(Baothanhhoa.vn) - Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn của Chính phủ được triển khai đã và đang “chắp cánh” cho cả nghìn học sinh nghèo ở huyện vùng biên Mường Lát được cắp sách đến trường, theo đuổi con chữ.

Nghị định 116 của Chính phủ “chắp cánh” ước mơ đến trường của học sinh vùng biên

Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn của Chính phủ được triển khai đã và đang “chắp cánh” cho cả nghìn học sinh nghèo ở huyện vùng biên Mường Lát được cắp sách đến trường, theo đuổi con chữ.

Nghị định 116 của Chính phủ “chắp cánh” ước mơ đến trường của học sinh vùng biênNghị định 116 của Chính phủ giúp học sinh vùng khó tại Trường THCS Quang Chiểu có những bữa ăn bán trú đảm bảo dinh dưỡng.

Nhà nghèo, cách xa điểm trường hơn 8km, phải qua nhiều sông, suối, địa hình hiểm trở, đã nhiều lần gia đình bắt Thao Thị Mỵ, ở bản Pù Đứa, học sinh lớp 8A Trường THCS Quang Chiểu phải nghỉ học để lên nương, làm rẫy. Nếu không có nguồn hỗ trợ từ Nghị định 116 của Chính phủ, Thao Thị Mỵ khó có thể tiếp tục đến trường. Em Mỵ cho biết: "Nhờ sự hỗ trợ gạo của Nhà nước, em cũng như nhiều bạn của bản được tổ chức ăn bán trú tập trung, dinh dưỡng đảm bảo, việc học tập cũng được thường xuyên hơn”.

Thầy Đoàn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Chiểu, xã Quang Chiểu, cho biết: Em Mỵ là 1 trong 104 học sinh được nhận hỗ trợ gạo từ Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ. Chủ yếu là con em của các bản khó khăn xa trường học như bản Pù Đứa, Con Dao, Suối Tút, Cò Cài... Chương trình hỗ trợ gạo từ nghị định được xem là chính sách nhân văn của Nhà nước, rất thiết thực với học sinh vùng biên giới khó khăn như Mường Lát. Nhờ nguồn hỗ trợ này, nhiều học sinh ở xa đã được bán trú tập trung, đảm bảo nguồn dinh dưỡng, không ảnh hưởng đến việc học tập. “Trong 9 tháng của năm học, mỗi học sinh sẽ được nhận 15kg gạo/tháng và 596.000 đồng. Cuối năm học, sau khi trừ chi phí ăn bán trú, nếu còn thừa gạo, tiền hỗ trợ theo nghị định thì nhà trường sẽ trả lại cho học sinh”, thầy Sơn nói.

Đánh giá về tính thiết thực của chương trình hỗ trợ gạo, ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu nhận định: Thực tế ở các bản vùng khó, việc học sinh không đến lớp đều, phần lớn do kinh tế khó khăn, vì thế việc hỗ trợ từ Nghị định 116 của Chính phủ giúp các gia đình quan tâm hơn đến việc học hành của con em mình. Các chính sách hỗ trợ cũng góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ đi học, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục ở vùng còn nhiều khó khăn.

Tại Trường THPT Mường Lát, theo thống kê năm học 2022-2023 có 740/928 học sinh được nhận hỗ trợ theo quy định từ Nghị định 116 của Chính phủ. Em Sùng A Lầu, bản Nà Ón, xã Trung Lý cách Trường THPT Mường Lát 40km. Theo A Lầu, gia đình em khó khăn về kinh tế, nhà lại xa trường, nếu không có sự hỗ trợ gạo, tiền của Nhà nước để ăn bán trú thì việc đến trường theo đuổi con chữ có lẽ đã phải dừng lại từ lâu.

Thầy giáo Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát cho biết, với đặc thù huyện vùng biên, nhiều học sinh có khoảng cách lên đến hàng chục km so với trường, như các bản Cò Cài, Cánh Cộng, xã Trung Lý. "Việc hỗ trợ gạo của Chính phủ giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có con em đi học đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng. Chính sách hỗ trợ của nghị quyết định cũng giúp các trường khó khăn giải được bài toán khó về duy trì sĩ số học sinh. Mỗi chuyến hàng chở gạo hỗ trợ cho các em học sinh đã và đang viết tiếp ước mơ được cắp sách đến trường của học sinh nghèo ở các xã miền núi, vùng cao này”, thầy Văn nói.

Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ thì học sinh thuộc diện thụ hưởng chính sách, mỗi tháng được hỗ trợ 15kg gạo, hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, hỗ trợ tiền nhà ở mỗi tháng bằng 10% mức lương cơ sở; thời gian được hưởng không quá 9 tháng/năm. Ðối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/học sinh/năm học. Ðồng thời, được lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50 nghìn đồng/học sinh/năm...

Theo thống kê toàn huyện Mường Lát trong năm học 2022-2023 có 2.882 học sinh được nhận hỗ trợ gạo từ Nghị định 116. Trong đó tiểu học có 694 em, THCS có 1.448 em, THPT Mường Lát có 740 em. Số lượng gạo đã hỗ trợ trong năm học 2022-2023 là 382.920kg.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, UBND huyện đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hướng dẫn các đơn vị trường học tổ chức tiếp nhận gạo từ đơn vị cung ứng đúng kế hoạch. Công tác cấp phát gạo kịp thời, chính xác, đúng đối tượng. Đối với các trường tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh, bố trí nơi lưu gạo để thực hiện trong khẩu phần ăn hàng ngày cho học sinh. Đối với các trường không tổ chức ăn bán trú thì thực hiện cấp phát cho học sinh sau khi nhận gạo từ đơn vị cung ứng.

Theo bà Thúy, chương trình hỗ trợ gạo theo Nghị định 116 của Chính phủ thể hiện tinh thần nhân văn, tạo điều kiện cho con em các gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được đến trường. Từ đó, góp phần giúp các trường làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, hạn chế đến mức thấp nhất số học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]