(Baothanhhoa.vn) - Trời quê mẹ vẫn màu trời ấy, nhưng xa kia những đứa con đi mãi không về. Tôi nhớ có ý thơ như thế, nói về sự ra đi của những người lính. Một sự ra đi bình lặng, thanh cao, dù thân xác không còn, nhưng sẽ còn mãi dòng tên trên ngực áo, trên tấm bằng Tổ quốc ghi công.

"Dòng tên anh khắc vào đá núi…"

Trời quê mẹ vẫn màu trời ấy, nhưng xa kia những đứa con đi mãi không về. Tôi nhớ có ý thơ như thế, nói về sự ra đi của những người lính. Một sự ra đi bình lặng, thanh cao, dù thân xác không còn, nhưng sẽ còn mãi dòng tên trên ngực áo, trên tấm bằng Tổ quốc ghi công.

“Dòng tên anh khắc vào đá núi…”

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa giúp dân bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra (đầu tháng 8-2019).

Đã mấy đêm nay, như biết bao người dân Việt, tôi không thể ngon giấc. Cảm giác ấy lặp lại với mức độ lớn hơn cách đây mấy mùa mưa mà tôi đã khóc cho những người lính biên phòng ngã xuống trong dòng lũ xiết.

Từng nhiều năm cầm bút lên miền biên viễn theo những người lính biên phòng, và ở chính nơi phên dậu xa xôi của Tổ quốc, tôi được chứng kiến đến tận cùng sự hồn nhiên, trong trẻo, nhưng đầy kiên gan của người lính trước cái khổ, trước sự cám dỗ của vật chất từ những đường dây buôn lậu xuyên biên giới.

Những người lính ấy sống và yêu theo cái cách rất riêng, khiến tôi càng khâm phục. Dù làm nhiệm vụ giữa thời bình nhưng không hề nhàn nhã. Hết cắm bản làm thầy giáo, thầy thuốc, rồi lại xuyên đêm đi tuyên truyền văn hóa ở những bản làng nơi xa xôi nhất. Còn là những chuyến tuần tra biên giới mà không thể tính bằng kế hoạch đoạn đường hay mốc thời gian.

Những giọt nước mắt của tôi đã rơi một cách tự nhiên đúng xuống dòng tin mà tôi viết về sự ra đi của hai chiến sỹ biên phòng ở Đồn Biên phòng Yên Khương, Lang Chánh cũng mùa mưa cách đây 3 năm. Đó là thượng tá Cao Đăng Cường và đại úy Nguyễn Thành Chủng. Các anh bị lũ cuốn trôi trong khi giúp bà con phòng, chống lũ, lụt vào ngày 10 - 10 - 2017.

Mấy năm liền, cứ cuối tháng 9 tôi lại nhìn trời đoán xem liệu có bão, lũ nơi đâu. Và thật buồn, đúng tháng 10 của 3 năm sau, điều đau đớn ấy lại ập đến, không chỉ riêng với người cầm bút yêu màu áo lính như tôi, mà có lẽ với tất cả.

Sau sự ra đi của 13 cán bộ, chiến sỹ trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, đến lượt 22 cán bộ, chiến sỹ ở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 bị vùi lấp trong lán trại sau khi vừa thực hiện cứu hộ, cứu nạn ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị trở về. Trong những cái tên ấy có những người lính còn rất trẻ, những người lính quê Thanh Hóa...

“Khúc ruột” Miền Trung nhiều mất mát, đau thương, nhưng con người Miền Trung chất phác, kiệm cần, lại thêm một lần phải gồng mình chống chọi với cơn lũ dữ. Tiếng gọi Miền Trung thêm một lần nữa vang lên tha thiết và đầy day dứt trong hàng triệu con tim người Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc. Càng đáng nói hơn khi máu của người lính lại đổ xuống dòng nước xiết trên chính mảnh đất Miền Trung đã lắm khổ đau.

Những sự ra đi của người lính giữa thời bình không ác liệt như cái chết của người lính tuổi đôi mươi trong tiếng nổ xé trời của đạn bom thời chiến, nhưng đau thương đến xé lòng trong rùng rùng nước xiết và đất đá.

Họ ra đi cho dân vùng thiên tai được sống, được trở lại với mái nhà, với người thân yêu.

Đó cũng là cái cách để Quân đội ta đền đáp Nhân dân - những người đã đùm bọc, thương yêu, dõi theo bước chân người lính suốt biết bao năm, từ những cuộc chiến tranh vệ quốc đến khi làm nhiệm kinh tế hay quốc phòng giữa thời bình.

Rõ ràng những người lính đang làm nhiệm vụ bằng mệnh lệnh Quân đội, nhưng lớn hơn chính là mệnh lệnh của trái tim. Trái tim hối thúc nhịp bước, định hướng con đường đi, không nghĩ đến hiểm nguy, đến ngày về. Họ đang tiếp bước lớp lớp cha anh đi trước để tô thắm thêm sự vẹn nguyên hình hài Tổ quốc, sự cao cả và vĩ đại của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tôi cứ nhớ mãi những ngày còn làm phóng viên, biết bao lần được cùng bộ đội đi chống lũ. Hình ảnh bộ đội trắng đêm cứu hộ, dầm mưa, gồng mình cùng bà con phòng, chống thiên tai, mãi là những khoảnh khắc ấm áp nhất trong lòng người dân vùng lũ.

Có nơi cả cánh đồng đang mùa lúa chín, bộ đội về làng ngâm mình trong nước chỉ mấy tiếng đồng hồ đã kịp cứu lúa cho bà con khỏi cơn bão đang sầm sập đổ bộ vào. Và chính lúc bão đổ bộ vào đất liền, những người lính lại đi ngược chiều gió tìm kiếm bà con còn chưa kịp sơ tán, chằng chống nhà cửa, di chuyển đồ đạc. Thậm chí họ còn ở lại nơi đầu bão để trực chiến, đảm bảo an ninh.

Rồi những ngày sau lũ, bão, bộ đội lại cùng dân khắc phục hậu quả thiên tai. Quân đội sinh ra để vừa đánh giặc vừa làm bạn với dân.

Với sự vào cuộc ấy, cho thấy tinh thần, trách nhiệm cùng tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia với đồng bào lớn như thế nào. Không chỉ dừng lại ở việc thực hiện nhiệm vụ, tất cả lực lượng đều vào cuộc từ mệnh lệnh của trái tim. Quân đội có kỷ luật, người lính làm theo mệnh lệnh, nhưng trên hết ở họ luôn có tấm lòng. Dù thời chiến hay thời bình trái tim người lính vẫn là hình hài ấy, dòng máu ấy.

Sự hy sinh của của những người lính trên vùng lũ Miền Trung trong những ngày qua biết là khó tránh, bởi dù thời chiến hay thời bình, thì lực lượng vũ trang đều phải là những người xông pha trên tuyến đầu.

Các anh ra đi, vào đất mẹ, nhưng tên các anh thì ở lại, khắc vào đá núi, găm vào triệu triệu con tim. Vĩnh biệt các anh - những người lính đã ngã xuống giữa thời bình bằng những lời cảm phục và biết ơn vô tận.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]