Mùa du lịch văn hóa
Với sự đa dạng về văn hóa và thiên nhiên, du lịch văn hóa xứ Thanh đang là “điểm hẹn mùa xuân” hấp dẫn du khách gần xa. Chỉ tính riêng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, toàn tỉnh đón khoảng 675 nghìn lượt khách, tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, phần nào cho thấy sức hút mạnh mẽ của loại hình du lịch này.
Du khách đến với Di tích văn hóa và danh lam thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh) luôn đem theo những mong cầu tốt đẹp trong năm mới.
Ngay từ những ngày đầu xuân Ất Tỵ, các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh trên địa bàn tỉnh như: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), Di tích văn hóa và danh lam thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh), Di tích quốc gia đặc biệt đền Độc Cước (TP Sầm Sơn)... đã thu hút hàng nghìn du khách mỗi ngày. Với nhiều người, đây là cuộc hành hương mùa xuân qua những miền di sản, để nuôi dưỡng tâm hồn và mong cầu những điều tốt đẹp trong năm mới.
Tại Di tích văn hóa và danh lam thắng cảnh Phủ Na, anh Vũ Ngọc Tuyên đến từ huyện Hậu Lộc cho biết: “Đầu xuân tôi cùng gia đình, bạn bè thường đi lễ chùa cầu mong năm mới thật nhiều sức khỏe, công việc hanh thông. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến với Phủ Na, song thông qua hệ thống loa truyền thanh giới thiệu về di tích nên chúng tôi hiểu hơn về điểm đến và tín ngưỡng thờ Mẫu nơi đây”.
Được biết, từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán đến ngày mùng 10 tháng giêng tại đây đã đón khoảng 120 nghìn lượt khách. Để đảm bảo tốt công tác đón tiếp, phục vụ khách, Ban Quản lý di tích đã thành lập 7 tiểu ban để kiểm soát an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm nay, toàn bộ các điểm bán hàng tại di tích được di chuyển ra phía ngoài tam quan, đồng thời phân chia khu vực bán hàng cụ thể để tạo không gian cho du khách tham quan, mua sắm khi đến đây. Cùng với đó, tại các khu vực đền thờ và lối đi, Ban Quản lý di tích còn bố trí các biển khuyến cáo để du khách chủ động nâng cao cảnh giác, bảo quản tài sản cá nhân; bố trí khu vực nước uống, ghế ngồi phục vụ du khách miễn phí...
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán đến nay các điểm đến văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận số lượng du khách tăng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân một phần do kỳ nghỉ tết kéo dài, cộng với thời tiết thuận lợi. Ngoài ra, một số điểm đến còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian đầu xuân nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn Dương Đức Hưng cho biết: “Từ ngày mùng 1 tết đến nay, lượng khách đến với đền Độc Cước, đền Cô Tiên và đền thờ Tô Hiến Thành rất đông. Mỗi ngày các điểm đến đón và phục vụ khoảng 2 nghìn lượt khách đến dâng hương, vãn cảnh. Năm nay, tại tất cả các các điểm đến chúng tôi đều bố trí điểm phục vụ du khách check-in. Qua đó vừa góp phần mang đến cho du khách góc nhìn mới về du lịch văn hóa tâm linh, vừa góp phần quảng bá và định vị thương hiệu điểm đến”.
Còn đối với những doanh nghiệp lữ hành, mùa du xuân cũng chính là mùa du lịch cao điểm đầu tiên trong năm mới. Thông tin từ Chi hội Lữ hành tỉnh cho biết, hiện nay lượng khách đặt tour du lịch khám phá các điểm đến văn hóa tâm linh chiếm gần 80%. Chính vì vậy, cùng với các điểm đến, tất cả các đơn vị lữ hành đều phải nỗ lực để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Trong khi đó, cùng với dòng khách nội tỉnh, lượng khách từ tỉnh ngoài đến Thanh Hóa đã đăng ký dịch vụ từ nay đến trung tuần tháng 2 (âm lịch) tăng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, lượng khách lớn tập trung vào thời điểm này đã và đang đặt ra bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp khi “cháy” dịch vụ vận chuyển và hướng dẫn viên du lịch. Do đó, du khách có kế hoạch du xuân cần đăng ký dịch vụ sớm để các đơn vị lữ hành chủ động trong công tác chuẩn bị, đảm bảo chất lượng phục vụ.
Mùa lễ hội xứ Thanh còn kéo dài với rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức. Chính vì vậy, cần có sự quản lý chặt chẽ để mỗi điểm du lịch văn hóa đều để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Cùng với đó, mỗi người dân, du khách khi đi lễ hội cần thực hiện nghiêm các nội quy, quy định điểm đến, ứng xử văn minh nơi thờ tự. Đặc biệt, không tiếp tay cho hành vi mê tín dị đoan, cùng chung tay giữ gìn trật tự, cảnh quan môi trường, để cuộc hành hương mùa xuân về với xứ Thanh thực sự mang lại niềm vui đến tất cả mọi người.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2025-02-15 07:10:00
Đà Lạt dừng hoạt động xe điện chở khách tham quan từ ngày hôm nay (15/2)
-
2025-02-14 14:42:00
Từ trò chơi dân gian trở thành “đặc sản” du lịch
-
2025-02-14 11:07:00
Hướng dẫn đặt vé pháo hoa Đà Nẵng DIFF 2025 trực tuyến
Tổng hợp những địa điểm vui chơi không thể bỏ qua khi tới Quảng Ninh
Sức hút từ các sự kiện văn hóa, du lịch đầu xuân
Gần 2,1 triệu khách quốc tế “xông đất” Việt Nam trong tháng 1
Vé Bà Nà Hill 2025 - Bảng giá mới nhất & kinh nghiệm đặt vé tiết kiệm
9 ngày nghỉ Tết, Việt Nam đón 12,5 triệu lượt khách nội địa
Báo chí châu Âu đầu năm ca ngợi du lịch Việt Nam
Du lịch Thanh Hóa đón lượng khách lớn trong kỳ nghỉ tết