(Baothanhhoa.vn) - Nghị quyết 05 có thể ví như “công cụ pháp lý” căn bản, làm cơ sở cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực, nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghị quyết 05-NQ/TU: Tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động vì môi trường bền vững: Bài 1 - Bảo vệ môi trường - bảo vệ sự sống!

Nghị quyết 05 có thể ví như “công cụ pháp lý” căn bản, làm cơ sở cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực, nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Nghị quyết 05-NQ/TU: Tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động vì môi trường bền vững: Bài 1 - Bảo vệ môi trường - bảo vệ sự sống!

Rừng ngập mặn được ví như một “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Rừng ngập mặn huyện Nga Sơn. Ảnh: PV

Từ những “điểm sáng”...

Đã có những thời điểm, môi trường bị đặt ra ngoài “guồng quay nóng” của tăng trưởng kinh tế. Để rồi, khi những hệ lụy nhãn tiền do ô nhiễm môi trường đè nặng lên đời sống kinh tế - xã hội, thì vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) mới được nhìn nhận lại một cách thỏa đáng, cấp bách. Đồng thời, có sự cộng đồng trách nhiệm ngày càng cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ và sâu rộng của nhiều cấp, ngành, địa phương, đơn vị, cộng đồng và người dân.

Chừng dăm năm trở về trước, vấn đề xử lý rác thải y tế vốn là bài toán khó không chỉ của riêng các cơ sở khám, điều trị bệnh; mà còn là một nan đề trong công tác quản lý, xử lý của nhiều cấp, ngành, địa phương. Xuất phát từ thực trạng đó, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Nghị quyết 05), đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2020, 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn.

Việc đưa chỉ tiêu xử lý chất thải y tế vào Nghị quyết 05 là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa và ngành y tế tích cực huy động các nguồn lực từ bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế; đồng thời, lựa chọn công nghệ xử lý tiên tiến, phù hợp để đưa vào áp dụng. Kết quả, đến nay ngành y tế đã đầu tư 24 hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện công lập; lắp đặt 10 cụm xử lý chất thải rắn y tế tập trung theo công nghệ thân thiện với môi trường (vi sóng, khử khuẩn kết hợp nghiền cắt), tại 10 khu vực chính (gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa và Bệnh viện Đa khoa Hậu Lộc, Triệu Sơn, Thạch Thành, Nông Cống, Bá Thước, Quan Hóa và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, thị xã Nghi Sơn). Tổng kinh phí đầu tư cho các công trình là gần 130 tỷ đồng; trong đó, đầu tư hệ thống xử lý nước thải bệnh viện là 60 tỷ đồng; đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý chất thải rắn y tế là gần 70 tỷ đồng. Theo đánh giá của ngành y tế, với mô hình xử lý theo cụm, không chỉ các bệnh viện được hưởng lợi, mà chất thải y tế nguy hại từ các trạm y tế xã cũng được thu gom, xử lý bảo đảm yêu cầu về môi trường. Cũng nhờ đó, 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn theo Nghị quyết 05.

Tỉnh Thanh Hóa có 102km bờ biển và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên với tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đã được khẳng định. Tuy nhiên, gắn với khai thác là trách nhiệm bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, cũng đang đặt ra một cách cấp thiết. Theo đó, Nghị quyết 05 đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53%; diện tích các khu rừng ngập mặn các năm tiếp theo không suy giảm so với năm 2015. Để thực hiện các chỉ tiêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm trồng mới được trên 10.000 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng được nâng từ 49% năm 2010, lên 53,46% năm 2020. Đồng thời, thực hiện các dự án GCF, dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển, tính đến năm 2019, diện tích rừng ngập mặn toàn tỉnh là 1.032,53 ha, tăng 550,73 ha so với năm 2015 (481,8 ha). Như vậy, cả 2 chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng và diện tích rừng ngập mặn đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết 05.

Đặc biệt, với việc tích cực triển khai kế hoạch hành động thực hiện “Chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, thời gian qua, các dự án nhà máy điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã và đang được ưu tiên đầu tư. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 dự án nhà máy năng lượng mặt trời đang triển khai xây dựng, vận hành, gồm Nhà máy Điện mặt trời ở xã Yên Thái, huyện Yên Định có công suất 30MW, do Công ty CP Năng lượng Sông Lam Sơn La làm chủ đầu tư (đã đi vào phát điện từ tháng 3-2019); Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc giai đoạn 1, có công suất 45MW, do Công ty CP Đầu tư thương mại và Du lịch Hoàng Sơn làm chủ đầu tư (đang trong quá trình giải phóng mặt bằng); Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, có công suất 160MW (đang lựa chọn nhà đầu tư). Ngoài ra, còn 4 dự án nhà máy điện mặt trời đang được Chủ tịch UBND tỉnh trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.

