(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tỉnh Thanh Hóa đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Đây là những minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết vì sự phát triển của quê hương.

Lan tỏa những điển hình tiên tiến sống “tốt đời, đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo

Trong những năm qua các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tỉnh Thanh Hóa đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Đây là những minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết vì sự phát triển của quê hương.

Lan tỏa những điển hình tiên tiến sống “tốt đời, đẹp đạo” trong đồng bào Công giáoCán bộ mặt trận thôn 8, xã Nga Liên (Nga Sơn) tuyên truyền, vận động hộ gia đình giáo dân Nguyễn Thị Dung tham gia mua BHYT tự nguyện.

Tỉnh Thanh Hóa có gần 154.000 giáo dân đang sinh sống tại 27 huyện, thị xã, thành phố. Hưởng ứng các phong trào thi đua do Trung ương và tỉnh phát động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cụ thể hóa các nội dung hoạt động của tổ chức mình thông qua xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm. Đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn phù hợp với chủ đề, đối tượng vận động để triển khai đến ủy ban MTTQ, ban đoàn kết Công giáo các huyện, thị, thành phố có xứ, họ đạo. Phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết, biểu dương khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ và các phong trào thi đua.

Thông qua đó, 8 nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” đã được triển khai sâu rộng trên các địa bàn dân cư và nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân. Những kết quả tốt đẹp mang lại đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững an ninh trật tự, đặc biệt tạo ra mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa bà con lương - giáo ở các khu dân cư (KDC) trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong phát triển kinh tế, nhiều địa phương, đồng bào Công giáo đã xây dựng trang trại, gia trại, đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 100 đến 400 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo đã coi trọng việc phát triển nghề phụ, nghề truyền thống, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương có mức thu nhập ổn định từ 4 đến 10 triệu đồng/người/tháng, qua đó góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều vị linh mục, tu sĩ, chức việc là những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, xây dựng giáo xứ, họ đạo và KDC giàu đẹp.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), đồng bào Công giáo đã tự nguyện đóng góp trên 20 tỷ đồng, hiến trên 90 ha đất, trên 67 nghìn ngày công, sửa chữa và làm mới nhiều nhà văn hóa thôn, hơn 700 km đường giao thông nông thôn và nhiều đèn điện chiếu sáng, góp phần đưa số huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh lên 12 đơn vị; số xã, thôn, bản đạt chuẩn NTM lên 346 xã, 902 thôn, bản (trong đó có 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 9 xã và 242 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã.

Trong xây dựng đời sống văn hóa, hàng năm có 100% KDC vùng đồng bào Công giáo đăng ký xây dựng KDC văn hóa, 90% hộ gia đình đăng ký phấn đấu đạt gia đình văn hóa. Kết quả, năm 2020, 2021 có trên 100 nghìn lượt gia đình giáo dân được công nhận ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo. Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ hàng trăm người lầm lỗi, hòa giải thành công 84,7% vụ, việc, góp phần giải quyết các mâu thuẫn nhỏ ở cơ sở, đoàn kết Nhân dân ở KDC, thực hiện tốt các phong trào thi đua và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.

Phong trào xây dựng xã hội học tập được bà con giáo dân cùng với Nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng thông qua đóng góp quỹ khuyến học, khuyến tài. Hàng năm, các cấp hội khuyến học quản lý quỹ trên 400 tỷ đồng. Có nhiều mô hình hiệu quả như: “Dòng họ khuyến học”, “Giáo họ hiếu học”, “KDC hiếu học”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi”... Đã có hàng nghìn lượt con em giáo dân đậu vào các trường đại học, cao đẳng, sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định.

Với tinh thần “yêu thương và phục vụ”, trong những năm qua đồng bào Công giáo cùng với các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” ngày càng hiệu quả. Trong 2 năm qua đã làm mới và sửa chữa 4.392 căn nhà Đại đoàn kết; tặng quà học sinh nghèo vượt khó, các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất trị giá hàng trăm tỷ đồng. Các hoạt động từ thiện, bác ái của đồng bào Công giáo đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh xuống còn 1,52%...

