Làng học sinh: Nơi chắp cánh những ước mơ vượt núi
Làng học sinh giờ đã rợp bóng cây xanh. Từ ngôi làng này, nhiều thế hệ đã vượt qua những ngọn núi, đi tìm tương lai.
Những buổi họp làng được tổ chức để thầy và trò ngồi lại với nhau chia sẻ về các vấn đề của lứa tuổi học sinh. Ảnh: TĂNG THÚY
Ngôi làng "có 1 - 0 - 2"
Mường Lát hôm nay rộn ràng bởi cảnh sắc mới, con người mới xen lẫn thanh âm, sắc màu của một vùng đất khó đang vươn mình với những trục đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nhiều ngôi nhà mới mọc lên khang trang, đẹp đẽ... Và những túp lều tranh tre tạm bợ của các em học sinh trọ học quanh thị trấn đã không còn nữa. Thay vào đó, một khuôn viên khang trang, rộng rãi với 31 căn nhà sàn là nơi ăn, chốn ở của những đứa trẻ vùng cao đi tìm con chữ. Bởi các em hiểu rằng, chỉ có con chữ mới giúp bản thân các em vươn mình lên xóa đi mây mù và mở ra cánh cửa cho tương lai.
Trường THPT Mường Lát khá đặc biệt so với nhiều ngôi trường THPT khác trên địa bàn tỉnh, bởi đây là trường cấp THPT duy nhất trên địa bàn. Nguyên nhân là do mật độ dân số ở các xã khá thấp, cư trú phân tán, ngoài những lớp đầu cấp được đưa về thôn, bản, học sinh trong huyện theo học THPT phải xa gia đình tập trung về thị trấn để học tập. Từ năm 2005 trở về trước, mỗi khi chuẩn bị vào năm học mới, để con em mình có chỗ ăn ở, học tập, phụ huynh từ các bản xa của các xã lại vào rừng chặt tre, nứa xuống thị trấn dựng lều, lán tạm bợ bên các sườn núi, triền suối quanh khu vực trường. Rồi họ sắp xếp cho 3-4 học sinh nhiều lứa tuổi khác nhau ở chung. Hằng ngày, những đứa trẻ chăm sóc nhau, chia nhau từng bát cơm, con cá khô, cọng rau rừng... Tối đến, trong những căn lều tuềnh toàng ấy các em tụm lại học bài bên thứ ánh sáng lờ mờ từ ngọn đèn dầu leo lét.
Vùng cao này - nơi được xem là nghèo nhất của tỉnh và thuộc nhóm nghèo nhất cả nước, khi trên 90% là người dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Thái...), trong đó hơn 50% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, để được đến trường, các em phải vượt qua cái đói, cái nghèo và nếp nghĩ cổ hủ ngàn đời của ông bà, bố mẹ ở nhà. Thế nhưng ở trong những lán tạm này, các em còn phải đối diện với trăm bề khổ: mùa khô lo cháy lều, mùa mưa thì không thể lường trước được hiểm nguy bởi những túp lều tạm bợ, chênh vênh nơi triền suối sẽ có thể bị lũ cuốn trôi bất kể lúc nào. Các em nữ còn khổ hơn, vì đêm đêm cánh trai tráng ở các bản gần lại đến chọc ghẹo. Nhưng khổ nhất vẫn là đi tắm, đi vệ sinh. Đi tắm thì phải vào trong bản tắm nhờ, nhưng không phải nhà ai cũng thoải mái cho các em tắm. Những đứa trẻ phải ra suối tắm, vừa xa, vừa lạnh. Nhà vệ sinh thì đương nhiên không có nên vừa bất tiện, vừa rất nguy hiểm.