... đến những con số “biết nói”

Có thể khẳng định, sự ra đời của Nghị quyết số 05 có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa nói chung, công tác BVMT nói riêng. Đặc biệt, Nghị quyết 05 có thể ví như “công cụ pháp lý” căn bản, làm cơ sở cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực, nhằm từng bước ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng môi trường; đồng thời, kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ xã hội và BVMT trên địa bàn tỉnh.

Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 05 ngày càng đi vào cuộc sống và dần tạo chuyển biến cả trong nhận thức lẫn hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân về công tác BVMT. Qua đó, từng bước khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ BVMT của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Cụ thể, có 12/22 chỉ tiêu đã đạt hoặc vượt kế hoạch đến năm 2020; 5/22 đạt kết quả cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh được đổi mới có trọng tâm, trọng điểm gắn với việc giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, UBND huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành kiểm tra, giải quyết đơn, thư khiếu nại đối với hơn 2.200 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT 609 cơ sở, doanh nghiệp, với tổng số tiền phạt là hơn 16,5 tỷ đồng. Đặc biệt, việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã và đang triển khai có hiệu quả. Tính đến nay, đã có 45/82 cơ sở hoàn thành xử lý ô nhiễm (gồm 32 điểm tồn lưu hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, 5 làng nghề, 7 bãi chôn lấp rác thải và 1 khu vực ô nhiễm xăng dầu), đạt tỷ lệ 54,87% (mục tiêu của Nghị quyết 05 là 40%)...

Tuy nhiên, cùng với những con số phản ánh thành quả, thì quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 05 cũng đang cho thấy nhiều con số “biết nói” về bất cập, hạn chế. Đơn cử như, việc ban hành một số văn bản làm căn cứ để triển khai các nhiệm vụ liên quan, hiện vẫn chưa thể “thông suốt”. Cụ thể là Đề án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp; Đề án BVMT khu kinh tế, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đề án BVMT đô thị TP Thanh Hóa; Đề án BVMT đô thị TP Sầm Sơn; Đề án BVMT đô thị thị xã Bỉm Sơn, hiện vẫn đang “ách tắc” do Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ lập đề án BVMT khu kinh tế, các khu công nghiệp, các đô thị.

Đặc biệt, qua hơn 4 năm triển khai, nhưng mới có 8/21 dự án đã hoàn thành, hoặc đang thực hiện bảo đảm tiến độ; 7/21 dự án đã triển khai thực hiện nhưng không bảo đảm tiến độ; còn 6/21 dự án chưa triển khai thực hiện. Nguyên nhân là do khó khăn trong việc bố trí nguồn lực, hoặc chưa có hướng dẫn từ các bộ, ngành Trung ương. Ngoài ra, còn 4 chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 05 đạt kết quả thấp, bao gồm: các khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu về môi trường (đạt 30/50); các khu công nghiệp mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt 30/100); các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt 2,86/30); làng nghề đạt yêu cầu về môi trường (đạt 12,2/50). Đồng thời, còn 1 chỉ tiêu (giảm phát thải khí nhà kính) khó thực hiện do chưa có hướng dẫn tính toán lượng phát thải khí nhà kính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và gây bức xúc trong Nhân dân...

“Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” là thông điệp đã nhiều lần được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta nhấn mạnh, khi bàn về vai trò của môi trường như là một “chân kiềng” vững chắc cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Điều này cũng đã được luật hóa trong Điều 4, Luật BVMT 2020, đó là “BVMT là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động BVMT phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển”. Như vậy, sự ra đời của Nghị quyết 05 đã nắm đúng và trúng vấn đề bức thiết đang đặt ra trong thực tiễn. Để rồi, việc đưa nghị quyết vào cuộc sống phải được tiến hành một cách quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn, nhằm tạo ra “lực đẩy” từ trong tư duy, nhận thức, ý thức để chuyển hóa thành hành động BVMT - bảo vệ sự sống bền vững cho chính con người.

Bài 2: Xử lý triệt để chất thải - chờ đến bao giờ?

Nhóm phóng viên VH-XH


Nhóm phóng viên VH-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]