Bên cạnh đó, ủy ban MTTQ các cấp còn tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát huy dân chủ, tích cực tham gia xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh và đoàn kết trong đạo đức, lối sống.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lê Thị Huyền, kết quả của phong trào thi đua yêu nước sống “tốt đời, đẹp đạo” với những việc làm cụ thể ở mỗi địa phương, mỗi xứ đạo, mỗi KDC, ở mỗi gia đình và từng cá nhân là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của các vị linh mục, tu sĩ, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo hội và cộng đoàn giáo dân. Đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Công giáo không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bộ mặt KDC ngày càng khang trang, đồng bào Công giáo trong tỉnh phấn khởi, yên tâm sống “tốt đời”, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc và góp phần làm “đẹp đạo” theo đúng tinh thần “yêu thương” của người Kitô giáo. Qua đó, tăng cường tinh thần đoàn kết lương giáo chu toàn bổn phận “Kính Chúa, yêu người”, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Mong muốn lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái chăm lo, giúp đỡ bà con giáo dân nghèo

Lan tỏa những điển hình tiên tiến sống “tốt đời, đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo

Những năm qua, với vai trò là người đứng đầu Caritas Giáo phận Công giáo Thanh Hóa tôi luôn phát huy tinh thần đoàn kết, không chỉ động viên, giúp đỡ bà con giáo dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, mà còn luôn giáo dục, răn dạy bà con giáo dân “Kính Chúa yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo”, chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, tôi còn tích cực vận động các nhà hảo tâm, bà con giáo dân trong và ngoài nước đóng góp quỹ “Bác ái”. Từ nguồn quỹ hàng năm tôi đã tổ chức nhiều hoạt động tặng quà; ủng hộ tiền, xây dựng nhà tình thương; tặng xe lăn cho người khuyết tật; tặng học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó vươn lên, trẻ em mồ côi; hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người già cả neo đơn, người khuyết tật, người mù trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số tiền trị giá hàng chục tỷ đồng. Trong năm 2020, Caritas Giáo phận Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện trị giá quà tặng trên 25 tỷ đồng; năm 2021 các hoạt động nhân đạo từ thiện trị giá quà tặng trên 26,6 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm 2022 là trên 7 tỷ đồng. Định kỳ 2 lần/quý, Caritas Giáo phận Thanh Hóa tổ chức luân phiên khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con Nhân dân tại các giáo xứ trên địa bàn toàn tỉnh. Vận động, giúp đỡ Nhân dân TP Hồ Chí Minh, con em Thanh Hóa đang lao động tại một số tỉnh, thành phố phía Nam; tổ chức thăm, tặng quà cho các khu cách ly tập trung, các giáo xứ hỗ trợ bà con nghèo tại địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19... với tổng số tiền trên 4,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ năm 2017-2021 Caritas Giáo phận Thanh Hóa đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ gần 7,5 tỷ đồng xây 48 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ giáo dân nghèo tại huyện Yên Định, Thọ Xuân. Năm 2022 tiếp tục hỗ trợ xây dựng 52 nhà Đại đoàn kết cho đồng bào Công giáo sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống tại các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành, với mức hỗ trợ dự kiến 50 triệu đồng/nhà.

Linh mục Nguyễn Văn Thường

Giám đốc Caritas Giáo phận Công giáo Thanh Hóa

Tuyên truyền, vận động bà con giáo dân đang sinh sống trên sông lên bờ xây dựng nhà ở

Lan tỏa những điển hình tiên tiến sống “tốt đời, đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo

Giáo xứ Yên Khánh, huyện Yên Định có đông bà con giáo dân là ngư dân sống trên dòng sông Mã với nghề kiếm sống chủ yếu là hút cát và đánh bắt cá, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa bão.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, huyện Yên Định đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ các hộ gia đình giáo dân sinh sống trên sông xây dựng nhà ở trên bờ ổn định cuộc sống. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn. Xuất phát từ thực trạng trên, bản thân là Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ, tôi đã cùng với linh mục quản xứ và các vị trùm trưởng ở các giáo họ trong giáo xứ trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, giải thích cho bà con giáo dân hiểu rõ về ý nghĩa nhân văn của việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động “Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo chưa có nhà ở đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đời sống đồng bào sinh sống trên sông”...

