Lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” từ “hậu phương”
Giữa thôn Đồng Lương yên ả, thuộc xã Thạch Bình có một ngôi nhà nhỏ mà bên trong đó, tình yêu và lòng thủy chung đã neo giữ hai con người đi cùng nhau suốt hơn 65 năm. Người phụ nữ ấy là bà Bùi Thị Huế, sinh năm 1939, người vợ, người bạn đời, là “hậu phương” kiên cường của thương binh Bùi Chí Hạnh (sinh năm 1940).
Bà Bùi Thị Huế luôn tận tình chăm sóc chồng là thương binh Bùi Chí Hạnh suốt 4 năm nằm liệt giường.
Ông Hạnh từng là người lính dũng cảm trên chiến trường của nước bạn Lào. Năm 1959, khi mới 19 tuổi, ông bị thương nặng, nhiều mảnh đạn găm vào người, cho đến nay vẫn còn nằm sâu trong xương thịt. Mỗi khi trời trở gió, những vết thương cũ lại âm ỉ đau nhức, khiến ông mất ăn, mất ngủ. Dù vậy, ông chưa từng than phiền, bởi bên cạnh ông luôn có một người vợ tận tụy.
Năm 1958, họ nên duyên bằng một đám cưới giản dị, rồi ông nhập ngũ. Ngày nhận tin ông bị thương, bà chết lặng. “Tôi chỉ nghĩ, dù ông ấy có thế nào thì vẫn là chồng mình”, bà kể, ánh mắt ánh lên nỗi buồn pha lẫn niềm tin son sắt.
Từ ngày ông nằm liệt, đã gần 4 năm nay, bà không rời nửa bước. Từ trở mình, thay áo quần, xoa bóp tay chân cho đến đút từng thìa cháo, từng ngụm nước - mọi việc sinh hoạt của ông đều do bà đảm đương. “Tôi già rồi, không còn sức khỏe như trước, nhưng còn sống ngày nào thì còn lo cho ông ấy ngày đó. Tôi mà lơ là là ông ấy nằm đau, thương lắm”, bà Huế nghẹn ngào.
Có lần ông Hạnh nói với con cháu: “Đời cha không có gì để lại ngoài mẹ các con. Mẹ đã sống cho cả phần đời cha bỏ lại nơi chiến trường” - câu nói ấy, với bà Huế, là phần thưởng lớn nhất sau cả một đời lặng thầm hy sinh.
Về thôn Quang Chiêm, xã Hà Long, người dân vẫn thường nhắc đến cặp vợ chồng già sống trong ngôi nhà nhỏ nơi có người lính già Lại Hồng Tần và người vợ tảo tần tên Mai Thị Phăn. Họ nên duyên từ năm 1971, giữa những ngày đất nước còn khói lửa chiến tranh.
Ông Tần từng là chiến sĩ chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên, rồi hành quân vào Nam. Nắng rừng, sốt rét, đói lả và những trận đánh ác liệt đã lấy đi phần lớn sức khỏe của ông. Sau khi xuất ngũ, ông được công nhận là thương binh hạng 4/4, mang trong mình căn bệnh lao phổi dai dẳng. Cả gia đình chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, bươn trải từng ngày.
Bà Phăn, chưa một lần than trách. Năm 2022, bệnh viện kết luận ông mắc ung thư trực tràng giai đoạn 3. Bà Phăn trở thành “bác sĩ tại gia”, chăm từng bữa ăn đến liều thuốc, từ đưa đi viện đến đỡ ông ngồi dậy mỗi buổi sáng. Bà nói: “Tôi không giỏi chữ, chẳng biết nhiều, chỉ mong ông ấy bớt đau, sống được ngày nào là quý ngày đó”.
Nhiều đêm ông đau không ngủ được, bà thức cùng ông, lặng lẽ xoa bóp và nắm tay ông như ngày mới yêu. Những lúc đó, ông Tần lại thì thầm: “Cũng may bên cạnh tôi có bà nên tôi mới sống được đến giờ” - câu nói ấy giản dị mà lay động đến tận cùng cảm xúc.
