(Baothanhhoa.vn) - Trong khi việc thu gom và xử lý rác thải, chất thải đang trở thành thách thức đối với nhiều địa phương, đơn vị; thì tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, hay ứ đọng, quá tải ở nhiều bãi rác cũng đặt ra câu hỏi khó trả lời cho ngành chức năng và chính quyền một số địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghị quyết 05-NQ/TU: Tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động vì môi trường bền vững: Bài 2 - Xử lý triệt để chất thải - chờ đến bao giờ?

Trong khi việc thu gom và xử lý rác thải, chất thải đang trở thành thách thức đối với nhiều địa phương, đơn vị; thì tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, hay ứ đọng, quá tải ở nhiều bãi rác cũng đặt ra câu hỏi khó trả lời cho ngành chức năng và chính quyền một số địa phương.

Nghị quyết 05-NQ/TU: Tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động vì môi trường bền vững: Bài 2 - Xử lý triệt để chất thải - chờ đến bao giờ?

Bãi rác Đông Nam (huyện Đông Sơn). Ảnh: Lê Dung

Những hệ lụy...

Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt sau khi thu gom được xử lý chủ yếu bằng hai hình thức là chôn lấp và đốt. Tuy nhiên, công nghệ xử lý ngày càng lỗi thời này, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, mà nhãn tiền là tình trạng ứ đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Bãi rác Núi Voi (thị xã Bỉm Sơn) rộng khoảng 2,8 ha là nơi tập kết rác thải sinh hoạt của toàn thị xã. Với công suất thiết kế và sức chứa khoảng 16.000m3 rác thải; song, do rác tích tụ nhiều năm không kịp xử lý, nên có thời điểm, bãi rác này bị “nhồi nhét” lên tới 80.000m3 rác thải. Việc phân loại, xử lý rác bằng phương pháp chôn ủ, chưa giải quyết được triệt để lượng rác là nguyên nhân dẫn đến quá tải, phát tán mùi hôi thối và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực lân cận. Mặc dù Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Bỉm Sơn thường xuyên phun thuốc chống thối, rải vôi bột, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác này vẫn chưa được khắc phục.

Tương tự, bãi rác Đông Nam (tại xã Đông Nam, Đông Sơn) là nơi tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt cho toàn bộ khu vực TP Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và 4 xã huyện Quảng Xương. Theo công suất thiết kế, khối lượng rác được xử lý là hơn 360 tấn/ngày đêm; song công suất thực tế hiện là trên 390 tấn/ngày đêm. Điều này dẫn đến tình trạng rác thải bị ùn ứ, tồn đọng do không thể giải quyết hết trong ngày. Theo phản ánh, kiến nghị của các hộ dân sinh sống quanh khu vực bãi rác xã Đông Nam (Đông Sơn), thì vào những ngày nắng nóng mùi hôi, thối từ bãi rác bốc lên nồng nặc, đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đời sống của bà con, trong đó đối tượng người già và trẻ nhỏ là đáng lo ngại nhất. Ông Doãn Huy Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Nam, cho biết: Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri của xã, huyện, lãnh đạo địa phương cũng đã phản ánh các kiến nghị, lo lắng của bà con Nhân dân. Tình trạng bãi rác cứ chồng chất như núi thế này, nếu không sớm được xử lý, vào mùa mưa nguồn nước bị ô nhiễm do rác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của bà con.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy, từ khi người dân phát hiện hiện tượng cá chết “trắng” trên sông Mã đến ngày 16-4-2021, 120 hộ các xã Cẩm Thành, Cẩm Lương và Cẩm Thạch đã bị thiệt hại 167 lồng nuôi/24,8 tấn cá. Còn huyện Bá Thước, từ ngày 15-3 đến 8-4-2021, đã có gần 12,4 tấn cá lồng và khoảng 380 kg các loài thủy sản tự nhiên bị chết. Sau khi các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh, Công ty CP Sản xuất thương mại Đồng Tâm TH (địa chỉ tại thị trấn Cành Nàng, Bá Thước), Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành (địa chỉ tại xã Thiết Kế, Bá Thước) đã thừa nhận hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã. Vùng thượng nguồn sông Mã là địa bàn có nhiều cơ sở chế biến luồng, bột giấy, vàng mã, ván ép... kéo theo mức độ rủi ro cho môi sinh là rất cao và đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất không ai khác chính là những người dân sinh sống dọc bờ sông Mã. Thực tế, không phải bây giờ việc xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường mới xảy ra; song tính chất và mức độ các vụ xả thải ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây nhiều sự cố đáng tiếc về môi trường.

Rác thải, nước thải không được xử lý gây ra rất nhiều hệ lụy cho môi trường và ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân. Rác thải tồn đọng lâu ngày sẽ sinh ra các tác nhân gây hại cho nguồn nước, đất đai, không khí và dù có được xử lý bằng cách chôn lấp hay đốt, thì những hóa chất độc hại vẫn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có hơn 2 triệu người tử vong mỗi năm do hít phải không khí bị ô nhiễm trong nhà và ngoài trời; khoảng 40 triệu trẻ em mắc các bệnh liên quan đến rác thải; 23% số ca tử vong ở các nước đang phát triển có nguyên nhân từ các yếu tố môi trường; các yếu tố rủi ro môi trường liên quan đến hơn 80% các bệnh thường gặp...

