp nhất, cũng như giàu kỷ niệm lịch sử nhất” (H. LeBreton). Điều này là không khó để chứng minh, bởi Thanh Hóa được ví như “một Việt Nam thu nhỏ” với đại ngàn thác đổ, trung du lượn sóng, châu thổ phì nhiêu, biển bạc thoai thoải... Và bất cứ nơi nào trên mảnh đất này cũng có những kỳ sơn thắng trạch ẩn chứa trong lòng nó một câu chuyện bàng bạc tính sử thi. Bởi vậy mà, tác giả của “Lịch triều hiến chương loại chí” – sử gia Phan Huy Chú đã không tiếc dành những lời ngợi ca “có cánh” khi nói về xứ Thanh, rằng: “Vẻ non sông tươi tốt chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khi tinh hoa tụ họp lại nẩy ra nhiều văn nho (...); vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”!.
Và đặc biệt hơn, nếu ví lịch sử Việt Nam như một sợi dây dài 5m, trên đó mỗi thế kỷ tương ứng với 1mm, thì từ núi Đọ đến văn hóa Sơn Vi, lớp dưới hang Con Moong, đã mất đi gần 4m90; từ văn hóa Hòa Bình đến nay chỉ còn có 10cm (Lịch sử Thanh Hóa Tiền và Sơ sử). Trên “sợi dây lịch sử” đằng đẵng ấy, xứ Thanh có thể xem là chứng nhân sống động nhất, đã chứng kiến gần như đầy đủ nhất quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Để từ “miền đất được chọn” này, tổ tiên ta đã chống chọi và vượt qua vô vàn thử thách khắc nghiệt, để lao động và sáng tạo không ngơi nghỉ, để hòa hợp và biến đổi thiên nhiên cũng như biến đổi chính bản thân mình.
“Vị trí của Thanh Hóa nằm ở khu vực nếu không gọi là thế “rồng cuộn hổ ngồi”, thì cũng có rất nhiều thuận lợi. Con người thì chịu thương chịu khó (...), truyền thống thì oanh liệt, vẻ vang (...) bao nhiêu anh hùng hào kiệt (...). Đây cũng là vốn quý, đây cũng là tiềm năng, đây là nguồn lực vô cùng lớn. Phải tự hào về quê hương. Không cam chịu đói nghèo. Không chịu thua tỉnh khác. Phải vươn lên làm giàu, xứng đáng với một tỉnh rộng lớn” (Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). |
Cũng chính từ bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa vùng đất, mà trên hành trình cùng dân tộc tranh đấu bảo vệ và dựng xây Tổ quốc Việt Nam, với tầm vóc và vị thế ngày càng lớn mạnh, người dân “xứ sở của những bản anh hùng ca” này chưa khi nào thôi khắc khoải khát vọng về một xứ Thanh giàu đẹp. Hơn thế nữa, trong những thời khắc lịch sử tưởng chừng gian nan, cam go nhất, xứ Thanh vẫn luôn là “thánh đường bảo tồn mọi kỳ vọng của chủng tộc” (Pierre Paspuier). Bởi vậy mà, cái khát vọng dựng xây nên một xứ Thanh thịnh vượng, một xứ Thanh “níu giữ và quyến rũ” vẫn luôn luôn ấp ủ, thậm chí trở thành một lẽ sống mà từ đó, ta có nguyên cớ để lý giải vì sao không ít người con của mảnh đất này đã vụt sáng thành những tên tuổi lẫy lừng, thậm chí thành “người viết sử” dân tộc như Bà Triệu, Lê Lợi, Lê Hoàn, Dương Đình Nghệ...
Có một nhận định mà khi đặt trong nhiều bối cảnh lịch sử, mới thấy ý nghĩa và tính “luôn đúng” của nó. Rằng một đất nước nói chung, một vùng đất nói riêng, muốn trở nên hùng cường, thịnh vượng thì phải luôn luôn nuôi dưỡng khát vọng về sự hùng cường, thịnh vượng. Để từ khát vọng được “tưới tắm” bằng suối nguồn của niềm tin mãnh liệt; bằng sự kiên trì vượt khó không ngơi nghỉ; bằng sự nỗ lực chắt chiu và tận dụng những cơ hội quý giá; bằng tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong hành động nhằm biến thời cơ thành lợi thế so sánh và riêng có... Để rồi tất cả các yếu tố đó sẽ là điều kiện cần và đủ để tạo ra “bước nhảy” hay đột phá mới.
Cái khát vọng cháy bỏng về một Thanh Hóa giàu đẹp được hun đúc qua bao thế hệ và càng được thôi thúc mãnh liệt hơn bao giờ hết, khi Thanh Hóa đang đứng trước những thời cơ mới, những vận hội lớn của cả dân tộc. Hơn thế nữa, nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của vùng Bắc Trung bộ và cả nước, Thanh Hóa có đủ điều kiện để trở thành cực tăng trưởng trong sự gắn kết với các vùng lân cận... Cho nên, soi chiếu vào thực tiễn có thể thấy, mảnh đất xứ Thanh đang hội tụ được các điều kiện về “địa lợi” và “nhân hòa” cho phát triển. Thế nhưng, để có thể vươn lên một thang bậc mới trên “biểu đồ phát triển Việt Nam” hiện nay, thiết nghĩ Thanh Hóa cần thêm yếu tố “thiên thời” làm động lực.
