(Baothanhhoa.vn) - Sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020” (gọi tắt là Nghị quyết 09) được đánh giá là phù hợp với thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của chính quyền các cấp và đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những kết quả trong thực hiện Nghị quyết 09 giảm nghèo nhanh và bền vững

Sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020” (gọi tắt là Nghị quyết 09) được đánh giá là phù hợp với thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của chính quyền các cấp và đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi.

Những kết quả trong thực hiện Nghị quyết 09 giảm nghèo nhanh và bền vững

Như Xuân thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Nhận thức, giảm nghèo trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng cao rõ rệt, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước đang dần được xóa bỏ. Đã có huyện Như Xuân thoát khỏi diện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 5 xã và 30 thôn, bản đặc biệt khó khăn khu vực 11 huyện miền núi hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, có 72 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực 11 huyện miền núi được cải thiện rõ rệt.

Để đạt được kết quả trong thực hiện Nghị quyết 09, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có những cách làm phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành quyết định thành lập tổ giúp việc cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi việc triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết; quyết định phân công các huyện, thị xã, thành phố miền xuôi kết nghĩa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các huyện miền núi. UBND tỉnh đã ban hành 5 kế hoạch để triển khai thực hiện nghị quyết, trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành triển khai thực hiện xây dựng các chương trình, đề án và phân công các sở, ngành phụ trách các địa phương thực hiện nghị quyết. Đối với 11 huyện miền núi đã ban hành 17 chương trình, kế hoạch để thực hiện nghị quyết... Phân công các ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành, thành viên ban chỉ đạo giảm nghèo phụ trách các cụm xã, xã, thôn, bản, khu phố trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết tại cơ sở.

Trên cơ sở nội dung của Nghị quyết 09, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở đã chủ động, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của nghị quyết, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo. Để nghị quyết đến với người dân, người dân hiểu nghị quyết, cấp ủy, chính quyền đã phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng họ và những người có uy tín trong cộng đồng thông qua việc làm cụ thể, như: tuyên truyền, vận đồng đồng bào chấp hành, thực hiện đúng các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung tay xây dựng nông thôn mới; công tác phòng ngừa, đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật, những việc làm ảnh hưởng xấu đến phong tục, tập quán bản sắc tốt đẹp của dân tộc; bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan... Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác giảm nghèo đã có sự chuyển biến tích cực và được nâng lên. Ý thức, trách nhiệm, tinh thần vượt khó, ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo từng bước được thay đổi.

Nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của miền núi để cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người nghèo UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy, đã có nhiều cơ chế chính sách được ban hành tác động tới khu vực miền núi, như: cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh và cơ chế khuyến khích xây dựng nông thôn mới... Trong đó, đã tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung phục vụ các nhà máy chế biến như: vùng mía nguyên liệu 16.770 ha; vùng sắn nguyên liệu 9.800 ha; vùng cây cao su 12.360 ha; vùng trồng cây ăn quả tập trung 3.000 ha,... Thực hiện chuyển đổi linh hoạt 4.524 ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả hơn; tích tụ, tập trung được 1.600 ha đất trồng trọt.

Đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Phát triển các sản phẩm lợi thế, như: bò sữa, bò thịt chất lượng cao, gà lông màu, con nuôi đặc sản. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp phát triển theo hướng xã hội hóa nghề rừng, chuyển từ khai thác rừng tự nhiên sang bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và khai thác bền vững rừng trồng. Tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến, như: 1.000 ha quế; 30.000 ha luồng thâm canh; 55.000 ha cây gỗ lớn. Ở nhiều địa phương đã hình thành mối liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp.

Trong phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề đã hình thành nhiều tổ hợp tác, HTX liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó tạo điều kiện phát triển nhiều ngành nghề truyền thống như: mộc dân dụng, gỗ xẻ, sản xuất nông cụ cầm tay, làm măng ớt, dệt thổ cẩm, đan cót...; du nhập một số nghề mới như: đan đèn lồng (Thường Xuân), thêu ren đính hạt cườm (Ngọc Lặc), hương xuất khẩu (Cẩm Thủy)... góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực.

Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực miền núi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vận dụng các nguồn vốn, chương trình mục tiêu để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho khu vực miền núi với số tiền trên 80 nghìn tỷ đồng (bình quân 11,4 nghìn tỷ đồng/năm), đã thực hiện đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực miền núi; đã đầu tư nhiều dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi; xây dựng hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao và thông tin truyền thông cũng được triển khai sâu rộng đến các thôn, bản.

Qua thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác giảm nghèo, giai đoạn 2013-2015, tỷ lệ hộ nghèo ở 11 huyện miền núi giảm bình quân 5,5%/năm (giảm 11.388 hộ); giai đoạn 2016-2020 giảm bình quân 4,02%/năm (giảm 44.491 hộ). Thu nhập bình quân/người/năm trên địa bàn các huyện miền núi năm 2020 đạt 33,1 triệu đồng, gấp khoảng 3,1 lần so với năm 2014.

Với những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 09, UBND tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là: Có sự triển khai và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng các cấp, sự chỉ đạo, điều hành thường xuyên, linh hoạt, sáng tạo của chính quyền từ tỉnh, huyện đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; chỉ đạo đồng bộ xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, có lồng ghép các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện nghị quyết. Phải làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, những tấm gương về phát triển kinh tế hộ gia đình, hộ nghèo vươn lên thành hộ khá giả đến hộ nghèo để học tập và làm theo. Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tự vươn lên thoát nghèo của người nghèo, từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước cùng tích cực tham gia bằng công sức của mình để từng bước vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh; quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là hộ nghèo, người nghèo để tăng thu nhập cho hộ nghèo, người nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm triển khai thực hiện đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương...

Bài và ảnh: Minh Hiếu


Bài và ảnh: Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]