Gian nan tìm lời giải

Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2020, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh đạt 85%. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đô thị (các phường, thị trấn) đạt 90%; 25/31 đô thị có tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%, các đô thị còn lại đạt khoảng 80 - 97%. Đặc biệt, 2 đô thị trọng điểm của tỉnh là TP Thanh Hóa và thị xã Bỉm Sơn, đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thu gom rác thải, hệ thống xử lý nước thải tập trung, bước đầu giải quyết một phần tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải gây ra. Tại khu vực nông thôn, nơi có hơn 70% dân số đang sinh sống, gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chất lượng môi trường sống đã và đang được cải thiện đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn đến năm 2019 đạt 77,6%; 95,1% số hộ gia đình được dùng nước hợp vệ sinh; 80,7% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Các trang trại, gia trại chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, đã và đang được hình thành ở nhiều địa phương. Công tác kiểm soát việc sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp đang được các sở, ngành, địa phương quan tâm...

Thế nhưng, bên cạnh nhiều kết quả đạt được trong công tác thu gom rác thải, nước thải; thì tình trạng quá tải chất thải và ô nhiễm môi trường đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Để rồi, đi tìm lời giải cho nan đề xử lý chất thải là không hề dễ. Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của bãi rác Đông Nam, ngày 23-4-2021, UBND TP Thanh Hóa đã nhận được công văn của UBND huyện Đông Sơn về việc đề nghị chỉ đạo, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu liên hiệp chôn lấp rác thải sinh hoạt tập trung xã Đông Nam. Qua công tác kiểm tra, giám sát, cho thấy việc thực hiện của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa chưa đảm bảo đúng quy trình, chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do việc quá tải tại các ô chôn lấp gây ra. UBND TP Thanh Hóa đã yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc quy trình xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định. Song, những giải pháp thực hiện vẫn chưa thể khắc phục được tình trạng ô nhiễm.

Trước đó, để có hướng xử lý vấn đề chất thải sinh hoạt, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra tiến độ triển khai các dự án nhà máy đốt rác phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn và nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn. Trong đó, nhà máy đốt rác phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn do Công ty TNHH Năng lượng môi trường TIANYU Thanh Hóa làm chủ đầu tư, có diện tích trên 10 ha, công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm. Tuy vậy, do chậm tiến độ thực hiện, dự án phải gia hạn nhiều lần đã ảnh hưởng đến công tác xử lý rác thải trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn. Tại buổi làm việc với chủ đầu tư, chính quyền thị xã Bỉm Sơn, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định, việc dự án nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, quan điểm của tỉnh là sẽ tạo điều kiện để chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ theo quy định; có cam kết bằng văn bản với tỉnh về tiến độ thực hiện dự án. Đến ngày 31-7-2021, chủ đầu tư phải hoàn thành những thủ tục có liên quan và không gia hạn thêm.

Đối với dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn do liên doanh Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Ecotech và Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành làm chủ đầu tư, với công suất giai đoạn 1 là 500 tấn/ngày đêm. Theo kế hoạch, nhà máy phấn đấu hoàn thành và sẽ vận hành vào cuối tháng 7-2021. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại đã quá thời gian cam kết, các nhà đầu tư lại tiếp tục xin gia hạn dẫn đến việc vận hành nhà máy vẫn chưa được triển khai thực hiện. Còn sau các vụ việc cá chết hàng loạt trên sông Mã, việc người dân mong chờ nhất là truy tìm nguyên nhân và kết quả xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm. Theo đó, UBND tỉnh vừa ra quyết định xử phạt 391 triệu đồng đối với Công ty TNHH Sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh (Cụm công nghiệp Bãi Bùi, huyện Lang Chánh) do xả nước thải không qua xử lý ra ngoài môi trường và yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp xử lý nước thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định. Tuy vậy, điều đáng nói, đây không phải lần đầu công ty này bị xử phạt về hành vi xả thải. Trước đó, năm 2017, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh 160 triệu đồng với hành vi xây trộm đường ống để xả thải trái phép ra sông Âm, khiến cá chết hàng loạt. Sự thiếu hợp tác của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường là một thực tế. Vì vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng là cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp phải tăng cường thực thi các chế định để giữ nghiêm pháp luật về môi trường.

Mặc dù vậy, bảo vệ môi trường không đơn thuần chỉ là thu gom, xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi môi trường; mà còn quan trọng hơn áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến và xa hơn nữa là chuyển đổi mô hình sản xuất, thay đổi hành vi, lối sống của con người nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và từng bước nâng cao chất lượng môi trường.

Bài 3: Bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề – bài toán khó!

Nhóm phóng viên VH-XH


Nhóm phóng viên VH-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]