Cơ chế thông, tầm nhìn thoáng
Thanh Hóa nằm ở vị trí hết sức đặc biệt: “rồng cuộn, hổ ngồi”, như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh. Đồng thời, lại có nhiều tiềm năng nổi trội và lợi thế cạnh tranh lớn. Cụ thể: Là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích, thứ 3 về dân số và thứ 2 về số đơn vị hành chính. Có Khu Kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm quốc gia và cảng nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận được tàu có tải trọng 70.000 DWT. Có 102km bờ biển và là cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây Tây Bắc Tổ quốc và Đông Bắc Lào, tạo cho Thanh Hóa một vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển vành đai kinh tế Vịnh Bắc bộ và một phần khu vực Tây Bắc của Tổ quốc... Chưa hết, Thanh Hóa còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá là “có tiếng văn vật”, với trên 1.535 di tích, danh thắng, với 1 di sản văn hóa thế giới, 4 di tích quốc gia đặc biệt và một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể giàu giá trị. Đặc biệt, truyền thống yêu nước và cách mạng của xứ Thanh được hun đúc và trao truyền qua lớp lớp cha anh dũng cảm, kiên cường đã trở thành “nguồn cảm hứng”, thành điểm tựa căn bản để xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người Thanh Hóa, hướng đến các giá trị chân - thiện - mĩ...
Cảng biển Nghi Sơn đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
Song, để kéo “đoàn tàu” kinh tế - xã hội chuyển động mạnh mẽ hơn, xứng với tiềm năng và sự kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho mảnh đất “rất quan trọng” này, thì rất cần một cơ chế đặc thù đóng vai trò vừa như “đầu tàu” định hướng, vừa như “đường ray” dẫn dắt. Xuất phát từ yêu cầu có tính lịch sử đó, ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 58-NQ/TW). Từ đây, mở ra tầm nhìn tương lai và cơ hội phát triển đầy hứa hẹn cho tỉnh Thanh Hóa.
Nghị quyết số 58-NQ/TW vạch ra những đường hướng cơ bản và tổng quát nhất cho Thanh Hóa, với tương lai gần (đến năm 2030) là một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Và xa hơn, đến năm 2045 - dấu mốc tròn 100 năm thành lập nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - Thanh Hóa sẽ “bật lên” để trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và “kiểu mẫu” của cả nước!.
Đây thực sự là những mục tiêu lớn, đầy tham vọng, nhưng thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng rất cao mà Đảng và Nhà nước dành cho Thanh Hóa. Song, để hiện thực hóa được những mục tiêu lớn ấy, phải có một cơ chế đủ mạnh để tạo lực đẩy. Trước yêu cầu đó, Quốc hội đã xem xét, ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là Nghị quyết số 37/2021/QH15).
Tỉnh Thanh Hóa nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố (Thanh Hóa, Sầm Sơn), 2 thị xã (Bỉm Sơn, Nghi Sơn) và 23 huyện (trong đó có 11 huyện miền núi). Diện tích tự nhiên trên đất liền của Thanh Hóa là 11.120km2 (rộng thứ 5 cả nước); dân số trên 3,74 triệu người (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Đồng thời, có 213km đường biên giới trên đất liền giáp với nước Lào; 102km bờ biển và vùng lãnh hải rộng trên 17 nghìn km2. |
Một số cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong Nghị quyết số 37/2021/QH15, có liên quan đến những lĩnh vực rất quan trọng, đóng vai trò nền tảng và tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác, đó là quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước và phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp. Trong đó, một số chính sách có “sức nặng” mà nếu được vận dụng và tận dụng một cách hiệu quả, thì có thể tạo ra “đòn bẩy” thực sự cho tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương. Nổi bật phải kể đến chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên; chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn; chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng; chính sách phân cấp thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.
Có thể khẳng định, nếu Nghị quyết số 58-NQ/TW là điểm tựa, thì Nghị quyết số 37/2021/QH15 sẽ là cái đòn bẩy. Bởi, Nghị quyết số 37/2021/QH15 đã và đang tạo ra hành lang pháp lý và những điều kiện thuận lợi rất cơ bản, cũng như mở ra thời cơ, động lực mới cho Thanh Hóa phát triển. Nói một cách ví von hơn thì với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của nó, Nghị quyết số 37/2021/QH15 giống như một sự “phá cách”, hay một “phá đề” vượt qua những khuôn khổ thông thường, những giới hạn của tầm nhìn, của tư duy đổi mới, phát triển dành cho mảnh đất này. Để cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, Nghị quyết số 37/2021/QH15 sẽ tạo ra lực bẩy nhằm nâng dậy khát vọng Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh trong tương lai không xa.
Bài và ảnh: Lê Dung
Bài 2: Tạo lực kéo “đoàn tàu” chuyển động...
- 2024-10-10 09:24:00
Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo
- 2024-10-09 15:53:00
Ý nghĩa ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội đối với cách mạng Việt Nam
- 2024-09-17 16:26:00
Nâng cao chất lượng giám sát, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao
Chú trọng phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số
Người cao tuổi nêu gương sáng tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở
Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ xã Hoàng Giang
Tư tưởng đoàn kết quốc tế trong Di chúc Hồ Chí Minh
Quảng Xương: Hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ
Liên đoàn Lao động huyện Như Thanh nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở
Chăm lo bồi đắp lý tưởng, hoài bão cho hội viên thanh niên
Thu hút người lao động phi chính thức vào tổ chức công đoàn