Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024)
“Một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”!
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Bởi từ đây, dân tộc Việt Nam sẽ bước sang một kỷ nguyên phát triển mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Các mạng Tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH (Trong ảnh: TP Thanh Hóa ngày nay). Ảnh: Khôi Nguyên
Gần 1 thế kỷ bị giày xéo dưới gót dày thực dân và xiềng xích phong kiến, bước sang năm 1945, cùng với tình hình thế giới diễn biến ngày càng có lợi cho cách mạng, thì thời cơ giải phóng dân tộc cũng đã điểm. Ngay từ cuối năm 1944, Đảng ta đã dự đoán mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa hai tên đế quốc phát xít Pháp - Nhật sẽ dẫn đến chỗ “tao sống mày chết, quyết liệt cùng nhau”. Và đúng như dự đoán, đến đầu tháng 3/1945 những mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp ở Đông Dương và tình thế khốn quẫn của quân đội Nhật ở Thái Bình Dương, đã buộc Nhật phải quyết định lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương hòng cứu vãn tình thế.
Ngày 9/3/1945, Nhật tiến hành đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương. Ngay đêm hôm ấy, Ban Thường vụ Trung ương họp hội nghị mở rộng quyết định phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước, làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản Chỉ thị đã chỉ rõ: Sau cuộc đảo chính “đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của Nhân dân Đông Dương”. Do đó phải thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp”, bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”, thực hiện khẩu hiệu "Thành lập chính quyền cách mạng của Nhân dân Đông Dương”. Đồng thời, với tinh thần tích cực, khẩn trương, Trung ương Đảng đã nhanh chóng truyền đạt tinh thần Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng (9/3) và bản Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đến các địa phương trong cả nước.
Lúc này, giải quyết nạn đói để cứu dân, cứu dân tộc khỏi tự diệt vong là yêu cầu bức thiết nhất, gay gắt nhất. Xuất phát từ tình hình thực tế và từ lợi ích của Nhân dân, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 3/1945 đã đề ra khẩu hiệu: “Phá kho thóc giải quyết nạn đói". Khẩu hiệu này được đưa ra đồng thời với khởi nghĩa từng phần và Đảng coi đây là trọng tâm công tác, là khâu chính để biến lòng căm thù của Nhân dân thành hành động cứu nước. Và thực tế đã chứng minh, chủ trương “Phá kho thóc giải quyết nạn đói" của Đảng đã đáp ứng đúng nguyện vọng của toàn dân và đã lôi cuốn hàng triệu quần chúng vào phong trào phá kho thóc chống đói, với nhiều hình thức từ thấp đến cao, phong phú và sáng tạo.
Phong trào đã nhanh chóng giải quyết được nạn đói ở nhiều tỉnh. Từ đó mà uy tín của Việt Minh lên rất cao. Đồng thời, phong trào thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh và khởi nghĩa trong Nhân dân, tập dượt quần chúng đi từ hình thức đấu tranh thấp đến những hình thức đấu tranh cao, kết hợp đấu tranh kinh tế, chính trị, vũ trang chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.
Cùng với phong trào “Phá kho thóc giải quyết nạn đói”, sau khi Nhật đảo chính Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phong trào khởi nghĩa từng phần bùng lan trên cả nước. Trong bối cảnh phong trào cách mạng lên cao, Quốc dân Đại hội tại Tân Trào được tổ chức tại Tuyên Quang (ngày 16/8/1945). Tại đại hội, Đảng nêu lên chủ trương lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ủy ban Giải phóng dân tộc được trao sứ mệnh “Thay mặt quốc dân mà giao thiệp với các nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước”. Đại hội Quốc dân Tân Trào đã thể hiện sự đoàn kết, nhất trí của toàn thể dân tộc ta trong giờ phút quyết định. Đại hội là biểu hiện cho lòng tin tưởng tuyệt đối của toàn dân vào Đảng; đồng thời tượng trưng cho quyết tâm sắt đá của toàn thể Nhân dân ta quyết đứng lên giành tự do, độc lập.
Ngay sau Đại hội Quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa. Trong thư, Người thông báo với đồng bào tin Nhật đầu hàng; sự lớn mạnh của Mặt trận Việt Minh; sự ra đời của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do “Việt Nam Quốc dân đại biểu Đại hội" cử ra và Người cho đó là “một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay”. Người cũng chỉ rõ, việc đấu tranh giành độc lập của Nhân dân ta còn gay go, dằng dai, "không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta vẫn phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập". Người động viên đồng bào hãy gia nhập, ủng hộ Việt Minh, đoàn kết chung quanh Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam để giành lại quyền độc lập cho Tổ quốc. Cuối thư, Người thiết tha kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Với tinh thần đó, mặc dù chưa nhận được lệnh của cấp trên, song do thời cơ thuận lợi xuất hiện, Đảng bộ và Việt Minh các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Mỹ Tho đã phát động và lãnh đạo quần chúng Nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thắng lợi. Phương thức khởi nghĩa ở các tỉnh này là kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; trong đó lực lượng chính trị đóng vai trò quyết định, lực lượng vũ trang đóng vai trò xung kích, hỗ trợ.
