(Baothanhhoa.vn) - Để XDNTM kiểu mẫu, các xã phải hoàn thiện 3 nhóm tiêu chí bao gồm: Thu nhập bình quân đầu người, có ít nhất 1 "thôn thông minh" và lựa chọn lĩnh vực kiểu mẫu. Vì vậy, những năm qua, các xã phấn đấu XDNTM kiểu mẫu đã xây dựng thành công mô hình "thôn thông minh", qua đó giúp người dân tiếp cận với các nền tảng số, từ đó thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Mô hình “Thôn thông minh” - hiệu quả thiết thực trong cuộc sống

Để XDNTM kiểu mẫu, các xã phải hoàn thiện 3 nhóm tiêu chí bao gồm: Thu nhập bình quân đầu người, có ít nhất 1 “thôn thông minh” và lựa chọn lĩnh vực kiểu mẫu. Vì vậy, những năm qua, các xã phấn đấu XDNTM kiểu mẫu đã xây dựng thành công mô hình “thôn thông minh”, qua đó giúp người dân tiếp cận với các nền tảng số, từ đó thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Mô hình “Thôn thông minh” - hiệu quả thiết thực trong cuộc sốngCảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp ở thôn Xa Thư, xã Quảng Bình (Quảng Xương).

Xu thế tất yếu

Đến xã Quảng Bình (Quảng Xương) những ngày sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê thuần nông năm xưa giờ trở thành “phố thị”, song vẫn giữ được nét thanh bình, yên ả của làng quê.

Đi trên con đường thảm nhựa thênh thang, 2 bên đường là cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Xa Thư Lê Đình Bạo thong thả nói: “NTM kiểu mẫu đã làm đổi thay trong từng nếp nhà, ngõ xóm, cách làm của người dân. Bởi, khi có con đường sạch đẹp, cảnh quan thoáng đãng, bà con đã nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường từ nhà ra ngõ; đời sống văn hóa, tinh thần được nâng cao, người dân có sân chơi để sinh hoạt cộng đồng, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Đặc biệt, hạ tầng viễn thông được đầu tư bài bản, việc “số hóa” đi vào đời sống hằng ngày của bà con.

Nói rồi Bí thư Chi bộ thôn Xa Thư mở điện thoại cho chúng tôi xem các nhóm zalo “Xa Thư - Nhân dân tương tác”, “Tổ công tác NTM Xa Thư”, “An ninh trật tự thôn Xa Thư”..., trong đó đăng tải công tác chỉ đạo của xã, nhiệm vụ của thôn, tình hình an ninh trật tự trong thôn; có cả những phản ánh của người dân về môi trường, đất đai... “Đây là kênh thông tin quan trọng để bà con kịp thời nắm bắt được hoạt động của thôn, đồng thời giúp cho cán bộ thôn tuyên truyền cho Nhân dân hiểu các quy định của Nhà nước. Việc xây dựng mô hình “thôn thông minh” đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống hằng ngày của người dân, là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số hiện nay. Hiện, toàn thôn đã lắp được 20 mắt camera giám sát được kết nối với công an xã và cán bộ thôn để quản lý và khai thác hình ảnh. Các hộ dân tự lắp đặt được 120 mắt, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế các hành vi trộm cắp vặt, đánh nhau gây mất trật tự, các tệ nạn xã hội giảm rõ rệt trong thôn” - Bí thư Chi bộ thôn Xa Thư Lê Đình Bạo cho biết.

