(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn (CTR) trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành có liên quan của tỉnh, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường quản lý và xử lý chất thải rắn công nghiệp

Thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn (CTR) trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành có liên quan của tỉnh, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực.

Tăng cường quản lý và xử lý chất thải rắn công nghiệp

Hệ thống lò hơi đốt vải vụn của Nhà máy may xuất khẩu Như Thanh (Tổng Công ty Tiên Sơn).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế, khối lượng CTR công nghiệp ước tính khoảng 500 tấn/ngày đêm, tương đương 182.500 tấn/năm. Tỷ lệ thu gom CTR tại các khu công nghiệp ước đạt khoảng 90%, phần lớn các loại CTR thông thường được hợp đồng thu gom với các HTX hoặc công ty vệ sinh của các địa phương. Một số CTR công nghiệp đã được các đơn vị sản xuất thu gom, xử lý theo đúng quy định và tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu, nhiên liệu cho các ngành sản xuất khác, như: CTR ngành khai thác khoáng sản được tận dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng; CTR ngành nhiệt điện và các lò hơi đốt than được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch không nung); CTR ngành mía đường được tận dụng làm nhiên liệu lò đốt cấp hơi; CTR ngành may mặc, giầy da được tận dụng làm vật liệu nhiên liệu đốt, thu hồi tái chế. Các sở, ngành có liên quan của tỉnh cũng tích cực hướng dẫn các đơn vị sản xuất thu hồi các sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát công tác thu gom, xử lý CTR phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Triển khai sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp, khuyến khích tái chế, tái sử dụng CTR công nghiệp thông thường làm nguyên liệu sản xuất, thu hồi năng lượng nhằm hạn chế phát thải CTR ra môi trường.

Năm 2015, Tổng Công ty Tiên Sơn áp dụng công nghệ lò hơi đốt phế phẩm vải vụn theo công nghệ của Hàn Quốc, tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng/lò. Sau hơn 4 năm triển khai lắp đặt và vận hành sử dụng lò đốt này đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Mỗi năm giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 700 - 800 triệu đồng/lò đốt, từ việc trước đây phải sử dụng than đốt lấy hơi phục vụ sản xuất. Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tiên Sơn, cho biết: Trước đây, các phế phẩm vải vụn đều bỏ đi hoặc phải thuê xử lý và doanh nghiệp vẫn phải mua nhiên liệu để vận hành lò hơi cung cấp hơi cho công đoạn là và hấp vải. Thông qua mô hình này, giúp cho đơn vị sử dụng năng lượng tiết kiệm và tận dụng các nguồn phế liệu, vải vụn để tạo ra năng lượng tái tạo. Hiện đơn vị đã trang bị cho 6/9 nhà máy may xuất khẩu trực thuộc. Thời gian tới, đơn vị sẽ đầu tư trang bị lò hơi đốt phế phẩm vải vụn cho các nhà máy còn lại. Việc đầu tư lò hơi đốt phế phẩm vải vụn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường.

Thực hiện Quyết định số 3407/QĐ-UBND ngày 8-9-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 7 dự án khu xử lý CTR tập trung, trong đó có 1 dự án đang hoạt động là khu xử lý CTR Trường Lâm (Tĩnh Gia) công suất 50 tấn/ngày đêm; 2 dự án đang triển khai xây dựng gồm khu liên hợp xử lý CTR tại xã Đông Nam (Đông Sơn) và khu xử lý CTR tại xã Xuân Bình (Như Xuân); còn 2 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư là khu xử lý CTR tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và khu liên hợp xử lý CTR tại xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy)... Để tăng cường các biện pháp quản lý và xử lý CTR công nghiệp, các ngành có liên quan của tỉnh đang tập trung rà soát, nghiên cứu hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách về tài chính, khung giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR. Khuyến khích các dự án đầu tư xử lý, tái sử dụng, tái sinh, tái chế CTR đối với các khu xử lý trọng điểm. Tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý CTR, nhất là CTR nguy hại của các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp. Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp trong nghiên cứu đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu khối lượng CTR thông thường và CTR công nghiệp nguy hại phát sinh. Tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng CTR trong công nghiệp. Quan tâm đầu tư trang thiết bị và nhân lực cho các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ thu gom và xử lý CTR. Ngoài việc nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ; hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại trong các giai đoạn sản xuất. Thêm vào đó, các doanh nghiệp tăng cường áp dụng sản xuất sạch hơn, kiểm soát quá trình, cải tiến trang thiết bị để tránh thất thoát nguyên vật liệu.

Bài và ảnh: Lê Hợi


Bài Và Ảnh: Lê Hợi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]