Tại thôn Tân Phong, xã Đồng Lương, thương binh hạng 3/4 Lê Văn Mốp xúc động kể về người vợ tảo tần của mình bằng tất cả sự biết ơn. Trở về sau chiến tranh với một phần cơ thể gửi lại chiến trường, anh từng nghĩ hạnh phúc không còn dành cho mình. Thế nhưng, chị Nguyễn Thị Chung, người con gái cùng quê, đã vượt qua sự phản đối của gia đình để đến với anh bằng cả trái tim cảm thông.
Anh Mốp bị cụt chân, mọi sinh hoạt thường ngày đều khó khăn, gánh nặng đổ dồn lên vai người vợ nhỏ bé. Một mình chị vừa nuôi 3 đứa con, vừa chăm chồng bệnh tật, làm đủ nghề để giữ mái ấm. Những ngày trái gió, vết thương tái phát, chị lại tất bật bên anh. Có thời gian dài, chị cõng anh đi viện ròng rã suốt mấy tháng trời. Dáng người gầy gò, nhưng ý chí của chị Chung luôn vững vàng.
Suốt 43 năm chung sống, anh Mốp chưa một lần quên hình bóng người vợ thầm lặng đã cùng anh đi qua giông bão cuộc đời. Nhắc về chị, ánh mắt anh ánh lên niềm tự hào và biết ơn sâu sắc: “Tôi có được tất cả như ngày hôm nay là nhờ cô ấy, vợ của tôi”.
Đây chỉ là 3 trong hàng vạn câu chuyện hậu phương lặng thầm mà những người vợ thương binh đang viết nên mỗi ngày. Không cần được nhắc đến, không mong ai ghi công, các chị, các mẹ vẫn âm thầm chăm chồng bệnh tật, nuôi con khôn lớn, “giữ lửa” mái ấm bằng tất cả tình yêu và sự thủy chung. Mỗi câu chuyện là bức chân dung đẹp đẽ của lòng chung thủy và nghĩa tình trọn vẹn.
Trong những ngôi nhà bình lặng nơi thôn quê, biết bao người phụ nữ vẫn lặng lẽ đồng hành cùng người chồng mang thương tích từ chiến trường trở về. Không phô trương, không đòi hỏi điều gì cho riêng mình, họ sống giản dị nhưng phi thường, là chỗ dựa tinh thần, là bàn tay chăm sóc, là nơi neo giữ ký ức một thời bom đạn.
Chính họ đang viết tiếp trang sử hậu phương bằng tình nghĩa sâu nặng, thủy chung không đổi. Sự hiện diện của họ là minh chứng cho lòng trung hậu, là cội rễ của những giá trị nhân văn mà dân tộc ta luôn gìn giữ. Khi tưởng nhớ những người đã ngã xuống, xin đừng quên những người còn ở lại vẫn từng ngày gánh vác nỗi đau chiến tranh bằng cả trái tim bao dung và tình người không biên giới. Họ xứng đáng được tri ân không chỉ bằng lời, mà bằng cả sự thấu hiểu và biết ơn sâu sắc từ mỗi chúng ta.
Bài và ảnh: Trần Hằng
{name} - {time}
-
2025-07-25 23:39:00
Hỗ trợ chính quyền và Nhân dân sau sáp nhập
-
2025-07-25 21:01:00
Giữ “hồn quê” trong diện mạo mới
-
2025-07-25 20:41:00
“Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”
Dự báo thời tiết đêm 25 ngày 26/7/2025
Vinamilk “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” bằng tranh và hành động
[Infographics] - 3 chế độ, chính sách cho công chức tự nguyện xin thôi việc
Xã Thanh Quân tọa đàm kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Thay đổi tên cơ quan, mẫu con dấu và địa bàn quản lý của cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa
Xử lý nghiêm hành vi phát tán dịch bệnh
Dự báo thời tiết đêm 24 ngày 25/7/2025
Du lịch miền núi Thanh Hóa phục hồi sau bão Wipha
Đi phỏng vấn cần mang theo gì để thể hiện sự chuyên nghiệp?