Đặc biệt, sau một thời gian chuẩn bị rất ngắn, Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội đã phát động Nhân dân Hà Nội nổi dậy giành chính quyền vào ngày 19/8/1945. Ngay từ sáng sớm, Hà Nội đỏ rực màu cờ cách mạng. Hàng vạn nông dân, dân nghèo, với các vũ khí thô sơ từ Láng, Mọc kéo ra chiếm đại lý Hoàn Long, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực Ngã Tư Sở, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa ở nội thành. Cùng với đó, hàng vạn quần chúng Nhân dân ngoại thành, từ các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm mang theo cờ Việt Minh, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm tiến vào nội thành với sức mạnh như thác đổ. Tất cả đều tập hợp trước Nhà hát Lớn khiến cả Hà Nội như rung chuyển trong tiếng hô khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Chính quyền Nhân dân cách mạng”, “Cách mạng thành công muôn năm”, “Lập Ủy ban dân quân cách mạng”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”...
Đúng 11 giờ, trước hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát Lớn, Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị võ trang tự vệ dẫn đầu chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu như Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát... Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ kiên cường, hầu hết các công sở chính quyền địch đều nhanh chóng về tay Nhân dân. Đến tối 19/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi. Ngày 20/8, Ủy ban Nhân dân cách mạng Hà Nội được thành lập, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ cũng được tổ chức.
Thắng lợi ở Hà Nội đã tạo điều kiện để Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh chuyển về Hà Nội, để chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội còn có tầm quan trọng trong việc gợi mở một phương thức khởi nghĩa “giành lấy chính quyền một cách không phải đổ máu ở những nơi giằng co với Nhật và ngụy quyền thân Nhật, hoặc ở ngay những nơi ta đã giành được chính quyền rồi nhưng chính quyền chưa ổn định". Đặc biệt, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội được ví như một tiếng bom vang dội, đã đưa cuộc tổng khởi nghĩa lên một tầm cao mới, mở ra thời kỳ khởi nghĩa dồn dập trong phạm vi cả nước.
Và thực tế là gần như toàn bộ các tỉnh miền Bắc đến Thanh Hóa, Nghệ An đều tiếp theo Hà Nội tiến hành khởi nghĩa. Trong không khí sục sôi, sáng 23/8, 15 vạn người dân Huế đã tràn ngập các khu phố, ngã đường rồi kéo về dự cuộc mít tinh tại sân vận động thành phố. Tại đây, Ủy ban Việt Minh và Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, lập chính quyền cách mạng. Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời Thừa Thiên - Huế ra đời. Huế khởi nghĩa thắng lợi là tiền đề dẫn đến sự tuyên bố thoái vị vua phong kiến cuối cùng ở Việt Nam vào ngày 30/8. Tiếp bước Huế, đúng 18 giờ ngày 24/8, Ủy ban Khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ phát lệnh khởi nghĩa. Đến rạng sáng 25/8, Sài Gòn đã về tay lực lượng cách mạng.
Sau khi Hà Nội, Huế, Sài Gòn - những địa bàn chiến lược của cách mạng và đại bộ phận các địa phương đã khởi nghĩa thành công, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của Nhân dân ta chuyển vào giai đoạn kết thúc.
...
Cách mạng Tháng Tám thành công là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Bởi từ đây, dân tộc Việt Nam bước sang một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đất nước Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới, với tư cách và vị thế của một quốc gia - dân tộc có độc lập, có chủ quyền. Khi đánh giá về ý nghĩa thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho Nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”!
Cách mạng Tháng Tám là một trong những dấu son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám được xem là thắng lợi của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và là thắng lợi vĩ đại của Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở Việt Nam. Thắng lợi vĩ đại này là minh chứng hùng hồn cho một chân lý thời đại. Đó là các dân tộc bị áp bức nếu có đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, có tinh thần đoàn kết chặt chẽ và biết tranh thủ sức mạnh thời đại, thì dân tộc ấy nhất định thắng lợi!
Khôi Nguyên
(Bài viết sử dụng tư liệu trong “Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam - Tập 2”).
- 2024-11-04 20:00:00
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 4/11
- 2024-11-04 18:00:00
[Bản tin 18h] 10 đối tượng được miễn thu phí sử dụng đường bộ cao tốc
- 2024-08-19 07:00:00
Điểm nóng 19/8: Công an ra quân bắt giữ hàng chục đối tượng tham ô
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc sắp xếp đơn vị hành chính đô thị
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 19/8
Cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km cao tốc: Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Diễn đàn trẻ em tỉnh Thanh Hoá năm 2024: Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
Nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Như Xuân
Công bố quyết định thành lập Nghiệp đoàn cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn huyện Đông Sơn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 36
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 18/8/2024
Những sự kiện nổi bật trong tuần