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đa số các hộ giáo dân sinh sống trên sông nước đã đồng thuận với chủ trương làm nhà ở trên bờ để ổn định cuộc sống. Kết quả từ năm 2017 đến nay đã có 179 hộ giáo dân nghèo sinh sống trên sông thuộc Giáo xứ Yên Khánh được UBND huyện Yên Định cấp 179 lô đất ở. Tính đến tháng 4-2022 có 128/179 hộ thuộc diện được cấp đất ở đã làm nhà ở ổn định cuộc sống, với tổng kinh phí hơn 33 tỷ đồng, trong đó có một số hộ tự làm, các hộ còn lại nhận hỗ trợ từ các nguồn của Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Caritas Giáo phận Thanh Hóa và Giáo xứ Yên Khánh. Từ tháng 6-2022 đến nay, trong số 51 hộ đã được cấp đất ở còn lại, đã có 24 hộ đã và sắp hoàn thành nhà. Mỗi hộ dân làm nhà được Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, Caritas Giáo phận Thanh Hóa hỗ trợ 50 triệu đồng, phấn đấu sớm hoàn thành chương trình hỗ trợ đồng bào sinh sống trên sông xây dựng nhà ở trên địa bàn. Đối với 24 hộ giáo dân sinh sống trên sông chưa có đất và nhà ở đủ điều kiện nhận hỗ trợ, huyện Yên Định đang chỉ đạo cấp đất và hỗ trợ làm nhà xong trước ngày 30-6-2023.

Nguyễn Hồng Phước

Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Yên Khánh, huyện Yên Định

Trường Mầm non Vườn Hồng: Địa chỉ tin cậy dành cho lứa tuổi mầm non

Lan tỏa những điển hình tiên tiến sống “tốt đời, đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo

Hội Dòng mến Thánh Giá Thanh Hóa có địa chỉ số 10/626, đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa là nơi sinh hoạt tập trung của 181 sơ đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Với vai trò là Tổng phụ trách, quản lý, điều hành mọi hoạt động của Hội Dòng, tôi luôn hướng dẫn, chỉ đạo chị em chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đường hướng của giáo hội theo tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” và huấn từ của Giáo hoàng Beneditto XVI “Người Công giáo tốt đồng thời là người công dân tốt”.

Hoạt động nổi bật nhất của Hội Dòng đó là thành lập, xây dựng và phát triển Trường Mầm non Vườn Hồng. Đến nay, sau 6 năm hoạt động, trường đã có 22 lớp với 726 cháu ở độ tuổi từ 24 đến 72 tháng tuổi. Với tình yêu con trẻ, chị em Hội Dòng luôn tận tình, chu đáo chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Ngoài dạy chữ, các chị em Hội Dòng còn dạy trẻ học các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, dạy năng khiếu đàn, hát, múa, tiếng Anh. Đặc biệt có lớp dành cho trẻ tự kỷ, trẻ phát triển chậm, qua đó giúp các con phát triển tư duy, ngôn ngữ và các hoạt động hòa nhập với cộng đồng. Vì vậy, nhiều năm qua Trường Mầm non Vườn Hồng luôn là địa chỉ tin cậy của Nhân dân TP Thanh Hóa về chăm sóc, nuôi dạy các cháu ở lứa tuổi mầm non. Nhà trường đã được công nhận Trường chuẩn quốc gia mức độ II, đạt chất lượng kiểm định mức độ III.

Bên cạnh đó, Hội Dòng còn thường xuyên duy trì mở phòng khám đông y để thăm khám, chữa bệnh cho khoảng 1.000 người/mỗi năm; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; nhận nuôi 4 người già không nơi nương tựa. Ngoài ra, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 Ban Bác ái Hội Dòng đã đi thăm, trao 700 phần quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, 435 suất học bổng giúp các em học sinh nghèo tại các giáo xứ trong Giáo phận Thanh Hóa...

