(Baothanhhoa.vn) - Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã được xác định là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm và 1 trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2021- 2026 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi số

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã được xác định là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm và 1 trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2021- 2026 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi số

Ứng dụng công nghệ thông tin, giúp người dân giải quyết thủ tục hành chính thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả UBND huyện Như Xuân.

Chuyển đổi số - xu thế phát triển tất yếu

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Để thích ứng với tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14-1-2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam”, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là: vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Giống như khai phá những vùng đất mới, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo dư địa và mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia”.

Chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chuyển đổi số là việc mới, việc khó, nên để đạt được các mục tiêu như Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đề ra, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm phù hợp với bối cảnh và thực tiễn.

“Chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy thiết kế và nội dung chính sách ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Nhiều điều ngày hôm qua, hôm nay là đúng nhưng sẽ phải thay đổi và phải thay đổi rất nhanh” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ như vậy tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) hồi tháng 10-2020.

“Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương” - phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh điều này, đồng thời cho rằng “Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại”.

Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã nêu rõ quan điểm: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Trong chuyển đổi số, thể chế và công nghệ là động lực. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ. Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.

Thanh Hóa thực hiện kế hoạch chuyển đổi số

Cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung là: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền số, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số. Ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền số; phát triển các doanh nghiệp số có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao; kinh tế số phát triển; xã hội số văn minh, hiện đại. Theo đó, một số mục tiêu cụ thể đề ra là: đến hết năm 2020 có 100% hồ sơ công việc được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử ở các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); đến năm 2030 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành dựa trên dữ liệu của các cơ quan Nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan Nhà nước; đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GRDP, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%...

Để triển khai hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về tăng cường chỉ đạo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tập trung chỉ đạo đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; đồng thời HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa, về đào tạo cán bộ, trang bị cơ sở vật chất CNTT cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cấp xã...

Với những bước đi quyết liệt, đến nay Thanh Hóa là một trong những tỉnh nằm trong top đầu của cả nước triển khai hiệu quả xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số, mỗi năm tiết kiệm gần 30 tỷ đồng chi phí hành chính của các cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng là tỉnh xây dựng được hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất trong cả nước với 348 điểm cầu tại các sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã của tỉnh, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước. Sau hơn 1 năm Cổng dịch vụ công tỉnh được đưa vào vận hành và gần 1 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, số thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 tăng cao so với những năm trước đây (năm 2020, toàn tỉnh tiếp nhận trên 75.000 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, tăng 51 lần so với năm 2019). Hiện nay Thanh Hóa cũng đang thí điểm triển khai việc chuyển đổi số trong chính quyền cấp xã và thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, trong các dịch vụ phục vụ đời sống dân sinh.

Đồng chí Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Một trong các nhiệm vụ và khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra là vấn đề phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Đối với nhiệm vụ này, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ bám sát Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đó cụ thể hóa thành các đề án, dự án, công việc rõ thời gian thực hiện, kết quả đầu ra phù hợp với điều kiện của tỉnh... Thời gian tới, sở sẽ tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân và doanh nghiệp, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện các nhóm mục tiêu khác”.

Bài và ảnh: Việt Linh


Bài và ảnh: Việt Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]