Hình ảnh đời thường của những em học sinh trọ học quanh thị trấn khiến các thầy giáo, cô giáo và nhiều người từ xa đến vừa cảm phục nhưng không khỏi xót xa. Một trong số ấy có người đàn ông quốc tịch Đức, dân bản vì không nhớ tên tiếng Đức của ông nên gọi đơn giản là ông “Văn Thơ”, thuộc tổ chức Tere Deshmmer (một Tổ chức phi Chính phủ của CHLB Đức). Ông đến Mường Lát cùng vợ người Thái Lan của mình và chứng kiến công cuộc “tìm chữ” của con em dân tộc khó khăn cỡ nào. Nó thực sự ám ảnh và thôi thúc họ phải làm một điều gì đó giúp các em. Và sau khi trở về Đức, người đàn ông đã chia sẻ những bài viết, hình ảnh về cuộc sống, học tập của học trò vùng biên giới Việt Nam cũng như mong ước của mình với bạn bè. Có lẽ những hình ảnh chân thực, mục đích trong sáng của ông đã chạm đến trái tim nhân ái của nhiều người. Tổ chức Tere Deshmmer đã tài trợ 4,6 tỷ đồng giúp xây dựng khu nội trú với 15 căn nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người Thái, bên trên dành ngủ nghỉ, học tập; bên dưới nấu ăn. Công trình đặc biệt này sau khi hoàn thành được đặt tên là Làng học sinh, ngụ ý nơi này sẽ là ngôi nhà thứ 2 - nơi chắp cánh ước mơ của những đứa trẻ.
Sau khi hoàn thành, khoảng 100 học sinh đủ điều kiện đã được ăn ở và sinh hoạt tại làng. Số còn lại phải tự túc, tìm kiếm nơi ở bên ngoài nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập. Năm 2008 để đảm bảo nhu cầu bán trú của khoảng 400 học sinh, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel tài trợ thêm kinh phí để hoàn thiện 30 ngôi nhà sàn trong khu làng này và đưa vào sử dụng hiệu quả. Mỗi nhà có thể sắp xếp từ 8-10 học sinh sinh hoạt, học tập.
Qua thời gian sử dụng, Làng học sinh đã nhiều lần được sửa chữa, bổ sung các hạng mục từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Cụ thể, cuối năm học 2013, huyện Mường Lát đã đầu tư sửa chữa làm lại toàn bộ phần mái 30 căn nhà và xây tường lại 11 căn, thay mới dây dẫn và thiết bị điện, láng nền gầm sàn nhà, sửa chữa nhà bếp... Đến năm 2021, nhiều hạng mục đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, toàn bộ khu làng từ khi đưa vào sử dụng không có tường rào bao quanh. Do đó, nhiều thanh niên địa phương tự do ra vào khu nội trú của học sinh nữ, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của các em học sinh nơi đây. Vì thế các cấp, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện đã xuống khảo sát, tìm hiểu, thống nhất chủ trương đầu tư, tu sửa lại một số hạng mục với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Đến nay, Làng học sinh này đã được khoác lên mình màu sắc mới, khang trang và kiên cố. Ngoài ra, tại Làng học sinh còn có một ngôi nhà sàn lớn làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đối với các em học sinh.
Ngôi nhà chung
Hiện tại, 210 học sinh ở các xã trong huyện đến ở lại và học tập. Đa số các em đều ở xa trường hàng chục km, như: Bản Tà Cóm, Khằm 1, Khằm 2, Suối Hộp, Kéo Hượn (xã Trung Lý); Nàng Một, Sài Khao, Chà Lan, Xì Lô (xã Mường Lý); Pù Cá, Hua Pù, Pa Hộc, Luốc Ha, Chim, Cơm, Pù Ngùa (xã Pù Nhi)... Thầy Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát cho biết, đối với những học sinh ở cách xa hơn trường 10km đều được tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ mỗi tháng không quá 40% tháng lương cơ bản. Riêng học sinh nghèo được hỗ trợ mỗi tháng thêm 150.000 đồng chi phí hỗ trợ học tập và 15kg gạo. Ở nội trú, các em được khám bệnh định kỳ, được mua BHYT và dùng chung tủ thuốc của nhà trường.
Thầy Hà Văn Khánh, phụ trách Làng học sinh.
"Thông thường, một tuần chúng em sẽ về nhà một lần, bạn nào ở xa thì 2 hoặc 3 tuần sẽ về nhà một lần. Nhà nghèo nên bố mẹ không cho tiền tiêu vặt hằng tháng, chúng em tự chi tiêu trong số tiền được Nhà nước cấp. May mắn, ở Làng học sinh chúng em chỉ đóng tiền điện, không tốn thêm bất kỳ chi phí phát sinh nào", em Thao Văn Xua, lớp 12C, trú bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn chia sẻ.
Theo Xua, em muốn đi học, nếu thi đậu vào các trường chuyên nghiệp càng tốt, không thì phải có bằng tốt nghiệp THPT để sau này xin việc làm dễ dàng hơn. Xua tính sẽ đi xuất khẩu lao động nếu không đủ điều kiện để học cao hơn. Không riêng gì Thao Văn Xua, vượt khó đi học con chữ là việc làm đang từng ngày, từng giờ diễn ra trong số đông học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát.
