(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời (HTSĐ) trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, những năm gần đây, phong trào xây dựng xã hội học tập (XHHT) trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trở lại mô hình thí điểm trong phong trào xây dựng xã hội học tập

Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời (HTSĐ) trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, những năm gần đây, phong trào xây dựng xã hội học tập (XHHT) trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực.

Đại diện lãnh đạo Trường THPT Quảng Xương 1 (Quảng Xương) trao quà hỗ trợ, động viên học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Từ tháng 9-2014, Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT và HTSĐ tỉnh đã phát động và chọn 7 đơn vị để triển khai thí điểm mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập theo Quyết định số 281/QĐ-TTg, gồm các xã: Lương Ngoại (Bá Thước), Quang Trung (Ngọc Lặc), Phú Lộc (Hậu Lộc), Định Tân (Yên Định), phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), Trường THPT Quảng Xương I (Quảng Xương) và Sở Khoa học và Công nghệ. Ngay sau khi được chọn thí điểm, các đơn vị đã triển khai bài bản, nghiêm túc đến đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức, các tầng lớp nhân dân về quyết định và bộ tiêu chí, tổ chức đánh giá, công nhận các danh hiệu gia đình học tập (GĐHT), dòng họ học tập (DHHT), cộng đồng học tập (CĐHT) và đơn vị học tập (ĐVHT). Theo đó, 100% dòng họ, khu dân cư, đơn vị thuộc các đơn vị thí điểm đã đăng ký xây dựng dòng họ, khu dân cư, đơn vị học tập; 80 đến 100% gia đình đăng ký GĐHT. Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng XHHT từ cơ sở. Ông Nguyễn Như Khuê, Phó Ban chỉ đạo xây dựng XHHT xã Định Tân (Yên Định) cho biết: Khi được chọn là đơn vị thí điểm, ban chỉ đạo xây dựng XHHT xã đã tham mưu cho HĐND, UBND xã ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng XHHT trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc HTSĐ, xây dựng XHHT; rà soát lại tỷ lệ gia đình, dòng họ, khu dân cư hiếu học trên địa bàn xã. Từ đó, phát động đến từng gia đình, dòng họ, khu dân cư, đơn vị đăng ký xây dựng theo mô hình mới với bộ tiêu chí riêng. Việc làm này đã thu hút đông đảo người dân tham gia và đã có gần 100% số gia đình, 100% dòng họ, khu dân cư, đơn vị đăng ký bình xét. Kết quả, hiện toàn xã có 82,5% gia đình đạt GĐHT, 91,6% dòng họ đạt DHHT, 100% khu dân cư, đơn vị đạt CĐHT và ĐVHT.

Cũng với cách làm trên, xã Phú Lộc (Hậu Lộc) đã thu hút 83% số gia đình, 100% dòng họ, khu dân cư, trường học đăng ký bình xét, công nhận GĐHT, DHHT, CĐHT và ĐVHT. Qua rà soát, đánh giá sau 4 năm triển khai thực hiện đã có 80,4% gia đình đạt GĐHT, 100% dòng họ, cộng đồng, đơn vị đạt DHHT, CĐHT và ĐVHT. Hay như Trường THPT Quảng Xương 1 (Quảng Xương) ngay khi triển khai thực hiện mô hình, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã tích cực tham gia xây dựng ĐVHT. Để xây dựng thành công ĐVHT, ngoài công tác tuyên truyền, nhà trường đã triển khai đồng bộ các giải pháp và nhiều hoạt động thiết thực như, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài; khuyến khích cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đầu tư xây dựng thư viện đạt chuẩn với hơn 8.000 đầu sách, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, học tập thường xuyên của cả giáo viên và học sinh; thành lập các câu lạc bộ (CLB) như CLB sách, CLB vẽ, CLB phát triển kỹ năng sống, CLB làm MC giúp học sinh phát huy năng lực, sở trường... Theo đó, từ nguồn kinh phí thi đua khen thưởng và huy động các “mạnh thường quân”, sự ủng hộ của cán bộ, giáo viên nhà trường, mỗi năm, Trường THPT Quảng Xương 1 khen thưởng cho hàng nghìn lượt học sinh, cán bộ, giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong dạy và học, đồng thời hỗ trợ cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền lên tới 500 đến 600 triệu đồng. Từ phong trào học tập thường xuyên, HTSĐ trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, giáo viên nhà trường không ngừng nâng cao. Đến nay, trong số 86 cán bộ, giáo viên đã có 28 người có trình độ thạc sĩ, 58 người có trình độ đại học; 36 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, 1 giáo viên giỏi cấp quốc gia... 100% gia đình cán bộ, giáo viên đều đã được công nhận GĐHT.

Kết quả này cho thấy, việc thí điểm mô hình GĐHT, DHHT, CĐHT và ĐVHT ở các đơn vị đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của người dân cũng như huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị trong đẩy mạnh phong trào HTSĐ và chung tay xây dựng mô hình. Thông qua thí điểm đã tạo được ý thức tích cực tham gia học tập ở nhiều người dân, số gia đình mua sách báo, máy vi tính có kết nối internet tăng lên, một số xã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, văn phòng cho trung tâm học tập cộng đồng để mở các lớp học nâng cao dân trí. Qua phong trào xây dựng GĐHT, DHHT, CĐHT và ĐVHT đã và đang làm cho giáo dục nhà trường gắn kết chặt chẽ hơn với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, tạo được sự đồng thuận trong từng cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy chủ trương xã hội hóa giáo dục và phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong các cơ sở giáo dục... Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, việc thực hiện mô hình vẫn còn những tồn tại, hạn chế khi công tác tuyên truyền ở một số đơn vị chưa đi vào chiều sâu, việc hiểu và vận dụng bộ tiêu chí chưa đạt yêu cầu, công tác chỉ đạo bình xét, tự bình xét chưa chặt chẽ, có nơi còn dễ dãi hoặc bình xét chưa đúng yêu cầu của bộ tiêu chí.

Hiện nay, mô hình GĐHT, DHHT, CĐHT và ĐVHT đã được nhân rộng trong toàn tỉnh. Để mô hình phát huy hiệu quả, ngoài việc khắc phục những hạn chế, cần hơn nữa sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay của các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị đối với việc học tập thường xuyên, HTSĐ. Trong đó, cần coi trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia; không ngừng phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò của ban chỉ đạo xây dựng XHHT và HTSĐ, đặc biệt là vai trò nòng cốt của hội khuyến học các cấp; gắn phong trào xây dựng GĐHT, DHHT, CĐHT và ĐVHT với các phong trào phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa...


Bài và ảnh: Lê Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]