Cũng giống thôn Xa Thư, thời gian qua, người dân thôn Kim Sơn, xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa) đã quen với việc ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống hàng ngày như giao dịch thương mại điện tử, thông qua mạng xã hội để phản ánh tình hình trong thôn... Ban quản lý thôn cũng không còn vất vả khi phải đi từng nhà thông báo hoặc thông báo trên loa truyền thanh nữa, mà tất cả các công việc của thôn đều được thông báo trên nhóm zalo để bà con nắm bắt.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tư, Trưởng thôn Kim Sơn, cho biết: Những năm gần đây, chất lượng cuộc sống của người dân trong thôn ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, bà con đã tiếp cận rất nhanh với công nghệ số. Bởi, khi xã giao nhiệm vụ xây dựng mô hình “thôn thông minh”, chi ủy, ban quản lý thôn đã tổ chức họp thôn, tuyên truyền cho bà con hiểu về mục đích, ý nghĩa của mô hình. Nhận thấy lợi ích và hiệu quả mang lại, người dân trong thôn đồng thuận trong thực hiện các tiêu chí. Đến nay, toàn thôn có 97,94% người dân trong độ tuổi lao động dùng tài khoản thanh toán điện tử để thanh toán tiền điện, tiền nước, mua hàng trực tuyến, thanh toán tiền phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 60% hộ dân trong thôn lắp camera an ninh tại gia đình, trong thôn đã lắp đặt được 5 mắt camera an ninh tại các ngã ba, ngã tư, nơi tập trung đông người..., góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu dân cư.

Kết nối chính quyền với người dân

“Xây dựng mô hình “thôn thông minh” không chỉ tiện lợi trong công tác điều hành lãnh đạo của xã, thôn, bảo đảm an ninh trật tự, bà con tiếp cận với công nghệ số để giao dịch thương mại điện tử... mà còn áp dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh; kết nối chính quyền với người dân” - ông Nguyễn Đăng Ngọc, Chủ tịch UBND xã Định Long (Yên Định), chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đăng Ngọc, để đạt các chỉ tiêu trong xây dựng xã kiểu mẫu, xã Định Long đã lựa chọn thôn Tân Ngữ 2 để xây dựng thôn kiểu mẫu, đồng thời xây dựng mô hình “thôn thông minh”. Theo đó, xã đã ra quyết định thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng”. Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ là tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số áp dụng vào cuộc sống; nhất là hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, mở tài khoản thanh toán điện tử; sử dụng nền tảng số, công nghệ số để quảng bá sản phẩm... Hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng định danh điện tử VneID, chữ ký số cá nhân, ứng dụng Thanhhoas và các dịch vụ số cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch...

Với sự vào cuộc trên, đến nay thôn Tân Ngữ 2 có 3 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đó là: Mô hình ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm và bán sản phẩm bánh lá răng bừa Nam Hương - sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao lên sàn thương mại điện tử; mô hình camera an ninh, mô hình chợ Bản không dùng tiền mặt. Hiện, toàn thôn Tân Ngữ 2 đã lắp đặt được gần 30 mắt camera tại tất cả các tuyến đường thôn, xóm; 250 tiểu thương tại chợ Bản và 100 cửa hàng kinh doanh dọc Quốc lộ 45 đã tạo mã QR để giao dịch. Toàn thôn có 338/420 người trong độ tuổi lao động có tài khoản ngân hàng, đạt tỷ lệ 80,5% nên khi đi chợ bà con chủ yếu giao dịch qua tài khoản ngân hàng, hạn chế dùng tiền mặt.

Từ hiệu quả thiết thực của mô hình “thôn thông minh”, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay xã Quảng Bình đang xây dựng mô hình “xã thông minh” nhằm hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn; đồng thời, nâng cao kỹ năng số cho người dân để mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ số, giúp người dân dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trên môi trường số.

Bà Trần Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Bình, cho biết: Hiện nay, xã Quảng Bình đã hoàn thành 30/30 chỉ tiêu chuyển đổi số theo hướng dẫn tại Công văn số 2115/STTTT-CNTT, ngày 5/10/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông. 100% văn bản đi của xã đều được xử lý trên môi trường mạng. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên cổng dịch vụ công của tỉnh và trên các phương tiện truy cập đạt 100%. Phòng họp trực tuyến của xã được liên thông tới cấp huyện, cấp tỉnh, Trung ương, được quản lý, khai thác và vận hành, sử dụng hiệu quả. Các nhóm zalo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được sử dụng hiệu quả, góp phần nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của Nhân dân và những vấn đề vi phạm phát sinh trong đời sống xã hội. Đồng thời, cũng là kênh thông tin có thể truyền tải kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương đến với người dân một cách nhanh nhất, chính xác nhất.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]