Mở hướng đi mới trong trồng rừng bằng cây nuôi cấy mô
Với ưu điểm cây chắc, năng suất, chất lượng gỗ cao, giống cây nuôi cấy mô đang khẳng định được ưu điểm vượt trội, vừa mang lại hiệu quả cao về kinh tế, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa.
Diện tích rừng trồng bằng cây keo lai nuôi cấy mô tại huyện Như Thanh phát triển tốt.
Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất cây giống đảm bảo số lượng, chất lượng để phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Các vườn ươm trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị hơn 1 triệu cây mô để phục vụ mở rộng diện tích trồng rừng. Ngoài ra, các địa phương đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai sản xuất theo phương pháp nuôi cấy mô.
Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Như Thanh được UBND tỉnh giao quản lý, sử dụng hơn 15.000ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 12 xã thuộc 3 huyện Như Thanh, Nông Cống và Như Xuân. Để nâng cao hiệu quả trồng mới rừng, các trạm quản lý, bảo vệ rừng tại các xã thường xuyên bám địa bàn hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức cho các hộ trồng mới rừng sản xuất theo hướng thâm canh như keo nuôi cấy mô, keo hom... Phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức họp thôn, bản, vận động các hộ dân thiết kế kỹ thuật các công trình lâm sinh; chuẩn bị tốt hiện trường; đầu tư vốn trồng mới rừng. Cùng với chỉ đạo, đôn đốc công tác sản xuất, chăm sóc cây giống, các đơn vị chức năng đã kiểm tra cây giống xuất vườn và cấp giấy chứng nhận lô giống đủ tiêu chuẩn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn về chiều cao, đường kính... mới được xuất vườn đưa ra trồng rừng trên địa bàn ban quản lý.
Ông Lê Thanh Phong ở xã Thanh Tân (Như Thanh) chia sẻ: “Tôi nhận khoán trồng 6,4ha bằng cây keo lai mô. Ngoài được hỗ trợ cây giống, phân bón, tôi còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Đến nay, rừng keo sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt gần 100%”.
Giám đốc BQLRPH Như Thanh Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Từ năm 2021 đến 2025 tổng diện tích rừng đã trồng là 231,8ha, trong đó có 122,76ha rừng trồng sản xuất, 109,04ha rừng trồng phòng hộ (keo lai mô xen bằng cây chính như lim xanh, dổi, mỡ). Nổi bật là 3 năm (2021-2023) đã trồng được 168ha cây keo nuôi cấy mô. Trong đó, năm 2023 ban đã trồng được hơn 100ha cây keo nuôi cấy mô”.
Tại huyện Lang Chánh, BQLRPH huyện thực hiện trồng thí điểm mô hình giống keo lai mô với diện tích là 20ha từ năm 2015. Qua đánh giá hiệu quả bước đầu, cùng thời gian sinh trưởng và phát triển, các điểm trồng rừng bằng giống keo lai mô có nhiều ưu điểm và cho sinh khối gỗ cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với diện tích trồng rừng bằng giống keo tai tượng hạt nội và keo Úc. Từ năm 2015 đến nay đơn vị đã tổ chức cho các hộ nhận khoán trồng rừng sản xuất được 150ha rừng bằng giống keo lai mô. Riêng từ đầu năm đến nay đã trồng được gần 40ha rừng bằng cây keo lai mô và keo Úc tại nhiều xã trên địa bàn.
Để thúc đẩy trồng rừng bằng cây nuôi cấy mô, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 1.300 đồng/cây giống, tối đa không quá 2 triệu đồng/ha. Điều kiện để nhận hỗ trợ bao gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận khoán đất rừng sản xuất; diện tích trồng rừng bằng cây giống nuôi cấy mô phải từ 1ha trở lên đối với hộ gia đình, cá nhân và từ 20ha trở lên đối với tổ chức.
Trưởng phòng Phát triển và Sử dụng rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đình Thái cho biết: “Tỉnh đã triển khai hiệu quả việc trồng rừng tập trung bằng cây nuôi cấy mô, đạt được nhiều kết quả tích cực cả về chính sách hỗ trợ, phương thức triển khai và diện tích rừng trồng. Từ năm 2021 đến năm 2024 toàn tỉnh đã trồng hơn 6.500ha rừng tập trung bằng cây nuôi cấy mô. Riêng trong năm 2024 đã trồng mới và trồng lại sau khai thác được gần 10.000ha rừng, trong đó có hơn 1.500ha rừng được trồng bằng cây nuôi cấy mô, chủ yếu là keo. Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao, với sinh khối gỗ gấp từ 1,6 đến 2 lần so với diện tích trồng rừng bằng giống phổ biến tại địa phương. Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới hơn 1.000ha trồng bằng cây nuôi cấy mô”.
Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng diện tích rừng trồng bằng cây giống nuôi cấy mô; nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng thông qua việc sử dụng giống cây chất lượng cao kết hợp thâm canh rừng trồng; chuyển đổi dần từ cây giống truyền thống sang giống công nghệ cao. Bên cạnh đó thúc đẩy liên kết giữa nghiên cứu, sản xuất và người trồng rừng.
Để đạt được mục tiêu trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Môi trường có cơ chế, chính sách để mở rộng các cơ sở sản xuất giống quy mô lớn để giảm chi phí; tự động hóa một số khâu trong nuôi cấy để tiết kiệm nhân công. Phối hợp cùng các đơn vị, địa phương trong chuyển giao công nghệ và đào tạo kỹ thuật trồng cây nuôi cấy mô; xây dựng mô hình mẫu để hướng dẫn cụ thể về cách trồng, chăm sóc cây nuôi cấy mô. Đơn giản hóa trình tự, thủ tục, hồ sơ của các chính sách hỗ trợ giống cây nuôi cấy mô để người dân hăng hái tham gia đăng ký và thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu các loại cây phù hợp với từng vùng sinh thái; cải tiến giống cây có năng suất cao, chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Bài và ảnh: Anh Tuân
{name} - {time}
-
2025-05-06 11:40:00
Chênh lệch giá vàng cao kỷ lục: Tăng cường thanh tra hoạt động kinh doanh vàng
-
2025-05-06 10:44:00
Những kỹ năng cần thiết của người kinh doanh giỏi
-
2025-05-06 10:01:00
Xây dựng mô hình kinh tế HTX hiệu quả
Điện lực Quan Hóa triển khai các giải pháp, bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn trên địa bàn
Những bước phát triển vượt bậc của kinh tế tư nhân sau gần 40 năm đổi mới
Giá vàng thế giới tăng hơn 2% nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn
Bản tin Tài chính 6/5: Căng thẳng địa chính trị, vàng thế giới tăng thẳng đứng
Tổ chức lại 20 Chi cục thuế thành 34 Thuế tỉnh, thành phố
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân
Giá xăng, dầu cùng giảm sau nghỉ lễ
Hậu Lộc đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Liên Hoa