(Baothanhhoa.vn) - Với việc đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tính đến hết tháng 9-2018, toàn tỉnh có khoảng 915 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 388 doanh nghiệp so với năm 2015.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Với việc đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tính đến hết tháng 9-2018, toàn tỉnh có khoảng 915 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 388 doanh nghiệp so với năm 2015.

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới của Công ty TNHH Công nghệ cao Alaka.

Xác định tầm quan trọng của doanh nghiệp trong chiến lược phát triển nông nghiệp, những năm qua, cùng với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng kinh tế.

Ngành nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tập trung giải quyết nhanh các thủ tục hành chính có liên quan đến vấn đề tích tụ đất đai để phát triển sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai một cách nhanh chóng bằng nhiều hình thức. Chủ động tổ chức gặp gỡ, xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp lâu dài thông qua các biện pháp quản lý Nhà nước, như: Quản lý vật tư hàng hóa nông nghiệp, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ sản phẩm theo hợp đồng. Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hình thành các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ, HTX, trang trại và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có vai trò hạt nhân trong quá trình thực hiện liên kết.

Minh chứng rõ nhất cho việc đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là cuối năm 2015, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó đối tượng được ưu tiên hỗ trợ là các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND, ngày 31-12-2015 về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020, của UBND tỉnh đã có riêng một chính sách hỗ trợ mặt bằng cho các doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư các cơ sở chế biến nông, lâm sản, các cơ sở giết mổ tập trung, các cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cá rô phi đơn tính trên địa bàn tỉnh, bảo đảm các điều kiện được nêu cụ thể trong quyết định, sẽ được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch để xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nhà kho, hệ thống bể (đối với các cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cá rô phi đơn tính).

Với việc đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tính đến hết tháng 9-2018, toàn tỉnh có khoảng 915 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 388 doanh nghiệp so với năm 2015. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đều hướng đến sự đầu tư sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, chú trọng đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp đang có hướng đầu tư các nhà sơ chế cho sản phẩm nhằm bảo đảm chất lượng sau thu hoạch. Tuy nhiên, do phần lớn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời gian thành lập không lâu, nên nguồn vốn hạn chế, vì vậy quy mô đầu tư vẫn còn nhỏ, lẻ, việc tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu là thị trường nội tỉnh.

Nhìn vào kết quả trên cho thấy, mặc dù việc đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy, việc doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, nguyên nhân là do: Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách; trong đó, vấn đề được cho là rào cản lớn nhất là đất đai, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này. Hiện nay, quy định về mức hạn điền và thời gian sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chưa tạo điều kiện để thu hút nhà đầu tư, thủ tục thuê đất, chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp còn phức tạp, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện xong việc cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp gây khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục cho thuê, chuyển nhượng, góp đất. Hơn nữa, trong quá trình đầu tư sản xuất, giá trị về thiết bị, hạ tầng trên đất nông nghiệp chưa được xem là tài sản để thế chấp vay tín dụng tạo nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất, kinh doanh, nên doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, tỷ lệ lợi nhuận của nông nghiệp thấp, trong khi lại thường chịu rủi ro vì thiên tai, lũ lụt, khả năng tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, tính liên kết “4 nhà” còn lỏng lẻo, khiến nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại, chưa muốn đầu tư.

Để khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 889/QĐ–TTg, ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16–NQ/TU, ngày 20-4-2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, các sở, ban, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương hiện đang tích cực thực hiện tích tụ đất đai, bố trí quỹ đất tập trung để doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô lớn; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa về các thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đang chú trọng mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo phương thức tập trung, quy mô lớn và sản xuất theo chuỗi.


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]