Sinh hoạt tại làng, học sinh đều phải thực hiện các nội quy, quy định do nhà trường đặt ra, như: Thời gian đóng và mở cổng làng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn vệ sinh nhà và khuôn viên làng... Để thuận tiện cho công tác quản lý, giáo viên phụ trách làng - thầy Hà Văn Khánh, sống luôn ở nhà công vụ cho giáo viên ngay gần làng. Sau giờ học, giáo viên và học sinh cùng chơi thể thao như những người bạn, thành viên trong gia đình. Hằng tuần, hằng tháng, thầy Khánh tổ chức những buổi họp làng để thầy và trò giao lưu, chia sẻ về các vấn đề như: nạn tảo hôn, bạo lực học đường, mê tín dị đoan; tuyên dương những việc làm hay, hành động tốt...
Dưới ngôi làng này, thầy cô giáo không chỉ là người làm công tác giảng dạy, hết giờ hết trách nhiệm, mà sự gắn kết của họ với các cô cậu học trò xa nhà, xa bố mẹ, người thân đã làm tình thầy trò thêm thiêng liêng, gần gũi, thân thiết như gia đình. Trong mỗi căn nhà sàn đều có ghi số điện thoại của thầy Khánh, để khi cần có thể gọi. Chuyện thầy Khánh đến làm chuyên gia hòa giải các xung đột giữa học sinh lớp này với lớp khác, dân tộc này với dân tộc khác hay giữa đêm tất tả mang tiền của mình vào bệnh viện chăm học trò không còn là lạ... Với những đứa trẻ dân tộc thiểu số ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, bị đánh giá là kém về giao tiếp, thầy dạy những bài học trong cuộc sống từ chuyện tế nhị của con gái, chuyện đi vệ sinh đúng nơi quy định, chuyện cư xử giữa bạn bè, thầy cô... giúp học sinh hiểu đạo lý làm người và biết cách cư xử khi ra xã hội.
Giữa bộn bề khó khăn, khi mà đầu vào học sinh của trường vừa ít, sức học lại yếu, đa số nguồn giáo viên đều là dưới miền xuôi và các huyện khác chuyển đến. Vậy nhưng, thầy cô dành tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc; trò vượt nghịch cảnh cố gắng học tập, rèn luyện với niềm tin “Hôm nay đi học xa/Đường tương lai đường gần”. Bởi vậy mà, năm học 2022-2023, 99,97% em tốt nghiệp THPT và 20 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Kết quả này là một nỗ lực không nhỏ của cả thầy và trò Trường THPT Mường Lát. Thầy Trần Anh Văn bộc bạch: “Trò mến thầy cô mà học; thầy thêm niềm đam mê để truyền lửa cho các em”.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát nhận xét: “Là một ngôi trường còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng với tâm huyết và nỗ lực vượt khó vươn lên của các thầy cô giáo, những năm qua, Trường THPT Mường Lát đã trở thành địa chỉ tin cậy, nơi thắp sáng ước mơ tri thức cho nhiều học sinh dân tộc thiểu số. Trong những năm tới, nhiệm vụ trọng tâm của trường là tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục để góp phần đào tạo nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương, sớm từng bước đưa Mường Lát ra khỏi huyện nghèo vào năm 2030”.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-01-12 17:03:00
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chính thức trở thành Đại học Kinh tế Quốc dân
-
2025-01-12 11:05:00
Thiết thực ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025
-
2024-04-11 14:26:00
Thầy trò thay đổi để thích ứng với thời đại 4.0
Cảnh báo tình trạng học sinh ngộ độc từ đồ chơi bóng nổ, bóng thối
Dự án Tổ hợp giáo dục FPT tại Thanh Hoá cất nóc chỉ sau 3 tháng thi công
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Bộ Công an chốt lịch thi đánh giá để tuyển sinh đại học vào ngày 7/7
Từ 14/4, Hội đồng Anh bắt đầu tổ chức thi lại một kỹ năng IELTS cho thí sinh
Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác khuyến học, khuyến tài
Xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia - những thuận lợi và khó khăn
Bức bối chuyện vào lớp 10
Hệ thống Anh ngữ Quốc tế Ocean Edu chào mừng lễ kỷ niệm 17 năm - Hành trình giúp hàng triệu người Việt giỏi tiếng Anh