Nữ tu Vũ Thị Nhung

Tổng phụ trách Hội Dòng mến Thánh Giá Thanh Hóa

Tích cực vận động Nhân dân phát triển kinh tế, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

Lan tỏa những điển hình tiên tiến sống “tốt đời, đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo

12 năm tham gia Ban Đoàn kết Công giáo thị xã Nghi Sơn tôi luôn xác định vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trước Nhân dân. Đó là nỗ lực xây dựng khối đại đoàn kết lương - giáo; thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con giáo dân ngoài việc tuân thủ giáo luật, giáo lý, các chính sách về tôn giáo còn phải chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào từ thiện bác ái xã hội. Tham gia các hoạt động xây dựng hương ước của cộng đồng, các hoạt động có ích của giáo họ, giáo xứ, xây dựng KDC đảm bảo trật tự, an toàn xã hội...

Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tôi cùng các vị linh mục, tu sĩ, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ vận động bà con giáo dân đóng góp gần 17 tỷ đồng, hàng trăm ngàn ngày công, nguyên vật liệu, hiến đất... bê tông hóa gần 17,4 km đường giao thông nông thôn, trục chính nội đồng; xây dựng các công trình phúc lợi xã hội chung ở từng địa phương. Tôi đã vận động bà con tham gia ủng hộ bà con các vùng bị thiên tai thuộc huyện Quan Sơn, Mường Lát hơn 1 tỷ đồng; phối hợp vận động bà con giáo dân đóng góp xây dựng và sửa chữa 23 nhà Đại đoàn kết, với số tiền gần 1,2 tỷ đồng và ủng hộ phòng, chống COVID-19 hơn 400 triệu đồng... Cùng với việc vận động bà con giáo dân phát triển kinh tế, bản thân tôi và gia đình vẫn duy trì cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm, mắm tôm giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, đồng bào Công giáo thị xã Nghi Sơn đã và đang góp phần vào sự phát triển và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”...

Nguyễn Văn Chữ

Nguyên Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo thị xã Nghi Sơn

Xây dựng xứ, họ đạo không có tệ nạn xã hội

Lan tỏa những điển hình tiên tiến sống “tốt đời, đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo

Giáo xứ Nhân Lộ nằm trên địa bàn thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc với 1.263 nhân danh ở 6 họ đạo (trong đó có 905 nhân danh ở 3 giáo họ thuộc địa bàn thị trấn Vĩnh Lộc); bà con giáo dân ở xen kẽ với lương dân. Trong những năm qua, với vai trò là chủ tịch hội đồng giáo xứ tôi đã tích cực cùng với ban công tác mặt trận và các đoàn thể ở khu dân cư (KDC) thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của công dân, giáo dân theo phương châm “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), thực hiện có hiệu quả các mô hình tự quản ở KDC lồng ghép với nhiều phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con giáo dân chủ động đăng ký, ký cam kết về ANTT và thực hiện nghiêm túc các tiêu chí xây dựng “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”; tuyên truyền tới mọi giáo dân, các nhóm, các hộ trong giáo xứ tránh xa các tai, tệ nạn xã hội; có ý thức chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cung cấp nhiều thông tin giá trị, trợ giúp đắc lực cho lực lượng công an giải quyết những vụ việc phức tạp;...

Nhờ các hoạt động tích cực trên, Giáo xứ Nhân Lộ đã vinh dự được Giám đốc Công an tỉnh tặng Bằng khen và nhiều cá nhân tiêu biểu là người Công giáo được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về có thành tích và đóng góp tiêu biểu trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; 100% KDC thuộc 3 giáo họ trên địa bàn thị trấn Vĩnh Lộc hàng năm đều được công nhận “KDC văn hóa”, “KDC đảm bảo ANTT”; 100% gia đình giáo dân đều được công nhận “Gia đình văn hóa”, “Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, có những gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa tiêu biểu”... Kết quả đó cũng đã thể hiện sự đóng góp, vai trò tích cực, quan trọng của đồng bào Công giáo trong phong trào xây dựng đô thị văn minh, xứ, họ đạo bình yên.

Lê Hùng Sáu

Chánh trương Giáo xứ Nhân Lộ, thị trấn Vĩnh Lộc

Bài và ảnh: Phan Nga



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]