Một vài góp ý quanh việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo và lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên mầm non, phổ thông công lập, dự bị đại học. Dự thảo thông tư mới này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ giáo viên.
Cô, trò Trường THPT Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) trong giờ học.
Dự thảo quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng lên hạng II và hạng I đối với giáo viên mầm non, phổ thông, giáo viên dự bị đại học theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP. Ngoài tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, để đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, Bộ GD&ĐT quy định thêm tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng liên quan đến tiêu chuẩn xếp loại chất lượng trong thời gian giữ hạng II đối với người đăng ký dự xét lên hạng I; danh hiệu thi đua và thành tích khen thưởng trong tiêu chuẩn, điều kiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đăng ký dự xét hạng I phải đạt được trong thời gian giữ hạng II và do cơ quan có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng quy định cụ thể; đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo đề án vị trí việc làm của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thầy Lê Đình Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa), chia sẻ: "Sau khi nhận được dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng CDNN giáo viên, nhà trường đã thông báo rộng rãi đến toàn thể cán bộ, giáo viên để xin ý kiến góp ý theo quy định. Hiện nay, nhà trường có 1 giáo viên hạng II và 80 giáo viên hạng III (chưa kể cán bộ quản lý). Đa phần giáo viên nhà trường đều đồng tình với quy định mới về quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng CDNN giáo viên. Đồng thời mong muốn thông tư mới sớm được triển khai thực hiện để đời sống của giáo viên được đảm bảo tốt hơn nữa".
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Tài Quyển, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 5 (Triệu Sơn) cũng nêu ý kiến: “Mong rằng trong thời gian tới các cơ quan quản lý sớm ban hành văn bản hướng dẫn và triển khai thăng hạng đối với những giáo viên đủ điều kiện để giáo viên yên tâm công tác”.
22 năm là giáo viên hạng III tại Trường THPT Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), thầy Lê Hải Ngọc Sơn, giáo viên môn Vật Lý, cho rằng: "Qua nghiên cứu các quy định mới của dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng CDNN giáo viên, tôi rất vui mừng về những quy định mới quy định tại dự thảo tương đối sát với thực tiễn. Chẳng hạn như tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng CDNN giáo viên hạng II quy định: “Giáo viên phải được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng CDNN; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và pháp luật”. Tôi cho rằng điều kiện này là phù hợp, không quá khó để giáo viên phấn đấu. Đồng thời, đây cũng là động lực để giáo viên nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục".
Cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên Trường THCS Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) bày tỏ: Những quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng CDNN giáo viên được quy định trong dự thảo là tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, công bằng cho giáo viên, tôi mong muốn khi tổ chức xét thăng hạng cần ban hành thêm được bộ tiêu chí quy định thang điểm rõ ràng cho từng tiêu chuẩn. Ví dụ, điểm dành cho giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố phải cao hơn cấp trường. Đồng thời, thành lập một hội đồng giám sát, theo dõi quy trình xét thăng hạng để đảm bảo khách quan, minh bạch và không ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên.
Cũng theo cô Tuyết, dự thảo quy định giáo viên phải “được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên" là một trong những yêu cầu quan trọng về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên hạng II. Giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên khá dễ, nhưng để đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở thì khó hơn. Liên quan đến vấn đề này, theo cô Tuyết, quy định này không làm khó giáo viên mà trái lại buộc giáo viên phải cố gắng, nỗ lực trong quá trình công tác của mình. Việc xét thăng hạng CDNN giáo viên thời gian tới giống như một cuộc cạnh tranh nhưng cạnh tranh công bằng, bằng chính năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của thầy cô. Giáo viên có thành tích cao hơn được ưu tiên trong việc xét thăng hạng CDNN là quy định đúng đắn.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, một số giáo viên cũng băn khoăn về quy định danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đối với giáo viên hạng I được đề xuất trong dự thảo thông tư; tiêu chí năng lực ngoại ngữ, tin học của giáo viên hạng II, hạng I trong dự thảo thông tư quy định chưa cụ thể, khó vận dụng... Việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư mới kết thúc vào ngày 5/5/2024, sau đó Bộ GD&ĐT mới ban hành chính thức. Điều này có thiệt thòi cho nhà giáo trước và khi thực hiện cải cách chế độ tiền lương mới không?
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2025-01-12 11:05:00
Thiết thực ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025
-
2025-01-12 10:22:00
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương sớm công bố môn thi thứ 3 vào lớp 10
-
2024-04-24 08:57:00
Từ nay đến 28/4, học sinh được thử đăng ký thi Tốt nghiệp THPT trực tuyến
Tạo chuyển biến trong dạy và học tiếng Anh
Duy trì hoạt động khuyến học, khuyến tài trong các cơ quan, doanh nghiệp
Đầu tư cơ sở vật chất theo chương trình giáo dục phổ thông mới
Trao học bổng toàn phần du học nghề Đức cho học sinh nghèo vượt khó
Thúc đẩy tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ
Gần 1.000 học sinh tham dự chương trình tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2024
Kỹ năng sống - hành trang không thể thiếu của học sinh
Trước kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006
Chốt lịch tuyển sinh đại học 2024